Đá marble hay còn gọi là cẩm thạch vào trong tay các kiến trúc sư giỏi có thể tạo nên những kiệt tác ngoạn mục.
Từ ngàn năm nay, đá cẩm thạch được cho là một trong số ít vật liệu truyền cảm hứng đến kinh ngạc. Để minh họa cho điều này, mời bạn chiêm ngưỡng một số công trình kiến trúc đương đại đã sử dụng tối đa loại đá tuyệt đẹp này.
Nhà hát Opera (Oslo, Na Uy)
Điểm nhấn của tòa nhà này là sự kết hợp giữa kiến trúc đương đại với hơi thở cổ điển và kết quả cuối cùng là toàn hảo.
Những mái dốc cho phép khách tham quan có thể tản bộ lên tới đỉnh của công trình. Nhà hát được xây trên khu đất rộng 38.000 m2 tạo nên một kết quả ấn tượng.
Để tạo ra sự hùng vĩ, bên ngoài nhà hát được thiết kế bằng đá granite trắng và đá marble nhập khẩu từ Italy. Đây cũng chính là loại đá marble mà kiến trúc sư nổi tiếng thời phục hưng Michelangelo dùng tạc tượng David, một trong những bức tượng nổi tiếng thế giới, đại diện cho vẻ đẹp lý tưởng của nam giới thời kỳ Phục hưng.
Trung tâm năng lượng Devon (Oklahoma, Hoa Kỳ)
Hoàn thành vào năm 2011, tòa nhà chọc trời 50 tầng này hiện vẫn là tòa nhà cao nhất ở Oklahoma. Đây là trụ sở của Tập đoàn Năng lượng Devon với các thiết kế nội và ngoại thất sử dụng đá marble.
Việc ốp đá marble bên trong và ngoài công trình tạo nên sự hoành tránh và thông điệp trường tồn của doanh nghiệp này. Gỗ và đá đã được kết hợp ăn ý cùng đá cẩm thạch, tạo cho không gian cảm giác gần gũi với thiên nhiên và gây cảm hứng cho mắt nhìn.
Tòa nhà tập đoàn Venus Marble HQ (Koropi, Hy Lạp)
Với vai trò trụ sở một tập đoàn sản xuất đá marble, tòa Venus Marble HQ là sự pha trộn bậc thầy giữa cổ xưa và hiện đại.
Toàn bộ bên ngoài tòa nhà được phủ bằng đá cẩm thạch màu be với dải kính được đặt sâu phía trong. Thiết kế này giúp bên trong tòa nhà có đủ ánh sáng tự nhiên mà giữ nhiệt độ tòa nhà dịu mát.
Đền Prem Mandir, Vrindavan, Ấn Độ
Cuối cùng, một trong những công trình ứng dụng tham vọng nhất của đá marble trong kiến trúc hiện đại là đền Prem Mandir ở Vrindavan, Ấn Độ. Công trình 23 triệu USD này được khánh thành vào năm 2012, được chạm khắc hoàn toàn bằng đá marble sử dụng để xây nhà hát Oslo.
Công trình sử dụng tổng cộng 30.000 tấn đá cẩm thạch được nhập khẩu từ Italia, huy động hàng nghìn nghệ nhân chạm khắc. Các bức tường dày hơn 3,5m được chạm tỉ mỉ, công phu. Đây là minh chứng tuyệt vời cho sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, tạo ra hiệu quả tuyệt vời.