Lùng Cúng: Cao 2.913 m với mây trắng bao phủ quanh năm, đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Muốn tới đây, du khách có thể leo từ 3 hướng khác nhau (từ bản Thào Chua Chải, bản Lùng Cúng hoặc bản Tu San). Trước khi chạm chân tới nơi giao hòa giữa đất trời, tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, bạn sẽ phải mất khoảng 2 ngày băng qua quãng đường gian nan đầy hiểm trở với rừng nguyên sinh, lên và xuống các núi đá.
Tà Năng - Phan Dũng: Với độ dài hơn 50 km, Tà Năng - Phan Dũng trải qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận và được mệnh danh là cung đường rừng trekking đẹp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là điểm du lịch rất khó chinh phục và đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bởi tính chất địa hình đồi núi. Ảnh: Nguyễn Trường Giang.
Năm 2017, một nữ phượt thủ tử nạn do bị nước suối cuốn trôi khi đang chinh phục Tà Năng - Phan Dũng. Mới đây, một thanh niên mất tích khi đang cùng nhóm 7 người trekking trên cung đường này. Sau đó, cả nhóm đã tổ chức tìm kiếm bạn đồng hành nhưng vẫn chưa có kết quả .
Núi Lảo Thẩn: Được mệnh danh là địa điểm săn mây đẹp nhất Y Tý (Lào Cai), núi Lảo Thẩn là một địa điểm trekking được các phượt thủ chuyên nghiệp phát hiện. Tại đây, đường leo núi không quá phức tạp, chỉ gần đỉnh mới dốc.
Tuy nhiên, du khách sẽ rất vất vả mới có thể vượt qua bởi đường đi có nhiều cây bụi, gió mạnh, nắng gắt và hiếm nước. Bên cạnh đó, dù đường mòn nhưng có nhiều lối rẽ. Do đó, nên các du khách cần thuê những người dân bản địa dẫn đường để tránh bị lạc trong rừng.
Fansipan: Không chỉ cao nhất Việt Nam, Fansipan còn là đỉnh núi cao nhất Đông Dương và là mục tiêu chinh phục của cộng đồng phượt thủ. Với độ cao hơn 3.100 m, du khách có thể chinh phục ngọn núi này bằng nhiều con đường khác nhau. Nếu khám phá theo kiểu "truyền thống", tức là không dùng cáp treo, các du khách phải mất 2-4 ngày để di chuyển.
Lối xuất phát từ Dốc Mít, Bình Lư lên đến đỉnh đặc biệt khó khăn. Đây là hành trình rất nguy hiểm và chỉ dân leo núi chuyên nghiệp mới đầy đủ trang thiết bị để trải nghiệm. Năm 2016, Aiden Shaw Webb, một du khách người Anh, đã gặp nạn tại nơi hiểm trở nhất khi đang cố gắng chinh phục đỉnh Fansipan. Khu vực đó chủ yếu là vách đá cheo leo. Đường vô cùng nhỏ hẹp và các mỏm đá dốc thẳng đứng và trơn trượt. Bên cạnh đó, nơi đây còn có khá nhiều rắn rết.
Núi Bà Đen: Là một trong những ngọn núi cao nhất miền Nam, núi Bà Đen (Tây Ninh) luôn là đích đến yêu thích của phượt thủ hay những người đam mê leo núi. Từ chân núi lên Điện Bà - vị trí giữa núi với hệ thống điện thờ, chùa có 3 phương án di chuyển là cáp treo, máng trượt và đi bộ. Mỗi phương án mất khoảng 20-60 phút di chuyển.
Tuy nhiên, từ Điện Bàn lên đỉnh núi chỉ có một phương án là men theo đường mòn sau lưng Điện Bà. Du khách phải len qua những tảng đá và hang động để lên đến đỉnh. Đoạn đường này có địa hình vô cùng phức tạp và nguy hiểm. Đôi lúc, du khách sẽ gặp phải tình trạng đá lở hoặc rắn độc trên núi.