Thần thánh có là ai xa lạ đâu!
Việt điện u linh (1329) được cho là tác phẩm của Lý Kế Xuyên, một quan trông coi việc tế tự dưới triều Trần Hiến Tông. Sách viết về 27 vị thần được thờ trong các đền miếu thời Lý - Trần. Cũng ở thời Trần Hiển Tông, tác phẩm Lĩnh Nam chích quái được cho là của Trần Thế Pháp cũng được ra đời. Lĩnh Nam chích quái gồm 22 truyện ghi chép các thần tích từ họ Hồng Bàng cho đến các vị thần, các vị tăng đạo, các truyện kỳ dị, các sự tích liên quan đến phong tục, tập quán.
Việt điện u linh đã gây một tiếng vang không nhỏ trong giới văn học Việt Nam. Trước hết, tác phẩm có một giá trị tôn giáo không thể phủ nhận được. Tin tưởng vào sự bất diệt của linh hồn, tin tưởng vào sự tương quan giữa đời sống bên này và đời sống bên kia. Theo tác giả thì thần thánh có ai là xa lạ đâu? Đó là những người trần mắt thịt như tất cả chúng ta. Chỉ khác nhau một điều là các người ấy đã sống một đời sống siêu phàm, trong sự cần lao kham khổ, trong sự phục vụ tích cực, trong nỗ lực chống lại sự quyến rũ của vật chất. Thần thánh là những người đã sống hết tất cả kích thước của con người, tận cùng biên giới nhân loại.
|
Bìa sách Việt điện u linh. |
Từ ngàn xưa, Lý Tế Xuyên đã quan niệm sống là sống với người khác, sống cho người khác, sống vì người khác. Không bao giờ ta thấy nhân vật của ông cô độc. Họ luôn luôn hy sinh tận tụy vì hạnh phúc của tha nhân. Họ lo cái lo của mọi người, đau khổ cái đau khổ của mọi người, lúc nào cũng vượt khỏi cái phạm vi nhỏ bé của bản thân để sống cho người khác.
Đẹp biết bao vẻ hào hùng của Lý Thường Kiệt mà cuộc đời là đấu tranh để đề cao lòng tự hào của dân tộc. Cao quý thay cái tinh thần bất khuất của Trương Hồng và Trương Hát mà danh vọng cũng không làm cho thay đổi, mà uy vũ cũng không làm cho sợ hãi. Luôn luôn trong Việt điện u linh rập, ta bắt gặp những tâm hồn cao quý ấy, ngay thẳng, vững vàng, trong sạch, mạnh mẽ. Nghĩa là tất cả những sắc thái của một nền luân lý cao siêu, bắt nguồn từ một nhận định cụ thể về giá trị con người.
Tác giả bắt đầu bằng định nghĩa về thần, sau đó phân biệt ba loại thần và liệt kê những thuộc tính của các vị thần ấy, sau cùng tác giả tuyên bố chép lại sự thực để phân biệt màu đỏ với màu tía. Trong các tác phẩm Việt Nam, ít khi ta thấy tác giả trình bày quan điểm của mình một cách minh bạch như Lý Tế Xuyên. Ta cũng ít gặp những tác phẩm biết dung hòa tinh thần tôn trọng cổ nhân với tinh thần sáng tác một cách chừng mực vừa phải như Lý Tế Xuyên đã làm.
Đọc Lý Tế Xuyên, ta hiểu các tôn giáo của người Việt xưa như thế nào, cái luân lý nào đã điều động tinh thần của người Việt Nam; ta còn thấy trong tác phẩm ấy phong tục của người xưa, những nét tâm lý của con người, những màu sắc của một chế độ. Ta thấy trong truyện Bố Cái Đại Vương và truyện Lê Phụng Hiểu sự kính phục của nhân dân đối với những bậc nam tử có sức mạnh hơn người.
Sự cạnh tranh về ảnh hưởng rõ rệt trong truyện Triệu Việt Vương Lý Nam Đế. Sự bạc tình tàn nhẫn của Nhã Lang trở thành độc địa trước sự ngây thơ tin chồng của Cảo Nương rồi tục gửi rể cũng trong truyện này. Nỗi lo âu của một người cha khi chỉ có một con gái mà có những hai chàng tài trai như nhau đến xin cưới (truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh). Rồi tục ăn hỏi, sự đau đớn khi người yêu của mình bị rơi vào tay người khác… Đó là những sắc thái của một thời đại lịch sử đã rất xa, nhưng dường như vẫn vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hôm nay.
Các vị thần thời Việt Cổ xuất hiện đầy tính ước lệ và kì vĩ
Lĩnh Nam chích quái - một trong những tác phẩm văn học dân gian viết bằng chữ Hán thể văn xuôi đầu tiên của Việt Nam, là tập hợp 22 câu chuyện cổ tích, huyền thoại về sự hình thành giống nòi, các giai thoại dựng và giữ nước, nguồn gốc phong tục tập quán dân tộc hay tín ngưỡng được lưu truyền trong dân gian.
Tương truyền, tác phẩm do một danh sĩ đời nhà Trần là Trần Thế Pháp sưu tầm và được hai văn sĩ nổi tiếng dưới triều Lê Thánh Tông là Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu chỉnh vào cuối thế kỷ XV. Bản chép tay của Lĩnh Nam chích quái liệt truyện hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
|
Hình ảnh những vị thần phóng khoáng, đẹp đẽ trong huyền sử. |
Trải qua gần bảy thế kỉ tồn tại, Lĩnh Nam chích quái không chỉ có giá trị to lớn về mặt văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc mà có sức ảnh hưởng đến các bộ sách sử nổi tiếng của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư của sử gia Ngô Sĩ Liên ra đời năm 1697, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán soạn lập dưới triều Nguyễn, hay Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim, xuất bản lần đầu năm 1920. Dấu ấn huyền sử và cảm thức tự hào về nòi giống con Rồng, cháu Tiên trong Lĩnh Nam chích quái vẫn được các nhà Nho học, nhà sử học ở mọi thời đại tôn trọng và đưa vào công trình thuật lại lịch sử của mình.
Phiên bản Lĩnh Nam chích quái gần đây nhất, ra mắt năm 2017 nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng đã được họa sĩ Tạ Huy Long khoác lên một lớp áo hoàn toàn mới, vẫn giữ nguyên bản dịch của Đinh Gia Khánh - Nguyễn Ngọc San nhưng lại lồng ghép thêm 200 tranh minh họa khổ lớn sống động và dễ hiểu cho từng câu chuyện. Trong đó, hình ảnh của những câu chuyện quá đỗi quen thuộc với người Việt như: Lạc Long Quân và Âu Cơ, Phù Đổng Thiên Vương chống giặc Ân, Sơn Tinh ở núi Tản Viên… đã thoát khỏi tính tả thực hay trau chuốt cầu kì thường thấy trong các tác phẩm minh họa lịch sử khác. Tạ Huy Long đã dùng những nét vẽ đầy tính ước lệ và kì vĩ, cốt yếu làm toát lên tinh thần của câu chuyện và nhân vật.
Có những truyện đậm chất huyền huyễn và kì quái như truyện kể về Hồ Tinh, Mộc Tinh (Thần Xương Cuồng), Ngư Tinh. Có truyện lại xoáy sâu vào yếu tố hóa thân và duyên ngộ giữa người và thần linh như Chử Đồng Tử, sự tích Man Nương, Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không thời Lý Trần. Có khi lại mang đậm yếu tố thần tích như truyện thần sông Tô Lịch, hai vị thần Long Nhãn - Như Nguyệt, truyện Rùa Thần giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Với các thần thoại mang đậm tính tâm linh như thế, Tạ Huy Long lựa chọn nét vẽ đan xen giữa thực và ảo, giữa yếu tố con người với thần linh, giao hòa đầy uyển chuyển.
Bên cạnh góc nhìn huyền ảo, Lĩnh Nam chích quái còn truyền tải ý nghĩa chân thực về văn hóa đời sống người Việt như sự tích về dưa hấu của Mai An Tiêm, nguồn gốc của bánh chưng, tục dâng trầu cau khi cưới hỏi. Tác phẩm cũng khẳng định niềm tin chiến thắng xâm lược của dân tộc, như câu chuyện về các vị tướng thần Trương Hống - Trương Hát, Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống Bắc thuộc. Khi vẽ các vị danh tướng, hình ảnh được phóng đại bao trọn không gian, lấn át quân xâm lược. Khi vẽ về đời sống dân tộc, các bức vẽ minh họa thiên về chi tiết hơn để lột tả đời sống trù phú, thịnh vượng của người Việt cổ qua từng thời kì.
Tạ Huy Long cho rằng bản thân Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp đã thu hút bạn đọc ngay từ ý nghĩa cái tên của nó: những chuyện kỳ quái nước Nam. Cuốn sách gồm 36 truyện mang sắc màu huyền sử, vừa có thần thoại, truyền thuyết, cổ tích Việt Nam, sự tích thời Bắc thuộc, lại có phong tục tập quán lâu đời, các yếu tố văn hóa, lịch sử…, thể hiện những tư tưởng, tình cảm phóng khoáng, là tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần dân gian. Đồng thời, tác phẩm thấm nhuần một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, thái độ của nhân dân: yêu điều thiện, bảo vệ chính nghĩa; ghét điều ác, đấu tranh với phi nghĩa, đề cao những mối quan hệ tốt đẹp thủy chung giữa người với người…
Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh có thể được coi là một trong những tác phẩm có ý nghĩa rất lớn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Đi từ huyền thoại đến huyền sử, những câu chuyện trong hai tác phẩm này đã góp phần xây dựng nên thế giới tâm hồn phong phú, cùng cách ứng xử và đạo lý của biết bao lớp người Việt từ quá khứ cho đến hiện tại. Nó có sức mạnh vượt qua những sóng gió và biến chuyển không ngừng mà bánh xe lịch sử đã tạo nên. Và một điều chắc chắn, những ý nghĩa tốt đẹp đó song hành với đời sống của dân tộc hôm qua, hôm nay và mãi về sau này vẫn không ngừng chảy…
Vị trí nữ thần trong văn hóa Việt
Tích truyện của Lạc Long Quân và Âu Cơ được ghi lại trong Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái, đều ghi nhận chi tiết người con cả nằm trong số năm mươi người theo mẹ Âu Cơ lên núi (chứ không phải theo cha Lạc Long Quân xuống biển). Chi tiết này cho thấy người con theo mẹ có địa vị cao hơn và chủ chốt trong cộng đồng hơn.
Trong cuộc tranh giành của Sơn Tinh và Thủy Tinh để lấy Mỵ Nương (cách gọi chung để chỉ con gái Vua Hùng) cũng cho thấy vị trí của Mỵ Nương trong cộng đồng cổ. Mỵ Nương không phải cô công chúa đem gả bán, mà là công chúa có quyền được tuyển chọn chồng.
Trong truyền thuyết về An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy, Mỵ Châu, khi thua trận, An Dương Vương chỉ mang theo Mỵ Châu để chạy trốn. Và khi Mỵ Châu qua đời, thân hình hóa thành tảng đá cụt đầu được thờ ở đền Cổ Loa, trở thành một vị nữ thần, thì cũng đủ để ta thấy vai trò của Mỵ Châu đối với các cư dân Âu Lạc.
Vào thời kỳ thuộc Hán, cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng (vai trò các nam tướng không đáng kể) vào khoảng năm 40-43 SCN là bằng chứng khẳng định vị thế thống lĩnh của các nữ chúa trong xã hội cổ sơ ấy. Tiếp đó là khởi nghĩa của Bà Triệu vào thế kỷ thứ 3 SCN.
Xuất phát từ chính vị thế ấy, những vị nữ thần hẳn nhiên có một vị trí đặc biệt trong văn hóa Việt Nam…