(PLO) - Một tuần đã trôi qua nhưng dư luận vẫn chưa hết bàn ra, tán vào về sự kiện có một không hai ở Việt Nam: sinh con từ tinh trùng của người chồng đã quá cố. Kẻ tán thành nhiều, người phê phán cũng không ít…
Bị đề nghị bất ngờ vẫn nhận lời không chút đắn đo
Đến tận bây giờ, bác sỹ (BS) Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vẫn nhớ như in cuộc điện thoại kỳ lạ gọi đến khi ông đang đi tản bộ gần khu vực bệnh viện (BV). Sau khi nghe sơ qua lời trình bày của người phụ nữ bên kia đầu dây, tuy chưa bao giờ làm việc này nhưng không hiểu sao BS Vệ không chút lăn tăn liền khẳng định với chị ta rằng “Có thể làm được”. Và ngay lập tức BS Vệ về BV chuẩn bị đồ nghề cùng hai nhân viên nữa đến nơi người phụ nữ này chỉ dẫn để làm cái việc mà bản thân ông cũng ít ngờ rằng bốn năm sau đó đã gây ra tiếng vang rất lớn trong dư luận xã hội.
|
BS Vương Văn Vệ đang trò chuyện với PV Báo PLVN |
“Nhận được điện thoại của người phụ nữ từ lúc gần 4 rưỡi chiều thì khoảng 06h tối tôi đã hoàn tất việc lấy tinh hoàn phải của tử thi tử vong vì tai nạn giao thông và mang về BV. Sau khi về BV, tôi cẩn thận lấy tinh trùng ra để soi và khẳng định chắc chắn vẫn có thể làm được nên đã lấy ra 14 Nunce cho vào bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ -196 độ bằng Nito lỏng, đồng thời ghi lại mẫu cho khách hàng rồi mới đưa vào ngân hàng” – BS Vệ nhớ lại.
Một thời gian ngắn sau đó, vị khách hàng - người đã đưa ra ý tưởng bất ngờ trên đã tìm đến BV của ông đặt vấn đề chính thức về việc muốn sinh con từ những mẫu tinh trùng này, sau khi mãn tang chồng. Vẫn không chút ngần ngại, BS Vệ khẳng định có thể làm được. Trước khi tiến hành việc thụ tinh, BS Vệ phải cho kiểm tra lại lần nữa “sức khỏe” tinh trùng cho chắc rồi mới tiến hành tiêm thuốc và kích trứng cho bệnh nhân.
Lần đầu thực hiện, do trứng của bệnh nhân bị quá kích nên ông và các đồng sự phải làm đông lại tinh trùng, sau đó mới tiến hành thụ tinh lại. Trời đã không phụ lòng mong ước của người phụ nữ và công sức của các nhà khoa học, hai bé trai khỏe mạnh và xinh đẹp đã chào đời trong sự phấn khởi và niềm hạnh phúc vô bờ bến của người mẹ và gia đình.
Có kiến thức về lĩnh vực này đã lâu, cũng đã từng trăn trở và suy nghĩ về chúng nhiều năm nhưng BS Vệ cho biết, bản thân ông vẫn thấy bất ngờ về những thành tựu mà mình đã làm được, vì tình huống này chưa bao giờ có ở Việt Nam.
Bất ngờ đầu tiên là ông không nghĩ rằng mình có thể tiến hành lấy tinh trùng thành công từ một người đã chết, lại trong một nhà xác tồi tàn, tối tăm của một BV cấp huyện. Tiếp theo, người đưa ra ý tưởng kỳ lạ này là một người phụ nữ nhỏ bé, hiền lành, chưa biết gì về thành tựu y học này. Trên thế giới không nhiều ca thực hiện lấy tinh trùng từ người đã chết. Bởi ngay cả đối với những tinh trùng được lấy từ người hoàn toàn khỏe mạnh, tỷ lệ thành công cũng chỉ đạt 50-60% và phải thực hiện rất nhiều lần.
Nhà chồng từ ngăn cản đến chịu ơn con dâu
Tiếp PV trong căn nhà với bộn bề chăn gối và tã lót, trong ngập tràn hạnh phúc bên hai cậu con trai kháu khỉnh, Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Dung (SN 1981) - giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ, Viện Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hai vợ chồng chị đều là dân xứ Nghệ. Yêu nhau ngót nghét chục năm nhưng thời gian sống với nhau chỉ chưa đầy 06 tháng vì chị Dung được cử đi học lớp du học tài năng ở nước ngoài, rồi lại tiếp tục học thạc sỹ, rồi tiến sỹ bên nước bạn.
|
Ba mẹ con chị Dung |
Ngay cả khi sinh đứa con gái đầu chị cũng sinh và nuôi con bên Pháp. Đến bây giờ, chị Dung vẫn không hiểu tại sao mình lại quyết định một việc vô cùng trọng đại một cách nhanh chóng như vậy. Có lẽ nguyên nhân phần vì rất yêu chồng, phần áy náy vì không có nhiều thời gian chăm sóc chồng, đặc biệt bởi muốn toại nguyện mơ ước của chồng muốn có hai đứa con khi hai người còn yêu nhau.
Để có được thành quả này, chị Dung cho biết chị đã phải chắt chiu, dành dụm tiền, nhờ vả họ hàng hai bên, bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ, thậm chí vay mượn của mọi người. Bản thân chị cũng bỏ rất nhiều thời gian để qua lại BV khám, tiêm thuốc, kiểm tra sức khỏe, kích trứng...
“Đúng là duyên trời! Khi con trai tôi mất, vợ nó vô tình biết chuyện một cựu vận động viên trượt tuyết gặp tai nạn chết nhưng vẫn lưu lại tinh trùng và có con nên đã quyết định giữ lại tinh trùng của chồng. Và còn may mắn hơn khi trong lúc rối loạn, tang gia bối rối, sau khi gọi điện thoại sang bên Pháp hỏi han mọi thông tin liên quan đến vấn đề này, một người bạn thân của con dâu tôi đã… vấp phải mô đất, khi ngẩng lên thì lại đúng là BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nên đã quyết định nhờ họ giúp đỡ...” - bác Hồ Bính (70 tuổi), cha đẻ của anh Hồ Xuân Ngọc - người chồng quá cố của chị Dung khẳng định.
Bác Bính cũng cho hay, mải lo tang lễ cho con trai, gia đình bác cũng không nghĩ ngợi gì nhiều về chuyện Dung quyết định giữ lại tinh trùng của chồng. Nhưng khi cô nói ý định muốn có con, nhiều ý kiến phản đối vì sợ Dung sẽ vất vả về sau này.
... Có mặt tại ngôi nhà của mẹ chị Dung, PV tận mắt chứng kiến cảnh bà nội và bà ngoại thay nhau săn sóc ba mẹ con chị Dung. Người mẹ trẻ đang rất hạnh phúc, dù cô cũng đã phần nào hình dung được những gian nan và thử thách đang chờ đợi mình ở phía trước.
Luật hiện hành chưa quy định lấy tinh trùng của người chồng đã chết
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp: “Chúng ta có thể coi trường hợp người phụ nữ sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết trước 4 năm cũng là trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học. Tuy nhiên, trong Nghị định 12/2003 chỉ quy định phụ nữ sinh con theo phương pháp khoa học đối với tinh trùng từ người khác, chứ chưa có quy định lấy tinh trùng của người chồng đã chết. Thực tiễn luôn đi trước pháp luật, trường hợp này chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa vào quy định của pháp luật”.
Mặt khác, pháp luật về hộ tịch chỉ quy định về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra khi bố mẹ có hôn thú và con ngoài giá thú, chứ chưa tính đến tình huống này.
Là quyền nhân thân, nên được chấp nhận
Theo TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, việc hiến và lấy mô tạng từ người chết và người chết não phải theo đúng quy định của pháp luật. Không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được phép lấy khi không có thẻ, hoặc không có đơn tình nguyện cho của chính người hiến khi họ qua đời.
Trường hợp này, người vợ sở hữu tinh trùng của người chồng, dù không có ý kiến của người chồng (do bị tử vong) vẫn được chấp nhận vì đó là quyền nhân thân. Khi khai sinh cho con, người mẹ cũng hoàn toàn có thể ghi tên cha cho con là người chồng đã mất, bởi hiện chị vẫn giữ giấy chứng nhận lưu phối của BV; giấy chứng tử của chồng và chứng nhận đăng ký kết hôn của hai vợ chồng.