Nhắc đến hiệu suất vận hành của 1 chiếc xe, nhiều người thường nói đến công suất và mô-men xoắn. Tuy nhiên, vòng tua máy của xe thì rất ít người hiểu rõ được ý nghĩa của nó. Thực tế, công suất, mô-men xoắn và vòng tua máy của xe ô tô có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, vòng tua máy xe là số vòng quay của động cơ xe trong một phút, được đo bằng đơn vị RPM (Revolutions-per-minutes hoặc Rounds-per-minutes).
Vòng tua máy tỷ lệ thuận với công suất và đạt mức cực đại ở vòng tua 5.000 vòng/phút. Theo các chuyên gia, ở vòng tua >= 5.000 vòng/phút, lò xo sẽ đẩy xu-páp ở trạng thái không đóng không mở và bị treo lơ lửng, lúc này hỗn hợp nhiên liệu vào buồng đốt rồi thải ra ngay, giúp cho động cơ hoạt động với công suất lý tưởng nhất.
|
Vòng tua máy là số vòng quay của động cơ xe trong một phút |
Như vậy, vòng tua máy quay càng nhanh thì sức mạnh động cơ đạt được càng lớn, giúp xe chạy nhanh hơn. Khi xe ở chạy ở số 1, vòng tua máy thường sẽ rất cao vì xe cần có lực kéo lớn để khởi động và di chuyển từ tốc độ ban đầu 0 km/h. Và khi chuyển sang các số cao hơn như 2,3,4 thì vòng tua máy sẽ dần dần giảm xuống vì lúc này xe đã có đà nên không cần nhiều lực kéo như lúc mới khởi động.
Đối với động cơ xăng, khi xe chạy ở chế độ không tải, thông thường vòng tua máy sẽ quay với mức từ 700 - 750 vòng/phút và ở nhiệt độ từ 80 - 90 độ nhằm đảm bảo cho động cơ xe hoạt động ổn định.
Trong trường hợp sau 1 thời gian không sử dụng thì khi khởi động lại xe, người lái sẽ cảm nhận rõ xe hoạt động khá khó khăn. Lúc này, động cơ xe sẽ tự động tăng số vòng tua máy lên 1.000vòng/phút. Nên nếu như nhận thấy vòng tua máy tăng lên đột ngột trong trường hợp này thì người sử dụng xe cũng không nên quá lo lắng.
Thường thì khi xe chạy ở số 1 - 2, để dễ dàng chuyển số thì vòng tua máy hay ở trong khoảng 1.400 – 1.800 vòng/phút. Nếu như sang số 2 - 3 thì vòng tua máy ở khoảng 1.300 – 1.700 vòng/phút là hợp lý, còn khi xe chạy ở số 3,4,5 thì vòng tua tầm 1.200 – 1.600 vòng/phút. Lưu ý khi phanh xe, tài xế nên về số để giảm số vòng quay tua máy để xe chạy được êm ái và ổn định.
Tuy nhiên nếu như vòng tua máy bỗng nhiên cao hơn hoặc chậm lại một cách bất thường trong khi xe vẫn đang di chuyển ở chế độ bình thường thì nhiều khả năng động cơ xe đang có vấn đề.
Không chỉ có vậy, chỉ số vòng tua máy còn giúp người sử dụng xe điều chỉnh được chế độ lái sao cho tiết kiệm nhiên liệu nhất hoặc tăng tốc và đạt sức kéo tốt nhất khi xe chuyển số (đối với xe số sàn). Và thường thì khi kiểm tra động cơ, các kỹ thuật viên cũng sẽ dựa trên chỉ số của đồng hồ vòng tua máy để nhận biết được khách quan thực trạng của chiếc xe.