Nhiều nguyên nhân gây vô sinh
Một cuộc khảo sát tại 8 vùng sinh thái ở Việt Nam cho thấy, khoảng 7% cặp vợ chồng vô sinh. Trong đó, tỷ lệ vô sinh có nguyên nhân ở cả nam và nữ là như nhau (40% do nam, 40% do nữ và 20% do cả hai).
Theo TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, có các nguyên nhân vô sinh ở phụ nữ như: do bất thường cơ quan sinh dục (tử cung, âm đạo, buồng trứng), do tuyến yên, do bệnh lý tuyến giáp; suy buồng trứng khi chưa trưởng thành. Vô sinh thứ phát: do viêm nhiễm không được chữa trị, chữa không đúng khiến viêm nhiễm lan lên gây viêm tắc dính buồng tử cung, dính vòi tử cung; suy buồng trứng (do chảy máu nhiều trong lần sinh trước).
Ở nam giới, có thể vô sinh do bất thường cơ quan sinh dục (tắc ống dẫn tinh), sinh sống tại nơi bị nhiễm chất phóng xạ; do lối sống (sử dụng thuốc lá, rượu) ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Một số bệnh lý như quai bị có thể gây biến chứng vô sinh ở nam giới. Có khoảng 20% cặp vợ chồng vô sinh mà nguyên nhân do cả vợ và chồng. Ví dụ như, trường hợp người chồng có chất lượng tinh trùng kém còn người vợ phóng noãn không đều làm giảm cơ hội thụ thai.
Hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn được làm cha mẹ. Theo TS Nguyễn Viết Tiến, trước đây có quy định từ 45 tuổi trở lên không thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng việc này đã được điều chỉnh vì có thể lúc làm hồ sơ thì chưa đến 45 tuổi, sau khi hoàn thiện hồ sơ thì lại qua 45 tuổi. Cũng có người 47-49 tuổi nhưng khả năng sinh sản tốt hơn người 40 tuổi, vì vậy thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe. Nhưng thông thường thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản khi tuổi còn trẻ thì cơ hội thành công cao hơn.
Ngân hàng “giống”
Theo TS Nguyễn Viết Tiến, tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, thụ tinh trong ống nghiệm có tỷ lệ thành công khoảng 30 - 50%, giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn được làm cha, mẹ. Những năm gần đây, nhiều người đã quan tâm đến việc lưu trữ tinh trùng tại ngân hàng mô, phôi. Đây cũng là một lựa chọn giúp duy trì việc sinh sản, bảo toàn “giống” cho các cặp vợ chồng.
TS Tiến cho biết về trường hợp lưu trữ tinh trùng: người có bệnh hiểm nghèo, muốn lưu trữ để thêm cơ hội làm cha. Nhưng cũng lưu ý, với người bị ung thư cần lấy tinh trùng lưu trữ trước khi hóa - xạ trị. Nhiều người đi làm xa lâu ngày cũng đã lưu trữ tinh trùng để vẫn có thể sinh con nếu có bất trắc về sức khỏe.
Ngân hàng tinh trùng còn tiếp nhận tinh trùng hiến từ những người khỏe mạnh. Các cặp vợ chồng vô sinh do người chồng không có tinh trùng có thể nhận tinh trùng hiến tặng để thụ tinh trong ống nghiệm. Danh tính của người hiến hoàn toàn được bảo mật, người nhận không biết “giống” xin từ ai, và người hiến không biết “giống” của mình được tặng cho ai. Tại một số nước, “giống” lưu trữ có ghi thêm đặc điểm: màu tóc, màu mắt và các chỉ số cơ bản để những người có nhu cầu xin tinh trùng sẽ lựa chọn “giống” gần với người chồng, và người con sinh ra có thể giống với cha mẹ nhất.
Việc lưu trữ tinh trùng có thể đảm bảo chất lượng trong nhiều năm. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã trở thành cha mẹ nhờ tinh trùng được lưu giữ.