Từ hầm chỉ huy tác chiến, mệnh lệnh chiến đấu chính xác, kịp thời được truyền tới các đơn vị tên lửa, phòng không, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. Cùng với 4 trận địa tên lửa trực tiếp bắn rơi máy bay B-52, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” của “Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Nơi đầu tiên phát còi báo động máy bay Mỹ tấn công Hà Nội 45 năm trước
Chiều 15/12, triển lãm “Trận Điện Biên Phủ trên không và Căn hầm chỉ huy Tác chiến T1” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức đã được khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long. Với gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm giới thiệu 2 nội dung chính: Vai trò của Hầm chỉ huy tác chiến T1 và trận Điện Biên Phủ trên không (18 - 29/12/1972). Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật của các nhân chứng lịch sử nguyên là lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ đã từng làm việc tại Căn hầm chỉ huy tác chiến T1 trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.
Hầm chỉ huy tác chiến T1 của Bộ Tổng Tham mưu thuộc cơ quan Tổng Hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Căn hầm này được xây dựng vào năm 1964, từ những ngày đầu Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Hầm là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như trực tiếp truyền đi các mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh đến khắp các chiến trường trên cả nước.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, những hồi còi đầu tiên báo động máy bay Mỹ tấn công Hà Nội đã được phát đi từ đây. Toàn thể nhân dân được thông báo vào hầm trú ẩn trước 35 phút. Các đơn vị vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Từ lối xuống phía đông, bước qua cửa thoát hơi là vào hầm.
Hầm T1 rộng 64 m2, được đúc bằng bê tông cốt thép nguyên khối, nóc nhô lên khỏi mặt đất dày 1,5 m và chia làm ba lớp, lớp giữa đổ cát dày nửa mét chống được sức công phá của bom tấn, tên lửa không đối đất, bom nguyên tử, vũ khí hóa học và vi trùng được chia làm ba phòng: phòng giao ban tác chiến, phòng trực ban tác chiến và phòng đặt trang thiết bị, động cơ. Cửa hầm bằng thép tấm, hai lớp, chống được sức ép nguyên tử, tia phóng xạ, hơi độc.
Trong tầm có hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng hơi nước và thông hơi, lọc độc, chống nhiễu từ. Phòng giao ban tác chiến rộng 20m2. Phòng trực ban tác chiến rộng 34 m2, là nơi làm việc 24/24h của kíp trực ban tác chiến do Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu đảm nhiệm. Bộ phận này có các nhiệm vụ theo dõi tình hình bảo vệ miền Bắc trên bộ, trên biển, trên không và chiến sự trên các chiến trường Đông Dương (B - miền Nam, C - Lào và K - Campuchia); đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu các phương án tác chiến; tổng hợp tình hình mỗi ngày, mỗi tuần để báo cáo Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng trong cuộc họp giao ban mỗi sáng. Đồng thời, bí mật truyền mệnh lệnh của Bộ đến các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đây cũng là nơi phát ra báo động phòng không cho Hà Nội, để người dân kịp xuống hầm trú ẩn; báo diễn biến chiến sự cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kết quả chiến đấu của quân dân; thiệt hại phía địch gây ra ở miền Bắc.
Phòng trực ban tác chiến có hơn 20 chiếc điện thoại đặt trong bốn buồng nhỏ. Buồng số 1 nối với Quân chủng Phòng không - Không quân. Buồng số 2 liên lạc với Bộ Chính trị, Bộ Giao thông Vận tải. Buồng số 3 nối trực tuyến với Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, quân khu, quân binh chủng. Buồng số 4 liên lạc với Tổng đài Bưu điện A9, đặt ở đường Hùng Vương. Trên tường bên phải phòng trực ban tác chiến treo các loại bản đồ vẽ tay kích cỡ khác nhau: bản đồ căn cứ không quân, hải quân và binh lực chủ yếu của Mỹ, đồng minh Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương tính đến tháng 12/1972; bản đồ Bố trí lực lượng bắn máy bay của dân quân tự vệ; bản đồ Lực lượng phòng không bảo vệ miền Bắc. Cạnh các bản đồ là tấm bảng ghi lịch trực ban ngày 18/12/1972 - ngày mở màn chiến dịch Linebacker 2 của Mỹ.
Còi báo động phòng không gắn ở góc phòng trực ban tác chiến. Khi ấn chiếc nút màu đỏ, lập tức còi kết nối với còi báo động trên nóc Hội trường Ba Đình (Tòa nhà Quốc hội ngày nay). Đồng loạt sau đó, 15 còi báo động phòng không trên toàn TP Hà Nội đặt ở Nhà hát Lớn, bưu điện... sẽ cùng rú vang, thúc giục người dân xuống hầm trú ẩn. Tối 18/12/1972, tại hầm T1 đã phát đi những hồi còi đầu tiên, báo động phòng không cho toàn thành phố trước khi máy bay B- 52 đến ném bom.
4 trận địa tên lửa “Lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến”
Chiều 16/12, tại Trận địa Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội), Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không-Không quân đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao TP Hà Nội tổ chức Lễ cắt băng khánh thành địa điểm “Lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến” tại 4 trận địa tên lửa đã lập công xuất sắc, trực tiếp bắn rơi máy bay B-52 của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1972, đặc biệt là trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội, tháng 12/1972, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Trước đó, Sư đoàn 361 đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Sở Văn hóa, Thể thao TP Hà Nội tiến hành khảo sát, xây dựng, gắn biển địa điểm “Lưu niệm sự kiện Cách mạng kháng chiến” tại 4 trận địa tên lửa đã lập công xuất sắc, trực tiếp bắn rơi máy bay B-52 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm: Trận địa Đại Đồng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh); Trận địa Thượng Thụy (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức); Trận địa Phú Thụy (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm) và trận địa Thanh Mai (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai). Sau 2 tháng thi công, với tinh thần trách nhiệm cao, các công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng tốt.
Đại tá Phạm Chí Thành - Chính ủy Sư đoàn 361 cho biết: “Việc xây dựng các địa điểm “Lưu niệm sự kiện Cách mạng kháng chiến” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”; nhằm ghi dấu những thành tích, chiến công to lớn của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn, đặc biệt là các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.