Những công trình mang tên cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Ðảng và cách mạng Việt Nam. Để tưởng nhớ công lao ông, nhiều con đường, trường học… tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước mang tên “Nguyễn Lương Bằng”.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, ở Thanh Miện, Hải Dương trong một buổi truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, Thanh Miện, Hải Dương.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, ở Thanh Miện, Hải Dương trong một buổi truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, Thanh Miện, Hải Dương.

Nhiều đường phố mang tên Nguyễn Lương Bằng

Phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, TP Hà Nội, bắt đầu từ ô Chợ Dừa đến ngã ba nối phố Tây Sơn với đường vào khu tập thể Quân đội Nam Đồng, nay là phố Hồ Đắc Di. Phố Nguyễn Lương Bằng dài 680m, rộng 15m. Tên phố được đặt từ năm 1989.

Phố Nguyễn Lương Bằng, TP Nam Định, có địa giới từ đường N32C đến đường N35, thuộc Khu đô thị Thống Nhất (TP Nam Định). Đường phố này rộng 33m, dài 331m.

Đường Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM, đây là tuyến đường lớn nhất khu vực Phú Mỹ Hưng. Với chiều dài đoạn đi qua đô thị gần 3km, lộ giới 48m gồm 6 làn xe, đường Nguyễn Lương Bằng giữ vai trò kết nối xuyên suốt khu trung tâm CBD (Central Business District) Phú Mỹ Hưng.

Ngoài ra, tại nhiều địa phương như: Nghệ An, TP Hải Phòng, Hải Dương, Bình Phước… đều có những phố mang tên Nguyễn Lương Bằng.

Trường học mang tên Nguyễn Lương Bằng

Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, ở Thanh Miện, Hải Dương - quê hương của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng.

Trường được thành lập vào ngày 22/07/1993 với tên gọi là Trường Phổ thông năng khiếu Ninh Thanh với nhiệm vụ tuyển học sinh có năng khiếu môn văn, Toán từ lớp 5 đến lớp 9 đạt thành tích xuất sắc qua các kỳ thi do huyện tổ chức để tập hợp thành đội tuyển, bồi dưỡng tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Năm 1996 sau khi tách huyện Ninh Thanh (thành Ninh Giang và Thanh Miện), địa phương đã tiến hành xây mới dãy nhà gồm 12 phòng học.

Đến năm 1997, do yêu cầu nhiệm vụ mới, trường chính thức được mang tên của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng.

Lễ Tổng kết năm học 2001-2002 Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Hải Dương). Ảnh: Trường THCS Nguyễn Lương Bằng.

Lễ Tổng kết năm học 2001-2002 Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Hải Dương). Ảnh: Trường THCS Nguyễn Lương Bằng.

Năm học 2002- 2003 là năm học thứ 10 kể từ khi thành lập, đội ngũ giáo viên, số lượng học sinh của trường phát triển vững mạnh, chất lượng giáo dục toàn diện cũng như công tác mũi nhọn không ngừng được khẳng định và nâng cao, góp phần đưa trường trở thành trường đầu tiên của tỉnh Hải Dương đạt chuẩn Quốc gia.

Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, ở Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ngày 30/7/2013, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng được thành lập trên cơ sở Trường THCS Lương Thế Vinh, khi trường này chuyển địa điểm về số 27 Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh Bắc.

Hội diễn Văn nghệ năm 2024 của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng). Ảnh: Trường THCS Nguyễn Lương Bằng

Hội diễn Văn nghệ năm 2024 của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng). Ảnh: Trường THCS Nguyễn Lương Bằng

Trường THPT Nguyễn Lương Bằng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ngày 12/7/2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 270/2000/QĐ.UB về việc thành lập trường Trung học phổ thông Nguyễn Lương Bằng, huyện Văn Yên, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc các xã Tây Nam của huyện Văn Yên và thực hiện chủ trương của Đảng “Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương.

Trường THPT Nguyễn Lương Bằng (Yên Bái) nhận Cờ thi đua của Chính phủ năm 2015. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái.

Trường THPT Nguyễn Lương Bằng (Yên Bái) nhận Cờ thi đua của Chính phủ năm 2015. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái.

Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng là lớp thế hệ các chiến sỹ cách mạng đầu tiên của Đảng, giác ngộ theo con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời là một trong những người tham gia tích cực vào quá trình thành lập Đảng và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Gần như trọn cuộc đời, cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, Nhân dân ta.

Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904, tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm (nay là xã Thanh Tùng, Thanh Miện, Hải Dương), trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước.

Đọc thêm