Những điều chưa biết về vụ máy bay Mỹ - Trung “đối đầu” năm 2001

(PLO) -Một trong những sự cố trên không nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm qua phải kể đến là vụ va chạm máy bay giữa hai bên xảy ra hồi tháng 4/2001. Những tài liệu mới đây của Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã hé lộ những chi tiết mới về vụ việc.
Máy bay do thám EP-3 Aries II của Hải quân Mỹ đã va chạm với máy bay tiêm kích J-8 của Trung Quốc khiến 1 phi công Trung Quốc thiệt mạng.

Vào tháng 4/2001, vài tháng trước khi các cuộc tấn công khủng bố 11/9 làm chấn động cả nước Mỹ, một máy bay do thám của Hải quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ thám sát thường xuyên trên Biển Đông đã bị một máy bay chiến đấu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngăn chặn.

Dâng mỡ vào miệng mèo?

 Lúc đó, máy bay do thám EP-3 Aries II của Hải quân Mỹ xuất phát từ căn cứ Okinawa và thực hiện nhiệm vụ ở vùng trời cách đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 80 dặm. Mỹ khẳng định họ hoàn toàn đang hoạt động trong không phận quốc tế. Tuy nhiên, hai máy bay tiêm kích J-8 của Trung Quốc xuất hiện để ngăn chặn máy bay Mỹ. 

Một chiếc EP-3 của Mỹ đã va chạm với chiếc J-8 khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng. Trong khi đó, máy bay của Hải quân Mỹ đã hoàn toàn tê liệt và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Trung Quốc ngay lập tức bắt 24 thành viên trong phi đội Mỹ, tịch thu máy bay và những thiết bị tình báo.

Căng thẳng giữa hai bên kéo dài nhiều tuần sau đó, phía Mỹ đã phải cử nhiều nhà ngoại giao đến Bắc Kinh để thương lượng giải thoát các thành viên phi hành đoàn. Tuy vậy, chiếc máy bay do thám EP-3 Aries II mang theo nhiều công nghệ quân sự bí mật, đã phải nằm lại đảo Hải Nam trong nhiều tuần trước khi được trả lại cho phía Mỹ. 

Việc máy bay Mỹ và Trung Quốc va chạm gần bờ biển của Trung Quốc không phải chuyện hiếm, nhưng đây là lần đầu tiên máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp trên đất Trung Quốc. Điều này đặt ra câu hỏi về các bí mật thiết bị giám sát cũng như hệ thống thông tin của Mỹ liệu có rơi vào tay Trung Quốc? Nhưng trong hơn một thập kỷ qua, các quan chức Mỹ đã từ chối không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về những  bí mật gì mà Trung Quốc có thể thu thập được từ chiếc máy bay này. 

Bản Báo cáo của Hải quân Mỹ và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) về vụ va chạm trên không nghiêm trọng giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc năm 2001.

Hai năm sau vụ va chạm, các nhà báo đã tìm thấy một bản báo cáo của quân đội Mỹ - đã được chỉnh sửa - cho thấy, mặc dù các thành viên phi hành đoàn đã chuyển gấp các thông tin, tài liệu ra một ổ khẩn cấp khi họ bay qua biển và cố gắng hủy một số thiết bị thu tín hiệu trước khi máy bay rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc; nhưng vẫn không loại trừ khả năng “Trung Quốc vẫn thu được các thông tin bí mật từ máy bay”. Những nỗ lực của các nhà báo cũng như giới nghiên cứu quân sự để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong nhiều năm qua đã không thành công.

Thế nhưng mới đây, một báo cáo toàn diện về Hải quân Mỹ của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) hoàn thành 3 tháng sau vụ va chạm, nằm trong số các tài liệu mà Edward Snowden công bố, cuối cùng đã tiết lộ chi tiết về vụ việc. Các hành động của phi hành đoàn nhằm phá hủy thiết bị và dữ liệu cụ thể ra sao, những bí mật nào đã bị phơi bày với Trung Quốc, đều đã được làm rõ.

Quyết định gây tranh cãi

Báo cáo của Hải quân Mỹ vốn không được công bố, đã thông tin chi tiết về vụ va chạm máy bay. Mặc dù bản báo cáo trích dẫn một số vấn đề về các nỗ lực không hiệu quả để phá hủy thông tin mật, nhưng nó cũng đã bào chữa phần nào cho phi hành đoàn cũng như phi công chỉ huy - Đại úy Hải quân Shane Osborn.

Ngay sau vụ va chạm, Đại úy Osborn đã nhận rất nhiều lời chỉ trích kéo dài nhiều năm cả trong và ngoài giới quân sự rằng, ông nên quyết định “hy sinh” cả chiếc máy bay cũng như các thiết bị nhạy cảm bí mật ngay trên biển, hơn là hạ cánh xuống lãnh thổ của đối phương. 

Dù vậy, Đại úy Osborn sau đó đã được trao tặng Huân chương Chữ Thập của quân đội Mỹ về thành tích phục vụ trong không quân nhờ “sự xuất sắc và lòng can đảm tuyệt vời” khi hạ cánh an toàn một máy bay bị hư hỏng nặng. Thế nhưng vào năm 2014, ông lại thất bại trong việc giành một ghế tại Thượng viện Mỹ tại bang Nebraska, do vấp phải những chỉ trích liên quan đến vụ va chạm máy bay với Trung Quốc.

“Ông ấy đã điều khiển một trong những viên ngọc quý của lực lượng tuần tra Mỹ”, Đại úy Jan van Tol, sĩ quan hải quân đã nghỉ hưu và là thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược Mỹ nói rằng, “Tôi nghĩ tốt nhất ông ấy phải thả rơi nó trên biển, hoặc nếu có hạ cánh thì cũng hạ ở một nơi nào đó chứ không phải là đất Trung Quốc”.

Dù thừa nhận thật khó xử lý gấp khi đặt vào vị trí một phi công đang ở hiện trường nguy hiểm, nhưng ông Jan van Tol vẫn cho rằng, Đại úy Osborn cần phải có một ứng xử hợp lý hơn để bảo vệ các bí mật của máy bay Mỹ.

Theo ông Jan van Tol, Đại úy Osborn khi đó còn có một lựa chọn khác, đó là hạ cánh xuống Việt Nam. Bởi vụ va chạm xảy ra ở vị trí khoảng 70 dặm về phía đông - nam của đảo Hải Nam - nơi Đại úy Osborn hạ cánh máy bay; trong khi cách Việt Nam khoảng 180 dặm. Đáp lại, Đại úy Osborn cho hay, khoảng cách này là khó khả khi với một chiếc máy bay đang bị hư hỏng khá nặng. Giới chức Mỹ cũng đã ca ngợi Đại úy Osborn vì đã bảo toàn tính mạng cho toàn bộ phi hành đoàn cũng như chiếc máy bay trị giá 80 triệu USD.

Một loại hộp đen giống như loại hộp đựng các thiết bị bí mật được sử dụng trên máy bay do thám EP-3 Aries II của Hải quân Mỹ.

Sai lầm không đáng có

Bản báo cáo 117 trang, được hoàn tất bởi một nhóm các nhà điều tra của Hải quân Mỹ và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), được dựa trên các cuộc phỏng vấn với phi hành đoàn ngay sau khi được phía Trung Quốc phóng thích. Bản báo cáo cũng dựa vào và các biện pháp tái hiện khoa học - nhằm xác định xem liệu phía Trung Quốc đã dùng những phương pháp nào để tìm hiểu các công nghệ quân sự bí mật trên máy bay do thám của Mỹ.

Bản báo cáo mô tả những sai sót của phi hành đoàn khi phá hủy các thiết bị bí mật mà không có các công cụ phù hợp và không được đào tạo đầy đủ về kỹ năng để đối phó với một tình huống khẩn cấp như vậy. Mặc dù đã từng xảy ra các vụ tiếp xúc, va chạm với máy bay chiến đấu Trung Quốc, nhưng các biện pháp tình huống được rèn luyện vẫn là chưa đủ.

Kết quả là đã có không ít sai sót xảy ra. Các nhà điều tra kết luận, phi hành đoàn đã có khoảng 40 phút giữa thời điểm va chạm và thời điểm hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam, Trung Quốc. Đây là quãng thời gian khá dài để vứt bỏ hoặc phá huỷ tất cả các thiết nhạy cảm bí mật.

Thế nhưng, đã không có các phương tiện chuyên nghiệp sẵn có và các trình tự thủ pháp tiêu chuẩn để tiêu hủy kịp thời và triệt để các dữ liệu, thiết bị. Theo các nhà điều tra, đây là nguyên nhân chính gây ra khả năng sót lại các dữ liệu mật.

Một sai lầm nữa theo các chuyên gia, phi hành đoàn đã không lưu trữ một bản kiểm kê toàn diện các thiết bị, dữ liệu mật trên máy bay. Điều này khiến cho họ khó có thể đảm bảo rằng, mọi thứ đã bị phá hủy hoàn toàn. Nó cũng có nghĩa, các nhà điều tra phải dựa vào trí nhớ và sự hồi tưởng của các thành viên phi hành đoàn về những gì họ đã trải qua trên máy bay nhằm xác định xem, liệu phía Trung Quốc có thể quan sát và tìm kiếm được những gì.

Jeffrey Richelson, tác giả của nhiều cuốn sách về hoạt động tình báo và là một thành viên cao cấp của Cục An ninh Quốc gia Mỹ, cũng là một người đã tìm kiếm nhiều năm để khám phá thêm thông tin về vụ việc. Ông nói rằng, báo cáo của Hải quân Mỹ và NSA đã mô tả thêm được bối cảnh và những chi tiết lịch sử xung quanh vụ việc.

Theo ông Richelson, mặc dù cuộc đối đầu trên không giữa máy Mỹ và Trung Quốc năm 2001 có thể không phải là một sự kiện chấn động về mặt tình báo, nhưng nó là một khoảnh khắc địa chính trị đáng kể trong lịch sử Mỹ-Trung. Những chi tiết chưa biết trong vụ việc có thể đã có tác động không nhỏ tới chiến lược quân sự, tình báo của cả hai bên.../.

(Mời xem tiếp số báo sau)

Đọc thêm