Theo thống kê của Bộ Công Thương, sản lượng bia các loại trong tháng 11/2013 ước đạt 273,9 triệu lít, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, sản lượng bia các loại ước đạt trên 2,67 tỉ lít, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam vui vẻ cho biết, mục tiêu mà Hiệp hội này đặt ra cho năm 2013 là 2,9 tỉ lít bia coi như đã “cán đích”, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn.
Dự báo, nếu giữ tốc độ tăng trưởng ổn định như hiện nay thì đến năm 2014, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia trong nước sẽ đạt 3,3 tỉ lít; năm 2015 khoảng 3,6 tỉ lít. Mức tăng trưởng dự báo này thực tế vẫn… chưa đạt theo quy hoạch của Bộ Công Thương. Theo đó, đến năm 2015 Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 4,2 - 4,4 tỉ lít bia, bình quân 45 - 47 lít/người/năm. Mười năm sau đó, mức bình quân mỗi người Việt tiêu thụ bia sẽ đạt 60 - 70 lít/năm!
Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ này đang trình Dự thảo sửa đổi Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp rượu - bia - nước giải khát. Tuy nhiên, tổng sản lượng đề ra đến năm 2015 không thay đổi nhiều so với Dự thảo cũ, vẫn nằm ở mức ít nhất là 4 tỉ lít. Bộ đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành bia như hiện nay là khá hợp lý vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.
Điều đáng nói là trong khi thu nhập bình quân người của Việt Nam chỉ đứng thứ 8/11 trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam lại đang nắm giữ kỷ lục tiêu thụ bia với gần 3 tỷ lít, vì sản phẩm làm ra chủ yếu bán trong nước, xuất khẩu không đáng kể. Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, từ năm 2012 người Việt Nam đã tiêu thụ gần 3 tỷ lít bia. Lượng bia một người Việt trung bình uống một năm là 32 lít, xếp thứ nhất khu vực ASEAN và thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật. Nếu chỉ tính trung bình 22.000 đồng/lít, lấy theo giá bia Hà Nội thì người Việt đã chi tiêu 3 tỷ USD/năm cho thứ nước uống có men này.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay toàn ngành sản xuất bia có 151 doanh nghiệp ở 51 tỉnh, thành phố với tổng năng lực sản xuất trên 2,7 tỷ lít một năm. Ngành sản xuất rượu có 78 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với năng lực sản xuất trên 107 triệu lít một năm. Ngoài ra, cả nước có hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu quy mô nhỏ, vừa và hộ gia đình nhưng chỉ khoảng 10% công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Bốn doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam ở thời điểm này là Sabeco, Habeco, Heineken và Carlsberg. Trong đó, năng lực sản xuất của Sabeco và các công ty con, công ty liên kết là 1,7 tỷ lít/năm. Habeco với hệ thống của mình có năng lực sản xuất 916 triệu lít/năm. Cạnh tranh trên thị trường này được ghi nhận là hết sức khốc liệt.
Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong, nếu kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ USD/năm thì việc người Việt chi tới gấp 3 lần lượng tiền này cho bia cho thấy rõ ràng vấn đề cần phải suy nghĩ. Nếu số lượng tiền dùng uống bia được đầu tư cho phát triển kinh tế, cho xuất khẩu chắc chắn sẽ tạo ra được giá trị gia tăng tốt hơn.
Đó là “cái nhìn” của nhà kinh tế, còn bác sĩ thì lại nhìn thấy một “thị trường” những người mắc bệnh xơ gan, tim mạch... có “căn nguyên” từ rượu, bia ngày càng gia tăng. Nhãn tiền hơn, năm 2013 cả nước đã xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người, trong số này rất nhiều người “bỏ mạng” vì có cồn trong máu.