Mua bán người không chỉ tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của quốc gia mà còn gây tổn thất nặng nề đối với nạn nhân và gia đình của họ. Chính vì vậy, đừng để lặp lại những cuộc đời không may mắn là nhiệm vụ của mỗi người chúng ta.
Ước mơ nhỏ cho cuộc đời buồn
Chị Q. sinh năm 1973 sinh sống tại tỉnh Hải Dương là nạn nhân của nạn mua bán người. Nhiều năm trước, chị bị người anh họ lừa bán sang Trung Quốc cho một người nông dân đứng tuổi ở tỉnh Quảng Đông. May mắn, trong cuộc sống vợ chồng, người đàn ông này chưa từng một lần hành xử vũ phu với chị. Những lúc khó khăn, cả hai thường bảo ban nhau làm ăn, chị Q. theo anh chăn vịt, trồng rau, làm cỏ bán lấy tiền sinh sống.
Cũng bởi vậy, cộng thêm hoàn cảnh con nhỏ, không muốn con thiếu vắng tình cảm của người mẹ, chị Q. đành nén lại ước mong trở về quê nhà. Nhưng cách đây 7 năm, chồng chị qua đời, chị cũng vì thế mà buồn rầu ốm nặng, chân tay trở nên teo tóp, không thể đứng vững. Lúc này, người con của chị đã bước sang tuổi 23 và làm công nhân ở gần nhà.
Trong một lần sang Trung Quốc du lịch, một người phụ nữ quê Hải Phòng vô tình gặp chị Q. và khi biết chị là người Việt Nam, là nạn nhân của nạn mua bán người thì đã có ý muốn giúp đỡ chị trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Khát khao về quê nhà, chị Q. và người phụ nữ đó đã ra đi một cách bí mật.
Trở về nhà sau đúng 30 năm xa cách, bố đã mất, em út chịu di chứng chiến tranh cũng vừa qua đời, nhìn cảnh mẹ già 74 tuổi chăm sóc người em gái gần 40 tuổi, chị Q. rơm rớm nước mắt. Bởi giờ đây, không sức khỏe, không công ăn việc làm, không giấy tờ tùy thân, chị lại thêm gánh nặng vào vai người mẹ đang dần mù lòa.
Đã vậy, khi đã thỏa được nỗi nhớ nhà, gần gũi với mẹ và những người em ruột thì trái tim chị Q. lại bị nỗi nhớ con đè nặng. Chị không biết sử dụng điện thoại thông minh, còn con chị nhớ mẹ đã nhiều lần gọi điện cho người nhà chị Q. nhưng vì bất đồng ngôn ngữ mà bị gián đoạn. Trong thâm tâm của người mẹ chỉ mong rằng, con chăm chỉ làm ăn, giữ gìn sức khỏe và “giá như về được Việt Nam thăm bà, thăm mẹ một chút thôi cũng được”.
Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình chị Q., chính quyền thôn nơi gia đình chị cư trú cho biết, cha mẹ chị Q. sinh được 7 người con, trong đó có 2 người con bị tàn tật là trường hợp đặc biệt của thôn. Một người con bị tàn tật nặng đã qua đời, hiện tại còn một người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, chế độ chất độc da cam và đang sống với người mẹ. Giờ đây lại thêm chị Q. bị buôn bán từ Trung Quốc trở về, không còn sức lao động, hoàn cảnh càng trở nên khó khăn hơn.
Mỗi năm 260 vụ mua bán người bị phát hiện, bắt giữ
Trường hợp của chị Q. kể trên chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của nạn mua bán người. Nhưng qua đó có thể thấy thấy phần nào số phận bất hạnh, đắng cay mà những con người yếu thế phải chịu đựng.
Theo báo cáo toàn cầu về tình hình mua bán người năm 2020 của Văn phòng Liên Hợp quốc về chống ma túy và tội phạm thì vào năm 2018 có khoảng 50.000 người được phát hiện và báo cáo là nạn nhân của mua bán người tại 148 nước và con số thực tế sẽ còn có thể cao hơn nhiều. Ở Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 260 vụ, 340 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 nạn nhân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Đáng chú ý, ngoài việc mua bán người nhằm mục đích hoạt động mại dâm, bóc lột sức lao động như trước đây, công an phát hiện một số trường hợp mua bán người nhằm mua bán trẻ sơ sinh, nội tạng, bộ phận cơ thể.
Mua bán người tiếp tục là vấn nạn không chỉ tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của quốc gia mà còn gây tổn thất nặng nề đối với nạn nhân và gia đình của họ.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người có xu hướng tinh vi hơn, sử dụng mạng xã hội nhiều hơn, khiến cho tình trạng mua bán người bị đẩy sâu vào trong bóng tối và gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, giải cứu nạn nhân, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chặn đứng loại tội phạm vô nhân đạo này, trong đó giải pháp về việc lấy nạn nhân làm trung tâm là một trong những giải pháp tiên quyết để giải quyết các vấn đề của nạn nhân và đấu tranh phòng, chống mua bán người.
Đó cũng chính là chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm nay được Liên Hợp quốc xác định là “Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động”, khuyến nghị các quốc gia lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người.
Thực tiễn cho thấy, để chặn đứng nạn mua bán người, bên cạnh việc lực lượng Công an đi đầu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác điều tra tội phạm, đấu tranh có hiệu quả với những đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây, tập trung các đợt cao điểm trấn áp tội phạm mua bán người trong phạm vi toàn quốc; các cơ quan tư pháp đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật, kịp thời điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người thì các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho người dân phải ngày càng đổi mới, phù hợp với nhận thức, trình độ của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững kết hợp với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống tại quê nhà, giảm các nguy cơ phát sinh do di cư thiếu an toàn.
Nhận diện các thủ đoạn bọn buôn người sử dụng
Mới đây, tại sự kiện trực tuyến Chung tay phòng, chống mua bán người do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức nhân Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, Đại tá Tô Cao Lanh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - đã chỉ ra các thủ đoạn mà bọn buôn người thường sử dụng để lừa đảo nạn nhân rơi vào bẫy. Theo đó, các đối tượng thường làm quen qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) và dùng tên, tuổi địa chỉ giả, không cung cấp hình ảnh thật; đối tượng không tiếp xúc trực tiếp mà bắt nạn nhân liên hệ qua điện thoại; dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho nạn nhân với các lời hứa như việc nhẹ, đơn giản, thu nhập cao; hứa đưa nạn nhân ra nước ngoài lấy chồng giàu sang; yêu cầu nạn nhân cung cấp ảnh, thông tin cá nhân với mục đích là cho “khách hàng” xem mặt trước; lợi dụng việc người dân có nhu cầu tìm việc làm, cung cấp cho người dân nơi làm việc; giả danh cơ quan chức năng để đe dọa nạn nhân, khi mời nạn nhân lên thì thường hẹn ra ngoài thay vì đến trụ sở cơ quan; ban đầu tiếp xúc nạn nhân, đối tượng chủ động chi tiền lo chi phí đi lại cho nạn nhân…