Những điều cần chuẩn bị khi đi du lịch

(PLO) - Trước mỗi chuyến đi chơi xa, tốt nhất bạn nên có một danh sách những việc cần làm, những món đồ cần mang và lần lượt kiểm tra để chắc chắn không quên thứ gì.
Những vật dụng cần thiết phải mang khi đi du lịch
Những vật dụng cần thiết phải mang khi đi du lịch

Lên lịch, kiểm tra địa điểm, các nơi vui chơi và tình hình thời tiết

Đây là việc đầu tiên mà bạn phải nghĩ tới khi chuẩn bị cho một chuyến đi. Biết được các điểm cần đến tại nơi du lịch sẽ giúp bạn không quá bỡ ngỡ khi tới đó.

Vào dịp cao điểm của mùa hè, bạn nên đặt phòng khách sạn trước. Đồng thời liên hệ phương tiện đi lại, mua sẵn vé tàu hoặc vé máy bay cho cả hai chiều đi và về.

Tìm hiểu thời tiết ở nơi đến sẽ giúp bạn có phương án mang đồ cần mang theo. Lưu ý là tránh đi thời điểm mưa bão nhiều, thường vào tháng 8.

Giấy tờ tùy thân

Copy lại và mang theo cả bản sao đối với những giấy tờ quan trọng: chứng minh thư hoặc hộ chiếu, visa, vé máy bay, các giấy tờ đặt chỗ khách sạn hoặc các dịch vụ khác như tour du lịch tại địa phương...

Để giấy tờ chính và bản sao ở 2 nơi khác nhau trong vali, đề phòng trường hợp bị mất bản chính thì vẫn còn bản sao. Riêng giấy tờ chính, bạn có thể cất gọn gàng trong túi đeo bên người để tiện việc trình báo và giữ gìn cẩn thận ở nơi đông người.

Nếu có trẻ em đi cùng, phải mang theo giấy khai sinh cho trẻ. Nếu bạn tự lái xe đi du lịch thì không thể thiếu giấy phép lái xe, bảo hiểm.

Một số người tính cẩn thận còn đem theo cả bản ghi danh sách đồ dùng đã mang nhằm có thể kiểm tra khi xếp đồ ra về hoặc khai báo khi mất hành lý. Hoặc 2 ảnh cá nhân (khổ làm hộ chiếu), bản sao thông tin cá nhân trong hộ chiếu để sử dụng khi mất hộ chiếu.

Cầm theo sổ tay nhỏ ghi chép những địa chỉ, số điện thoại, email có thể liên lạc nếu bạn có vấn đề cần giải quyết. Trường hợp đi du lịch theo tour thì phải có thông tin của người tổ chức tour, nếu là du lịch nước ngoài thì cần có thông tin của đại sứ quán Việt Nam.

Nhớ cầm tiền bạc đầy đủ. Nếu bạn ra nước ngoài thì nên đổi trước đồng tiền của nước đó tại nhà để khi sang có thể dùng ngay. Bên cạnh tiền chẵn số lượng lớn cất kín bên trong, bạn nên mang theo nhiều tiền lẻ để tiêu ngay tại sân bay khi cần mua nước, thức ăn hay "bo" cho nhân viên xách hành lý, tài xế taxi. Khi du lịch nước ngoài, bạn hãy mang theo thẻ tín dụng vì sử dụng rất thuận tiện.

Đồ dùng cá nhân

Về trang phục, tùy theo số ngày và nơi đến, bạn chuẩn bị mang đồ cho phù hợp. Nhưng cơ bản nên mang theo mũ có vành và có thể gấp gọn trong túi; kính mát; bịt mặt; áo thun thoải mái và thuận tiện, chất liệu không phải mất thời gian là lượt càng tốt; quần dài, quần short, váy; quần áo ngủ; giày thể thao và 1 đôi dép; đồ lót; tất, găng tay, khăn choàng, áo ấm, áo len (nếu đến vùng núi như Sapa). Quần áo nên để trong túi nilon trước khi cho vào vali, tránh mùi tàu xe.

Về đồ vệ sinh, có thể mang bàn chải, kem đánh răng, lược, khăn mặt; dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt; kem và đồ dùng cạo râu cho nam (những đồ này khách sạn vẫn có nhưng nhiều người không ưa thích); dung dịch súc miệng. Mỹ phẩm, dung dịch tẩy trang nên mang bằng những lọ nhỏ, gọn, để ở ngăn ngoài của balo hoặc vali.

Trường hợp phải bay chuyến bay dài có dừng quá cảnh, trong hành lý xách tay, bạn cần để thêm một bộ quần áo. Nếu chuyến bay bị hoãn lâu hơn hay bạn bị kẹt lại sân bay hoặc vali bị thất lạc chưa lấy kịp, bạn sẽ có quần áo sạch để thay, không bị động trong làm vệ sinh cá nhân.

Máy chụp ảnh, điện thoại di động, pin dự trữ, đồ sạc pin cho điện thoại di động, máy chụp ảnh, quay phim... cũng là thứ không thể thiếu trong chuyến du lịch của bạn. Mặc dù có thể mượn hoặc thuê ở lễ tân một số khách sạn lớn nhưng khi du lịch nước ngoài, bạn đừng quên ổ cắm điện phù hợp hoặc ổ cắm đa quốc gia vì mỗi nước có ổ cắm khác nhau. 

Về thuốc men, dụng cụ y tế, chuẩn bị túi thuốc cơ bản như thuốc tiêu hóa, tiêu chảy, thuốc cảm, viêm họng, hạ sốt, kháng sinh thông dụng; kem chống nắng, chống nẻ, chống dị ứng; thuốc trị côn trùng cắn; dầu gió; vitamin C, B1, băng cứu thương; thuốc chống say xe/máy bay/tàu; các loại thuốc đặc trị tùy theo nhu cầu của từng người; thuốc cho trẻ. Với những thứ thuốc này, bạn dễ dàng xoay xở những lúc bị cảm, tai nạn bất ngờ ở những nơi xa lạ.

Một số đồ dùng khác nên mang là túi đeo ngang vai đựng các đồ cần thiết và quan trọng; balô, vali đựng đồ; tạp chí, sách giải trí; giấy ghi chú, bút; bản đồ, sách hướng dẫn các điểm cần đến; túi nilon đựng đồ bẩn, túi nôn; đồ chơi giải trí như bộ bài, đôminô...; nút nhét tai chống ồn (khi ngủ)/chống vào nước (khi bơi); mặt nạ che mắt khi ngủ; gối ngủ (trên xe, máy bay); một chiếc chăn mỏng; quần áo đi mưa, ô... Các vật nhọn bạn mang theo khi đi máy bay, nhớ để trong hành lý ký gửi.

Với trẻ nhỏ

Nếu bạn có con nhỏ thì cần mang theo khăn giấy ướt (hộp); tã giấy; túi địu bé sau lưng/trước ngực; nhiều quần áo ngoài/lót ban ngày, ban đêm (để thay đổi); đồ chơi/giải trí (tùy lứa tuổi); kẹp, dây buộc tóc cho bé gái; áo khoác (dù đến nơi có khí hậu nóng, do máy điều hòa trong nhà hàng có thể rất lạnh với bé); phấn trẻ em, dầu tắm, gội và đồ dùng vệ sinh cá nhân của trẻ; sữa, nước trái cây đóng hộp... Nói chung là phải lựa chọn để mang những thứ đồ cần thiết và tiện dụng nhất cho trẻ.

Việc chuẩn bị đồ ăn trẻ em cũng rất cần thiết bởi bé mau đói và không thể chờ đến đúng bữa, chưa kể trẻ có thể không ăn được các món lạ. Hãy đem theo vài món ăn vặt bé ưa thích và cả mấy món nhâm nhi nhẹ cho người lớn như bánh trái, socola...

Với người không quen bay hay bị ù tai khi máy bay cất hoặc hạ cánh, có thể nhai kẹo cao su bởi vận động cơ miệng sẽ làm khí thoát ra tai tránh được áp suất khiến tai ù.

Một số lưu ý khác

Các "tín đồ" du lịch cũng khuyên bạn đừng nên dồn nén quá nhiều đồ trong một vali. Hãy xếp đồ cần mang theo khoảng 2-3 vali vì chắc chắn bạn sẽ mua vài món quà lưu niệm hoặc đặc sản địa phương. Bạn có thể mang thêm một túi xách mỏng xếp gọn lại để trong vali vì chuyến về bạn có thể mua nhiều món đồ xinh xinh, dễ thương.

Nên uống nhiều nước tránh da và môi bị khô do cơ thể bị mất nước khá nhiều trong các chuyến đi dài. Khi di chuyển nên mang theo các chai nước dự trữ, có thể đông đá trước để nước giữ được lạnh lâu hơn.

Hãy mang thật nhiều túi nilon nhỏ để vừa làm túi rác, túi đựng giày dép, quần áo bẩn, quần áo bơi bị ướt. Các túi nilon còn hữu dụng khi bạn gói các chai chứa chất lỏng như dầu tắm gội, rượu... tránh làm ướt hư hỏng các đồ dùng khác trong hành lý.