Những điều ít biết về người đẹp chuyên hát tình ca buồn

Tôi đã nghe Giao Linh hát những bản tình ca buồn từ thuở những chiếc đĩa nhựa than, tới băng cat-set rồi sau này là đĩa hình. Tiếng hát của chị nhẹ nhàng, sầu buồn ru tâm hồn người nghe vào mộng ảo. Tiếng hát ấy, 35 năm về trước và bây giờ vẫn vậy, buồn da diết…

Tôi đã nghe Giao Linh hát những bản tình ca buồn từ thuở những chiếc đĩa nhựa than, tới băng cat-set rồi sau này là đĩa hình. Tiếng hát của chị nhẹ nhàng, sầu buồn ru tâm hồn người nghe vào mộng ảo. Tiếng hát ấy, 35 năm về trước và bây giờ vẫn vậy, buồn da diết…

Ngh
Giao Linh - người ca sỹ của những bản tình ca buồn
Hát nhạc buồn nên… không cười
Bao năm qua rồi, nhưng với khán giả yêu thích nhạc xưa, khi nghe “Màu tím păng-xê”, “Mười năm tái ngộ”... vẫn muốn nghe chính giọng Giao Linh. Những ca khúc này hợp với chị như thể nhạc sỹ “ đo ni” cho Giao Linh vậy. 
Trong suốt một thời gian dài khi ở Việt Nam, Giao Linh có mặt ở hầu khắp các sân khấu kể cả phòng trà hay vũ trường… Sau này, khi ra hải ngoại, tài năng của Giao Linh vẫn được khẳng định và chị thuộc thế hệ những ca sĩ gạo cội được yêu mến. Giao Linh là một trong số những nghệ sĩ được cấp phép về Việt Nam biểu diễn sớm nhất. Chị đã có chục năm đứng trên sân khấu quê nhà, cái tên đã quen thuộc với mọi khán giả xa gần.
Giao Linh bắt đầu học nhạc từ năm lên 9 tuổi và năm 16 tuổi, tài năng của chị được phát hiện trong một cuộc thi hát ở Sài Gòn tại một trung tâm nhạc nổi tiếng- nơi đã phát hiện và phát triển nhiều tài năng nhạc Việt. Chị đã vinh dự đoạt Huy chương vàng trong cuộc thi đó. Thực tình, ngày đó, cô bé Giao Linh không cười khi bước lên sân khấu chỉ vì một nỗi là cô nghĩ mình hát nhạc buồn mà lại cười thì thành… buồn cười, nên cô luôn giữ nét mặt nghiêm nghị cho phù hợp với nhạc phẩm mình trình bày. Biệt danh “Nữ hoàng sầu muộn” có từ khi đó. Nhưng sau những giây phút trên sân khấu, trở lại cuộc sống bình thường thì Giao Linh lại rất vui vẻ. 
Chị sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình có 7 anh chị em, nhưng không có ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cả. Giao Linh kể lại, ngày xưa khi còn chưa đi hát trên sân khấu lớn, có người bạn thân đã khuyên chị: “Nếu có đi hát hãy lấy tên Giao Linh, nghệ danh này sẽ gặp nhiều may mắn đấy. Thế là tôi đã lấy nghệ danh ấy cho đến nay”. 
Ngày xưa ấy, một đêm Giao Linh đã chạy 6 tụ điểm ca nhạc, chạy đến Chợ Lớn luôn, mỗi nơi hát 3 bài rồi lại chạy. Một thời gian dài, Giao Linh ở bên Mỹ không có chuyện chạy show như vậy, nhưng trở về Việt Nam bây giờ thấy không khí cũng như xưa.
“Nếu đi cùng các đoàn hát ra tỉnh, một đêm tôi cũng chạy show 3 nơi, từ điểm này qua điểm kia cách nhau nửa tiếng. Chẳng hạn tôi đi Đà Lạt, hát ở Đà Lạt xong chạy xuống Di Linh, rồi về qua Bảo Lộc. Đời sống âm nhạc rất vui. Đi tới các nơi, tôi thấy khán giả còn thương nghệ sỹ nên thấy vui lắm. Mới đây, trong chương trình “Trở lại chốn xưa” Giao Linh thấy mình còn may mắn bởi khán giả còn thương mình, thấy vui lắm”, chị nói.
Ca sỹ… bán phở
Nhớ lại những năm trước đây, khi còn sống tại Sài Gòn, Giao Linh thường xuyên phụ giúp mẹ bán phở. Nhưng cô con gái người bán phở lại yêu đắm đuối ánh đèn sân khấu, những tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, những bó hoa tặng cho ca sỹ. 
Rồi khi ở Canada gia đình Giao Linh cũng có tiệm phở. Mở tiệm bán phở là nghề gia truyền của gia đình nghệ sỹ Giao Linh. “Từ hồi tôi lớn lên, má đã có tiệm phở, các anh chị em tôi đã gắn bó với tiệm phở mấy chục năm rồi. Tiệm phở của gia đình Giao Linh ở phố Nguyễn Kim cũng khá nổi tiếng, sau này bà để lại tiệm phở cho con dâu và cùng gia đình sang định cư tại Canada”.
Ba má Giao Linh đều mất ở nước ngoài hết. Mấy cô em gái lại tiếp tục nghề của má, mở tiệm phở tại Canada. Quán phở của chị em Giao Linh khá nổi tiếng tại Toronto. Cứ đến thành phố này, gặp người Việt Nam nào hỏi  tiệm phở của chị em Giao Linh ai cũng biết. Có khách ở NewYork sang, không biết đường gặp người Việt hỏi thăm cũng đến được tiệm phở. Đây là nghề chính để nuôi sống gia đình Giao Linh.
Trong sâu thẳm tâm hồn của Giao Linh, chị vẫn thầm nhắc và biết ơn đến hai người cho chị cuộc sống ngày hôm nay. Một là người mẹ chắt chiu từng đồng tiền lẻ, thức khuya, dậy sớm đong những vất vả bằng những bát phở để nuôi lớn và cho chị đi học. Thứ hai là những người thầy, nhạc sỹ Thu Hồ, nhạc sỹ Nguyễn Văn Long đã làm nhịp cầu nối đưa chị đến với khán giả để được yêu mến cho đến bây giờ.
Mối kỳ duyên của “nữ hoàng sầu muộn”  
Nổi tiếng và đẹp nhưng Giao Linh lại… muộn chồng. Tới năm 37 tuổi chị mới chính thức kết hôn. Trước đó, chị chỉ có những tình yêu đi qua trong đời. Nhưng khi kết hôn, Giao Linh lại sống trọn vẹn với người chồng của mình mấy chục năm rất hạnh phúc, vui vẻ. Mối tình đặc biệt này Giao Linh gọi là một “kỳ duyên”.
Chị từng gặp chồng chị từ khi 17 tuổi, nhưng vì không có duyên, có phận nên hai người không đến với nhau, phận ai nấy sống. Nhưng, bất ngờ, hơn hai mươi năm sau gặp lại, giống như ông trời sắp đặt, cả hai lại có cảm tình và dành cho nhau rất nhiều tình cảm. Khi gặp lại, chồng Giao Linh đã qua mấy lần tan vỡ, bất hạnh trong hôn nhân, một mình nuôi 6 người con, con trai lớn nhất lúc ấy cũng đã 30 tuổi, nhỏ nhất 14 tuổi. Cũng vì sự tế nhị đó nên anh đã đề nghị với chị, thôi thì cứ thử sống với nhau trước 6 tháng, nếu cảm thấy cả hai bên vẫn ở được với nhau thì sẽ chung sống, còn nếu không thì chia tay. 
Các con đã lớn, nếu ai không ưng thuận thì có thể chuyển ra ngoài sinh sống, bao giờ thuận thì về. Không ngờ, sau 6 tháng, cả nhà chẳng ai chịu… chuyển đi. Các con của chồng chị ban đầu thì đến ở 1 tuần rồi đi, sau đó thành ở 2 tuần và cuối cùng chẳng chịu rời. Họ sống hạnh phúc với nhau tới tận bây giờ. Có nhiều lần, Giao Linh đi biểu diễn ở những bang gần nhà bên Mỹ, các con chị còn theo đến tận nơi để cổ vũ cho mẹ rồi sáng sớm hôm sau lại về đi làm. Giao Linh rất hạnh phúc với điều đó. 
Hạnh phúc là tha thứ
Chồng Giao Linh không là dân văn nghệ nhưng anh lại yêu văn nghệ vô cùng. Anh yêu tiếng hát Giao Linh. Giọng ca trầm buồn, ngọt đến tận tâm can của chị chính là sợi dây dẫn dắt anh tới với chị. Giao Linh nói, cũng vì anh yêu sân khấu chẳng thua gì chị nên đi đâu hai vợ chồng cũng đi cùng nhau, anh vừa làm chồng và vừa làm… trợ lý đặc biệt cho chị luôn.
Hai vợ chồng xuất hiện ở sân khấu nào là gây chú ý ở nơi đó vì nụ cười không mấy khi tắt trên môi họ. Mấy lần đi biểu diễn, anh thường nhìn quanh và nói đùa: “Hình như ở đây anh là trợ lý già nhất thì phải”. Dẫu già nhất nhưng anh năng động chẳng kém "cánh" trẻ, giúp vợ những việc phụ, lo nước uống rồi chụp hình. Anh tự hào là anh luôn chụp vợ rất đẹp. 
Giao Linh không có con. Con của anh cũng chính là con của chị, chị đến với anh cũng một phần là lý do anh có đông con. Chị quan niệm, đã thương nhau thì sẽ thương cả các con nữa, chị dành rất nhiều tình cảm cho các con của chồng. Giao Linh luôn cho rằng, anh thương chị, yêu chị không chỉ bởi tình yêu mà quan trọng hơn là thấy cách cư xử của chị với con cái của mình. 
Một trong những bí quyết để Giao Linh giữ được hòa khí trong gia đình chính là phải sống vị tha với nhau, đừng làm khó nhau. Các con của chị đâu phải lúc nào cũng làm chị thoải mái, những khi con mắc lỗi chị nói: “Ồ không sao đâu con, mẹ nghĩ các con không có ý làm như vậy”.  
Còn chồng, đi diễn cùng chị, anh hay cười và nói chuyện rất vui, hóm hỉnh, nhưng Giao Linh “bật mí” rằng, anh cũng khó tính lắm, cũng hay giận. Nhưng, mỗi lần anh nổi giận là chị lại “bớt lửa” bằng cách nói đùa: “Ồ, sao hôm nay anh đóng kịch vậy, anh làm diễn viên giỏi đấy”. Giao Linh quan niệm, đời sống này giản dị vô cùng, hạnh phúc của chị cũng đơn giản như thế, chỉ cần biết mở lòng ra và yêu thương…
Miên Thảo