Những điều thú vị “tháng cô hồn” ở châu Á

(PLVN) - Không chỉ Việt Nam mà các nước Á Đông khác theo truyền thống Phật giáo như Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Campuchia, Nhật Bản… đều có tập tục cúng “tháng cô hồn” với những phong tục và nghi thức riêng.

Hong Kong 

Nếu tới Hong Kong vào tháng 7 âm lịch, bạn sẽ thấy một Hong Kong trầm lắng lại để dành không gian cho những người đã khuất. Phong tục cúng cô hồn trên đất Hong Kong có những nét độc đáo riêng biệt mang đậm bản sắc văn hóa. Theo phong tục dân gian, người Hong Kong, giống như người Việt, tin rằng tháng 7 âm lịch là tháng không may mắn và cần tránh làm nhiều điều kiêng kỵ, đặc biệt là vào ban đêm, ví dụ như phơi đồ, bơi, phóng uế vào cây cối, chụp hình… 

Hình nộm khổng lồ được hóa vàng trong tháng 7 âm lịch ở Hong Kong.
 Hình nộm khổng lồ được hóa vàng trong tháng 7 âm lịch ở Hong Kong.

Lễ cúng cô hồn ở Hong Kong thì được tổ chức theo cách riêng của họ và kéo dài cả tháng 7 âm lịch. Sự kiện này đã được tổ chức trong hơn 100 năm và nó được xem như môt loại di sản văn hóa phi vật thể của Hong Kong. Trong suốt tháng 7 trên khắp Hong Kong, bạn sẽ thấy người dân ở mọi nơi như công viên, quảng trường, ven sông hay một vùng đất rộng để cúng tế tổ tiên và những bóng ma lang thang trên đường.

Người Hong Kong sẽ làm những mâm cúng truyền thống, đốt vàng mã, hình nộm và nhiều vật thờ cúng khác cho các “cô hồn” đang vất vưởng ở dương thế, chưa được siêu thoát. Tuy nhiên ngày nay, lễ vật cúng cô hồn bằng giấy tại Hong Kong ngày càng đa dạng và hiện đại, ví dụ như điện thoại thông minh, túi xách hàng hiệu, trang, sức, mỹ phẩm của những thương hiệu lớn trên thế giới. Đa số những vật phẩm này đều in hình hoa sen, cây tre hoặc nhiều biểu tượng mang ý nghĩa may mắn khác. Người Hong Kong cũng ăn chay và làm việc thiện trong tháng 7 âm lịch.

Ngoài ra còn một hoạt động khá thú vị của cộng đồng người Triều Châu tại Hong Kong vào tháng 7 âm lịch hàng năm. Theo đó, cộng đồng có dân số khoảng 1,2 triệu người này tổ chức nhạc hội dành riêng cho các vong hồn, bao gồm múa lân, lễ đốt hình nộm, phân phát gạo miễn phí và biểu diễn nhạc kịch hoặc phát một bộ phim để phục vụ các hồn ma...

Nhật Bản

Giống như lễ hội Vu Lan ở Việt Nam, lễ hội Obon được xem là một lễ hội quan trọng có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản, đây chính là dịp để tưởng nhớ tổ tiên. Được tổ chức vào ngày 14, 15, 16 tháng 7 âm lịch, lễ hội tháng cô hồn này ở mỗi địa phương lại có những cách thức tổ chức các nghi lễ và hoạt động riêng biệt. Thông thường trong dịp này, hầu hết những người đang ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà, hoặc đi viếng mộ người thân. Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật tổ chức để kỷ niệm lễ hội này. Đặc biệt, lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời. Trong lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ, đi kèm với các hoạt động văn hóa như múa truyền thống, cầu nguyện. 

Lễ hội Obon ở Nhật Bản.
Lễ hội Obon ở Nhật Bản. 

Vũ điệu Bon Odori là một trong những nét đặc sắc trong lễ hội Obon. Tương truyền vũ điệu này bắt nguồn từ câu chuyện của Phật tử Mokuren. Ông đã cầu xin Phật Tổ giải thoát cho người mẹ quá cố của mình khỏi kiếp đày đọa dưới địa ngục. Cảm kích trước sự giúp đỡ của Phật Tổ, ông đã nhảy múa một cách vui mừng khi mẹ mình được cứu. Điệu múa Bon Odori bắt nguồn từ đó mà thành.

Thả thuyền giấy là nghi thức kết thúc lễ hội. Các con thuyền được xếp bằng giấy và thả theo các con sông để tiễn đưa linh hồn những người đã khuất trở về thế giới của họ.

Nếu như ở Việt Nam có tục cúng lễ rất lớn và đốt vàng mã dâng lên người đã khuất thì người Nhật Bản cũng có những nét tương đồng. Đồ cúng thờ của họ là những chiếc bánh như bánh khảo, làm từ bột gạo màu xanh, đỏ, vàng… trông rất hấp dẫn và thường có hình hoa sen cùng những giỏ hoa quả gồm nhiều loại được trình bày rất đẹp mắt trên bàn thờ. Đồ cúng được thay đổi mỗi ngày, ngày 13 là bánh đón linh hồn; ngày 14 là một loại bánh bột gạo; ngày 15 là bún làm bằng bột mì và ngày 16 là bánh tiễn linh hồn.

Ngoài lễ hội Obon quan trọng trong tháng cô hồn, người Nhật cũng chú trọng đến những điều kiêng kị như không nhặt tiền rơi trên đường, không nói thì thầm, không quay đầu khi có ai đó vỗ vai và không nói to vào ban đêm…

Trung Quốc

Trong các nước Á Đông, Trung Quốc là quốc gia thực hiện nhiều nghi lễ, phong tục nhất trong tháng cô hồn và cũng có nhiều điều kiêng kị truyền miệng nhất. Có tới gần 30 điều kiêng kị trong tháng cô hồn mà người Trung Quốc thường tin và làm theo.

Ngoài những điều kiêng kị khá giống với các nền văn hóa khác ở châu Á như không chụp ảnh vào ban đêm, không đi một mình vào buổi tối, không mua sắm, không bắt đầu kinh doanh, người Trung Quốc còn rất kiêng tổ chức sinh nhật vào buổi tối trong tháng cô hồn. Nếu bạn có sinh nhật vào tháng cô hồn này, nếu tổ chức sinh nhật, nên tổ chức vào ban ngày. Ngoài ra, người Trung Quốc còn kiêng tuyệt đối việc giết sâu bọ, côn trùng vào tháng 7 âm lịch.

Một mâm cúng lớn với nhiều món ăn trong tháng cô hồn ở Trung Quốc.
Một mâm cúng lớn với nhiều món ăn trong tháng cô hồn ở Trung Quốc. 

Đối với người Trung Quốc, trong tháng 7 âm lịch, ngày 15 là ngày quan trọng nhất. Ngày này còn được gọi là Tết Trung Nguyên. Bởi họ cho rằng vào ngày này, cổng địa ngục sẽ mở cho các bóng ma lên trần gian kiếm cơm, vui chơi. Người Trung Quốc vì thế sẽ chuẩn bị những mâm cỗ có nhiều món truyền thống bắt mắt cùng trái cây ngũ quả, giấy tiền vàng mã theo nhu cầu cần thiết và đèn hoa sen thả hồ để soi sáng cho người thân về thăm nhà hưởng hương khói. Họ cũng mong rằng thông qua những việc làm này, gia đình sẽ có được phúc đức tổ tiên. 

Thêm vào đó, người Trung Quốc còn có tục thả thuyền giấy hoặc đèn hoa đăng trên sông vào buổi tối như một cách để chỉ đường dẫn lối cho những linh hồn phiêu dạt khỏi bị lạc, biết đường trở về âm phủ trước khi cửa đóng hẳn. Hay những khóa lễ đặc biệt được tổ chức ở các chùa suốt cả ngày lẫn đêm để cầu nguyện cho các vong linh đã quá vãng, cho những vong hồn đang bị đói khát giày vò nơi cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ được ấm no, an lành. 

Campuchia

Nếu như ở Việt Nam, “tháng cô hồn” là tháng 7 âm lịch thì ở Campuchia sẽ là tháng 9 dương lịch. Trong tháng này sẽ diễn ra Lễ hội Pchum Pen, một trong những lễ hội quan trọng của người Campuchia, thường được tổ chức rất long trọng và thành kính. 

Lễ hội Pchum Ben ở Campuchia.
 Lễ hội Pchum Ben ở Campuchia.

Lễ hội này có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với người dân Campuchia: một là xin sự tốt lành cho bản thân mình, thứ 2 xin sự bình an cho người thân và thứ 3 là để bày tỏ lòng tôn kính của tổ tiên, ông bà quá cố. Theo niềm tin người Camphuchia, nếu người nào không tuân theo các thông lệ trong dịp lễ Pchum Ben sẽ bị tổ tiên tức giận mà nguyền rủa. Do đó, để mong muốn có được cuộc sống yên bình, ít khổ đau, người ta sẽ làm những mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên; mang đồ ăn thức uống, quần áo và đồ dùng cần thiết cúng dường cho các nhà sư. Ngoài ra, họ còn giúp đỡ những người nghèo và người tàn tật... để tích góp công đức, phần nào bù đắp lại những sai trái, tội lỗi phạm phải trong quá khứ và cũng họ cũng tin rằng việc làm này sẽ giúp cho các linh hồn tổ tiên được siêu thoát.

Lễ hội được tổ chức trong suốt 15 ngày. Theo đó, 4 ngày đầu tiên được gọi là Kan Ben. Trong 14 ngày của Kan Ben, người dân trong làng thay phiên nhau mang thực phẩm và nến đến các đền thờ, chùa chiền để dâng cúng cho các nhà sư.

Ngoài ra, người dân cũng dâng cúng các đồ dùng cần thiết trong cuộc sống cho các vị tăng ni phật tử. Việc này vừa thể hiện sự tôn trọng, biết ơn đối với chư tăng, vừa mong được bình an và cầu nguyện cho vong linh của ông bà tổ tiên không may đã làm điều gì sai trái, tội lỗi có thể sớm được siêu thoát. 

Trong các nghi thức tôn giáo được thực hiện trong ngày lễ, có một nghi thức gọi là “mở cửa địa ngục”, với ý niệm là cứu giúp những vong linh bị lầm lạc, chịu cực hình trong các địa ngục, giúp cho các vong linh chưa siêu thoát được trở về thăm con cháu, họ hàng, tạm thời thoát khỏi ngục hình trong mùa lễ hội.

Ngày 15 hay còn gọi là ngày Ben Thom, là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ lễ hội. Tất cả mọi người trong vùng sẽ ăn vận thật đẹp, nô nức tới chùa với các món đồ ăn, hoa quả, bánh gạo nếp và quà cho các nhà sư được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Sau khi lễ xong, các sư thầy trong chùa sẽ ban lời chúc tốt lành đến mỗi người. Lễ sẽ được hạ xuống và mọi người cùng ăn chung với nhau, cùng nhau cười nói thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau trong cuộc sống.

Dịp lễ hội cũng là lúc người dân Campuchia giúp đỡ những người nghèo và người tàn tật... để tích góp công đức, việc làm này được tin rằng sẽ giúp cho các linh hồn tổ tiên được siêu thoát. Trong suốt mùa lễ hội còn có các nghệ sĩ trình diễn những điệu nhạc truyền thống. Kết thúc lễ hội sẽ diễn ra hoạt động đua trâu.

Đọc thêm