Những cuốn sách để đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là những triết lý nhân sinh được ông đúc kết từ nhiều khía cạnh của cuộc sống đem lại cho độc giả những kiến thức hữu ích về giáo lý nhà Phật cũng như những con đường giúp cho con người thoát khỏi cực khổ của cuộc đời.
Những cuốn sách để đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thức tỉnh qua từng cuốn sách

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên – Huế. Tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, xuất gia vào năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu. Ông tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc. Tu học thiền theo trường phái Đại thường của Phật giáo và trở thành nhà sư vào năm 23 tuổi. Ông vừa là thiền sư, vừa là giảng viên, nhà văn, nhà thơ. Cũng như là nhà vận động cho hòa bình nổi tiếng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Ông dành cả cuộc đời để nghiên cứu và truyền bá Phật pháp. Thích Nhất Hạnh đã viết và xuất bản hơn 100 cuốn sách, trong số đó có hơn 40 cuốn được viết bằng tiếng Anh. Thích Nhất Hạnh là người vận động cho phong trào hòa bình, không dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn.

Sự nhẹ nhàng từ những thức tỉnh mình nhận được qua cuốn sách “Đường xưa mây trắng” về hành trình đi tìm con đường giải thoát chúng sinh của Đức Phật. “Đường xưa mây trắng” là một câu chuyện vô cùng lý thú về cuộc đời của Bụt được kể lại dưới ngòi bút hùng hồn đầy chất thơ của tác giả. Với văn phong nhẹ nhàng giản dị, với lối kể chuyện sinh động lôi cuốn, tác giả đã đưa chúng ta trở về tắm mình trong dòng sông Nguyên thủy cách đây gần 2.600 năm, để được hiểu và gần gũi với một bậc giác ngộ mà cuộc đời của Ngài tỏa rạng nếp sống đầy tuệ giác và từ bi.

Cuốn sách "Đường xưa mây trắng".

Cuốn sách "Đường xưa mây trắng".

Thày Thích Nhất Hạnh đã khéo léo và tinh tế sắp đặt diễn biến cốt truyện vừa gần gũi, chân thực lại vừa lồng ghép được những nét đặc sắc, bất ngờ tới cho độc giả trong suốt hành trình cuộc đời của Đức Phật Thích ca từ khi còn nhỏ tới lúc giác ngộ.

Cuộc hành trình nào cũng ẩn chứa vô vàn khó khăn, những âm mưu và thử thách. Giống như câu nói "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", bản lĩnh, sự kiên nhẫn của con người được minh chứng qua cách chúng ta đối mặt với khó găn, chông gai của cuộc sống. Cách mà họ vượt qua những gian truân của cuộc đời một cách đáng khâm phục chính là những triết lý, những bài học thấm thía đối với mỗi độc giả.

Cuốn sách “Đạo Phật đi vào cuộc đời”

Cuốn sách “Đạo Phật đi vào cuộc đời”

“Đạo Phật đi vào cuộc đời” là cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh bàn về ý nghĩa của đạo Phật trong cuộc đời. Dưới ánh sáng soi rọi của Đức Phật, những con người giác ngộ đi vào cuộc đời mang theo tâm niệm giải thoát, không cố chấp, không sân si. Cố nhiên, họ sẽ không dính vào tham vọng, lợi danh, không bị dính vào những cố chấp có tính cách tri thức như quan điểm và sự phân biệt nhân ngã. Đạo phật đi vào cuộc đời mang đến cuộc đời tự do, an lạc và hạnh phúc.

Cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”

Cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”

Cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gửi gắm thông điệp đầy triết lý. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không: “Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới.”

Cuốn sách "Tĩnh lặng”

Cuốn sách "Tĩnh lặng”

“Tĩnh lặng” là cuốn sách nhiều độc giả tìm đọc để sống chậm. Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được. Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự Tĩnh Lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng trong tự thân, nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy.

Nếu ngay chính bản thân chúng ta không thể cảm nhận thấy hạnh phúc và bình an trong tâm hồn thì ta khó có thể mang những điều ấy đến cho người khác. Trong cuốn sách “Muốn an được an”, độc giả sẽ học được cách cân bằng cuộc sống bằng nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp thiền có thể giúp độc giả định tâm hằng ngày, cuộc sống sẽ giảm bớt áp lực hơn khi biết tìm kiếm bình an trong chính tâm hồn của mình, dọn dẹp tâm trí của mình thật gọn gàng.

Chánh niệm là nguồn năng lượng thức tỉnh đưa ta về với giây phút hiện tại và giúp ta cảm nhận sâu sắc từng giây phút sống. Và để hạnh phúc chúng ta phải học cách chánh niệm ở mọi lúc và mọi nơi. Trong cuộc sống đầy rẫy những bộn bề này có đôi khi chúng ta sẽ gặp phải đối diện với những ngày tháng không mấy vui vẻ thế nhưng cũng có sao đâu. Đó là cách thượng đế dạy chúng ta trưởng thành mà thôi, cuốn sách “Gieo trồng hạnh phúc” sẽ là người cùng mọi người đồng hành trên mọi nẻo đường tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đơn giản là sáng mai thức giấc chúng ta biết mình còn sống để cống hiến, chúng ta biết mình còn thời gian để theo đuổi ước mơ,… suy cho cùng cuộc sống này hạnh phúc hay không đều phụ thuộc vào cách bạn đối xử với bản thân.

"Giận" - sự phản ứng cùng sự phẫn nộ không mang đến cho ta kết quả tốt đẹp nào.

"Giận" - sự phản ứng cùng sự phẫn nộ không mang đến cho ta kết quả tốt đẹp nào.

Đọc sách “Giận” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho chúng ta những chiêm nghiệm mới để hoàn thiện bản thân. Sự phản ứng cùng sự phẫn nộ không mang đến cho ta kết quả tốt đẹp nào. Khi ta giận, hãy biết cách chăm sóc cơn giận của bản thân, đừng nói gì và làm gì mà hãy dập tắt ngọn lửa lòng đang thiêu đốt ta. Thoát được khỏi cơn giận, bạn có thể trở nên tích cực, thông tuệ và sáng suốt để làm điều hữu ích.

Phép lạ của sự tỉnh thức là những phương pháp nhiệm mầu thực tập thiền quán trong đời sống hàng ngày. Đọc nó, chúng ta cảm nhận được từng sát na hạnh phúc trong cuộc sống. Từ một bác sĩ, một người công nhân, một thợ may, một người thợ tiện, một bà nội trợ đến một kỹ sư… toàn bộ những công việc thường nhật đấy bỗng trở nên phép lạ khi thắp lên ánh sáng chánh niệm.

Cuốn sách "Quyền lực đích thực".

Cuốn sách "Quyền lực đích thực".

Trong quyển sách “Quyền lực đích thực", Thiền sư Thích Nhất Hạnh phân tích về một thứ quyền lực mạnh mẽ, vượt lên trên tất cả những thứ quyền lực khác, là thứ quyền lực đích thực trong cuộc sống mỗi con người – “Quyền lực nội tâm”. Đây là thứ sức mạnh giúp ta có thể an nhiên, hạnh phúc trọn vẹn trong những khoảnh khắc thực tại. Sự giàu có và địa vị mà bạn đang sở hữu sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng không mang lại cho bạn một cuộc sống an nhiên, hạnh phúc. Hãy nuôi dưỡng lòng trắc ẩn của mình, bạn sẽ tận hưởng điều đó một cách hoàn hảo, trọn vẹn hơn.

Hãy mỉm cười, nhân ái với cuộc sống

Mỗi cuốn sách của Thiền sư đều được dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới, được mọi bạn đọc, mọi thành phần trong xã hội nhiệt liệt hoan nghênh. Đây không những là một cuốn sách mà là những chia sẻ kinh nghiệm nếp sống chánh niệm trong đời sống thường nhật, là bài học cơ bản thực tập thiền quán của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chứa đựng những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, những chân lý và bài học từ Đức Phật có thể dễ dàng áp dụng và thực hành hàng ngày. Đọc sách của Thầy sẽ mở ra cho bạn một chân trời mới trong cách suy nghĩ và cách nhìn về cuộc sống, từ đó bạn sẽ có thể sống vui vẻ, tự do, và hạnh phúc hơn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên dạy mọi người hãy mỉm cười, nhân ái với cuộc sống.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên dạy mọi người hãy mỉm cười, nhân ái với cuộc sống.

“Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền.

Muốn thay đổi sâu sắc cuộc sống trước mắt ta phải xét lại cách ăn uống, tiêu thụ. Phải ngưng tiêu thụ những gì có thể đầu độc ta. Khi đó ta mới có được sức mạnh để nuôi lớn những gì tốt đẹp trong ta và không còn là nạn nhân của sân hận, phiền não. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và nở ra như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng. Ngày hôm nay nếu bạn mỉm cười được, thảnh thơi được, an trú trong hiện tại, vui hưởng được từng bước chân, từng tách trà và từng nụ cười thì cái vốn liếng hạnh phúc ngày hôm nay sẽ làm ra cái vốn liếng hạnh phúc cho ngày mai”- Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên dạy.

Đọc thêm