Những dấu hỏi từ vụ kiện ’đòi vỏ chai’

Mặc dù tranh chấp giữa hai thương nhân này có giá trị nhỏ nhưng vụ án phải trải qua gần 2 năm với 4 lần sơ thẩm và phúc thẩm, vụ kiện mới “đến đích” một cách miễn cưỡng. 

Tháng 10/2008, TAND Thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long thụ lý vụ án “đòi vỏ chai” giữa doanh nghiệp tư nhân VT và đại lý Ngọc Huệ. Doanh nghiệp VT đòi số vở chai và két nhựa tương đương số tiền hơn 63 triệu đồng mà đại lý Ngọc Huệ còn nợ trong quá trình hai thương nhân này làm ăn với nhau.

Mặc dù tranh chấp giữa hai thương nhân này có giá trị nhỏ nhưng vụ án phải trải qua gần 2 năm với 4 lần sơ thẩm và phúc thẩm, vụ kiện mới “đến đích” một cách miễn cưỡng. Tòa án câp phúc thẩm buộc bị đơn ông Trịnh Văn Hòa và bà Trần Thị Huệ trả cho ông doanh nghiệp tư nhân V.T số tiền nợ vỏ chai hơn 33 triệu đồng.

Trong vụ án này cũng phản ảnh việc yếu kém của các thẩm phán khi giải quyết các vụ án liên quan đến doanh nghiệp. Đây là vụ án yếu chứng cứ, thiếu nhân chứng quan trọng nhất. Trước hết là vụ án kinh tế mà cụ thể là công nợ giữa hai pháp nhân kinh doanh. Theo lời chủ doanh nghiệp tư nhân V.T trình bày trong quá trình giải quyết vụ án, ông trực tiếp mua bán với ông Hòa nhưng không có hợp đồng bằng văn bản, không có xác nhân công nợ, chỉ có một cuốn sổ “nhật ký” kinh doanh đã cung cấp cho tòa án.

Cuốn sổ mua bán đã ghi rõ ở điểm ghi chú là phải có dấu của doanh nghiệp tư nhân V.T thì mới có giá trị. Nhưng cuốn sổ mà ông chủ doanh nghiệp tư nhân V.T cung cấp cho tòa thì không đủ tiêu chuẩn do chính chủ nó quy định. Nhưng, cuốn sổ này vẫn trở thành “chứng cứ” của vụ án.

Vì  doanh nghiệp tư nhân V.T là đơn vị kinh doanh, khi thực hiện một hoạt động kinh doanh phải có hóa đơn kèm theo. Đặc biệt, khi thiết lập quan hệ “đại lý” với thương nhân khác, phải có các giấy tờ bắt buộc như: hợp đồng đại lý, giấy xác nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nhưng, trong vụ việc mà doanh nghiệp này khởi kiện, hồ sơ lại không có tài liệu này. Khi khởi kiện, nguyên đơn không có tài liệu chứng minh quan hệ thương mại với bị đơn và tài liệu chứng minh bị đơn còn “nợ” hơn 63 triệu đồng tiền vỏ chai, két nhựa. Tòa vẫn thụ lý đơn kiện và phán quyết “công nợ” theo lời khai của nguyên đơn.

Nguyên tắc xét xử làm phải “trọng chứng hơn trọng cung” để đảm bảo sự khách quan, không thiên vị. Để Tòa án chấp nhận yêu cầu của mình, trong vụ kiện này, doanh nghiệp tư nhân V.T phải xuất trình nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất, kê khai thuế và phiếu xuất kho… Nhưng doanh nghiệp này đã không cung cấp được và Tòa án cũng bỏ qua.

Việc không cung cấp được đầy đủ chứng cứ có nguyên nhân từ việc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và thực hiện chế độ kế toán theo pháp luật về kế toán và không loại trừ việc kinh doanh không đúng quy định về lập sổ sách, chứng tư như vậy là cách để doanh nghiệp trốn thuế.

Nhưng việc làm không đúng quy định về lập hồ sơ, sổ sách, chứng từ như vậy vẫn được Tòa án cho qua và xem đó là chuyện… bình thường để rồi chấp nhận một đơn kiện thiếu chứng cứ thuyết phục. Nếu cứ như vậy, bao giờ doanh nghiệp mới học được cách làm đúng pháp luật.

Luật sư Nguyễn Minh Anh: 

Những dấu hỏi từ vụ kiện ’đòi vỏ chai’ ảnh 1
 
- Vụ tranh chấp nhỏ nhưng chứa được vấn đề pháp lý không nhỏ. Ở đây là nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh nghĩa mà họ đòi bị đơn phải thực hiện. Nếu là nghĩa vụ trả tiền như trong vụ việc này thì phải xác định cụ thể số tiền đó là bao nhiêu, căn cứ phát sinh nghĩa vụ trả tiền đó là gì.

Khi bị đơn phủ nhận nghĩa vụ thì nguyên đơn buộc phải xuất trình các chứng cứ là tài liệu, chứng từ thể hiện mối quan hệ thương mại giữa hai bên. Nếu như nguyên đơn không có chứng từ thể hiện hai bên có quan hệ thương mại và phát sinh nghĩa vụ trả tiền thì tôi cho rằng, yêu cầu của nguyên đơn là khó chấp nhận vì nó không được chứng minh một cách thỏa đáng.

Đối với những hoạt động sản xuất kinh doanh mà pháp luật bắt buộc phải thiết lập hóa đơn, chứng từ để qua đó Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng doanh nghiệp không thực hiện đúng thì bản thân doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật và họ tự đánh mất quyền lợi khi không có chứng từ để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Luật sư Lê Văn Kiên:

Những dấu hỏi từ vụ kiện ’đòi vỏ chai’ ảnh 2
 
- Thông thường, những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ không lập chứng từ cũng phải có sổ theo dõi hàng hóa được hai bên ký xác nhận. Các cửa hàng kinh doanh tạp hóa không có hồ sơ, chứng từ hàng hóa đầy đủ cũng phải có sổ theo dõi có giá trị xác nhận thông tin về quan hệ thương mại giữa hai bên. Nếu sổ theo của một bên thiếu sự xác nhận của bên kia cũng rất khó sử dụng làm chứng cứ buộc bên kia phải thực hiện nghĩa vụ được vì sổ, sách như thế có thể do một bên tự làm ra được.

Tôi cho rằng, nếu dựa vào chứng từ đơn phương của một bên như cuốn “nhật ký kinh doanh” của nguyên đơn thì cũng không khác gì chỉ dựa vào lời khai của một bên vì nó không đảm bảo tính khách quan.

XB

Công Lý

Đọc thêm