Những điều mở ra khi kỳ họp khép lại

(PLO) - Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa này vừa kết thúc, một kỳ họp ngắn ngày mà chất chứa rất nhiều công việc, sôi động trong hội trường và biến động ngoài đường phố, chưa bao giờ  giữa nghị trường và đời sống xã hội lại gần nhau đến thế.
Những điều mở ra khi kỳ họp khép lại

Điều nổi bật, rất đáng ghi nhận là những hoạt động nghị trường ngày hôm nay đã thành tâm điểm chú ý của cử tri cả nước. Việc bàn thảo để cho ra đời một luật mới hay sửa đổi, bổ sung luật hiện hành đều được mọi người chú tâm theo dõi. Hoạt động lập pháp không còn khép kín trong phòng nghị sự nữa mà cả ở hành lang Quốc hội và “hành lang” báo chí, lan rộng ra đến toàn xã hội. Đó là biểu hiện của dân chủ trong lĩnh vực lập pháp, người đóng góp ý kiến đầy tính chất xây dựng và học thuật, đem hơi thở gấp gáp của cuộc sống vào nghị trường, người tiếp thu ý kiến với thái độ lắng nghe và cầu thị. Sợi dây gắn bó giữa Quốc hội với cử tri bền chặt hơn, đó chính là tiền đề cho sự đồng thuận và cơ sở để xây dựng nên những đạo luật phù hợp cuộc sống, kịp thời điều chỉnh những quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc phái sinh và có tính khả thi cao. 

Những biến cố trong xã hội xảy ra trong khi Quốc hội đang họp nhìn một cách tích cực thì đó chính là biểu hiện của người dân đối với vận mệnh của Tổ quốc, sự tồn vong của chế độ và lo lắng cho cuộc sống của chính bản thân và gia đình mình. Dường như ngay lập tức, dư luận xã hội bày tỏ sự không đồng tình với những hành vi quá khích, manh động và chịu tác động của tâm lý đám đông. Khi “cơn bão” tăng động qua đi, người ta nhận ra rất rõ ràng những hành vi quá khích đó không phải là dân gây ra mà do một nhóm người nào đó, có tổ chức châm ngòi. Người dân Việt Nam vốn hiền hòa, yêu quê hương, đất nước, bất bình trước ngang trái, bất công chứ không phải là thích gây sự, làm rối loạn trật tự trị an. Những phóng viên có mặt kịp thời ở Bình Thuận đã phản ảnh rất rõ thực trạng ở “điểm nóng” này, thông điệp mà họ gửi tới bạn đọc cả nước là “hành vi quá khích không thuộc về những người dân” cho nên, việc dùng cụm từ “một số người dân quá khích” là không chính xác với trường hợp này.

Dư luận cũng lên tiếng yêu cầu phải xử lý thật nghiêm những người đã gây ra các hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản và phân biệt rõ những người này với dân. Dứt khoát, dân không đứng về phía họ.

Kỳ họp đã khép lại và nhiều vấn đề được mở ra, trong đó, đáng chú ý là cần đổi mới, tiếp thu ý kiến, thận trọng và tư duy sắc bén, tầm nhìn xa rộng, kiến thức và kinh nghiệm lập pháp trong hoạt động xây dựng pháp luật. Đặc biệt, khi trình độ dân trí nâng lên, cánh cửa dân chủ rộng mở yêu cầu các đại biểu Quốc hôi cũng phải xứng tầm với trọng trách của mình!

Đọc thêm