Những giai nhân nức tiếng Hà Thành một thuở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thi hoa khôi thời đó, các giám khảo xem xét rất kỹ. Họ không chỉ đo chiều cao mà còn đo tỉ mỉ xem lưng dài bao nhiêu, chân dài bao nhiêu, để tính tỉ lệ cân đối. Ngoài ra, còn đo chiều dài cánh tay, bờ vai, thậm chí đo cả gốc ngón tay với đầu ngón tay, để xem có là tay búp măng, thon thả hay không.
Vẻ đẹp nền nã của các hoa khôi Hà Thành xưa.
Vẻ đẹp nền nã của các hoa khôi Hà Thành xưa.

Thi cả người đẹp và người xấu

Cuộc thi hoa khôi đầu tiên ở Hà Nội do người Pháp tổ chức có quy mô rất lớn. Bởi để khuếch trương sự phát triển của thuộc địa, Toàn quyền Đông Dương khi ấy đã tổ chức hội chợ tại phố Gambetta (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) từ tháng 11/1902 đến tháng 1/1903 với nhiều quốc gia trong vùng và trên thế giới tham gia.

Ngoài các gian trưng bày sản vật, hội chợ còn có quán bán cà phê, rượu; ban tổ chức đã bày ra rất nhiều trò chơi như: Leo cột mỡ, bịt mắt đập niêu và đặc biệt là thi người đẹp. Chương trình hội chợ ghi rõ "Thứ hai ngày 19/1/1903 vào 10h có 2 cuộc thi: Người đẹp và người xấu dành cho người bản xứ. Giải nhất mỗi cuộc thi là 50 đồng, giải nhì 25 đồng và giải khuyến khích 15 đồng" (1 tạ gạo thời điểm này là 3 đồng).

Dù Hà Nội là nhượng địa, sống theo luật của Pháp nhưng ảnh hưởng của Nho giáo đối với đời sống xã hội vẫn rất nặng nề, nên dù Đốc lý Hà Nội đã sức cho các phố trưởng cử các cô gái xinh đẹp chưa chồng dự thi nhưng không cô gái nào dám tham gia. Cuộc thi cũng rất đơn giản, người tham gia mặc áo dài, vấn tóc đuôi gà, đi vài vòng trên sân khấu để ban giám khảo chấm điểm. Người đẹp nhất đạt danh hiệu hoa khôi. Đây là cuộc thi người đẹp đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời đó rất ít báo và Hà Nội chưa có báo tiếng Việt nên không biết ai giành vương miện hoa khôi.

Sau hội chợ năm 1902, mãi đến năm 1918 chính quyền mới tổ chức lần thứ hai nhưng không ở cấp độ toàn xứ Đông Dương mà chỉ là chợ phiên cấp độ thành phố do Đốc lý Hà Nội Jobouille Edmond (nắm quyền từ ngày 8/2/1917 đến 24/5/1919) tổ chức. Chợ phiên diễn ra từ ngày 15 đến 30/12/1918 và có thi người đẹp.

Hai năm tiếp theo, năm 1919 và 1920, Hà Nội tiếp tục tổ chức chợ phiên và không thể thiếu thi người đẹp vì nó thu hút rất đông dân chúng đến xem. Đến năm 1922, người ta lại tổ chức hội chợ của xứ Đông Dương tại Hà Nội. Sau đó từ các năm 1923 đến 1927 thì tổ chức ở Sài Gòn nên tham gia cuộc thi người đẹp chủ yếu là các cô gái ở thành phố này. Năm 1928, Hà Nội định tổ chức chợ phiên nhưng sau đó do suy thoái kinh tế thế giới nên đành phải bỏ.

Năm 1936, Mặt trận Dân chủ thắng thế tại chính trường nước Pháp nên rất nhiều tỉnh, thành của Việt Nam như: Hà Đông, Nam Định đã tổ chức thi người đẹp tại các chợ phiên. Năm 1939, nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ II, cuối năm 1940, Nhật đưa quân vào Hà Nội, hàng hóa nhập khẩu khan hiếm. Để khuyến khích sản xuất trong nước, năm 1941, chính quyền thành phố đã tổ chức chợ phiên ở Ấu Trĩ Viên (nay là Cung Thiếu nhi).

Giành danh hiệu hoa khôi tại cuộc thi người đẹp trong hội chợ này là cô Tân. Cô Tân học ở Trường nữ Hàng Cót từng hút hồn thanh niên Hà Nội nhất là khi cô mặc đồ bơi, bơi ở bể bơi Quảng Bá. Cô chính là mẹ ca sĩ Khánh Ly nổi tiếng với những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Tính từ cuộc thi người đẹp năm 1902 cho đến cuộc thi cuối cùng năm 1941, Hà Nội có tất cả 12 hoa khôi.

Hoa khôi trình diễn trong lồng kính

Một điều thú vị là các cuộc thi hoa khôi hồi đó, vì tổ chức rất ít, nên việc đọ sắc được đầu tư, tổ chức cực công phu, bài bản. Dù không có những phần thi “bỏng mắt” giống ngày nay như thi áo tắm, nhưng số đo của các thiếu nữ Hà Thành lại được cân đo đong đếm đến từng milimet. Cuộc thi chỉ có khoảng trên, dưới chục thiếu nữ tham gia.

Các giám khảo xem xét rất kỹ. Họ không chỉ đo chiều cao mà còn đo tỉ mỉ xem lưng dài bao nhiêu, chân dài bao nhiêu, để tính tỉ lệ cân đối. Ngoài ra, còn đo chiều dài cánh tay, bờ vai, thậm chí đo cả gốc ngón tay với đầu ngón tay, để xem có là tay búp măng, thon thả hay không? Phần thưởng sau khi vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao là vài chục đồng Đông Dương và một vài bộ quần áo được may bởi những nhà may danh tiếng nhất của Hà Nội thời bấy giờ.

Tiểu thư Trần Thị Thành, cháu ngoại của nhà tư sản Hưng Ký, ông chủ của các nhà máy gạch nổi tiếng Đông Dương, là người đạt giải hoa khôi trong cuộc thi tổ chức tại Hà Nội năm 1939. Thời đó, việc con gái ăn mặc tân thời, lại đi tham gia một cuộc thi để người ta soi mói nhìn, chấm điểm các số đo, là chuyện tày trời. Thiếu nữ Thành đã phải lén lút đi thi, bởi với tư tưởng khá tiến bộ, cô muốn khẳng định sắc đẹp cũng như tri thức của mình.

Một điểm độc đáo của kỳ thi hoa khôi Hà Thành giai đoạn này là người trúng giải phải đứng trình diễn trong lồng kính ở ngay giữa bờ hồ Hà Nội. Thiếu nữ Thành được đưa vào đứng trong một cái lồng kính ngay trên vỉa hè phố Lê Thái Tổ, chỗ đối diện với tòa soạn báo Hà Nội Mới bây giờ. Cô phải đứng liền trong hai đêm, mỗi buổi tối chừng 15 - 20 phút. Lồng kính quay lòng vòng, thắp đèn điện sáng rực, cô Thành mặc áo dài lụa rất đẹp, đứng giữa chỗ phố đông đúc nên rất nhiều người đến xem, có cả người chụp ảnh. Tất cả mọi người đều phải đứng cách xa một mét bởi có cả hàng rào cảnh sát đứng xung quanh bảo vệ.

Một năm sau cuộc “đăng quang” đình đám, Hoa khôi Trần Thị Thành lên xe hoa. Bà kết hôn với Lê Hoàng Vũ, một công tử con gia đình kinh doanh đồ da lớn nhất phố Hà Trung thời bấy giờ. Đám cưới linh đình với những chiếc xe ô tô đón dâu bóng loáng, đoàn rước dâu đông tới mức người đầu tiên đã đến phố Hàng Trống (nhà gái), mà người cuối cùng còn ở phố Hà Trung.

Thiếu nữ Hà Nội xưa dạo phố trong tà áo dài thướt tha.

Thiếu nữ Hà Nội xưa dạo phố trong tà áo dài thướt tha.

Năm 1955, sau nhiều biến động của lịch sử, ông Lê Hoàng Vũ mở cửa hàng bán đồng hồ ở phố Hàng Da, còn cô vợ tiểu thư khuê các thì thành chủ một hàng xôi chè ở gần đó, trong chợ Hàng Da. Hàng chè của bà lúc nào cũng rất đông, vì bà Thành vẫn giữ được tài nữ công gia chánh, nấu nướng khéo léo, ăn nói nhẹ nhàng như thời con gái. Bà Thành có bốn người con, trong đó có một con trai bị tật. Cuộc sống thời hậu chiến khó khăn, lại thêm cảnh đông con, nên bà Thành cũng phải bươn chải, tần tảo như bất cứ người phụ nữ nào ở Hà Nội thời đó. Bà Thành mất năm 1988, khi mới ngoài 60 tuổi.

“Hồng nhan đa truân”

Cùng với các hoa khôi, Hà Nội xưa có rất nhiều giai nhân, trong đó người ta hay bàn tán về "Hà Thành tứ mỹ" gồm: Cô Bính Hàng Đẫy, cô Nga Hàng Gai, cô Síu Cột Cờ và cô Phượng Hàng Ngang. Trong hồi ký "Những năm tháng ấy", nhà văn Vũ Ngọc Phan viết: "Năm tôi 13… cô Phượng người tầm thước có đôi mắt bồ câu long lanh mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười, khuôn mặt trái xoan quyến rũ giống như diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich thời bấy giờ. Cô Phượng ăn mặc rất nền, như phụ nữ Hà Nội thời xưa, khi thì chít khăn nhiễu tam giang khi thì chít khăn nhiễu nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc…". Là người tài hoa, yêu văn thơ, việc cô Phượng bỗng bỏ chồng trốn nhà đi theo nhà báo Hoàng Tích Chu, đã gây nên bão tố đàm tiếu ở Hà Thành thời ấy.

Khác hẳn với cô Phượng, cuộc sống của giai nhân Đỗ Thị Bính có phần bình dị hơn. Cô là con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nổi tiếng về thầu khoán. Lớn lên trong nhung lụa nhưng Đỗ Thị Bính nền nã đã làm trái tim của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh) rung động. Đỗ Thị Bính cũng biết nhà thơ trẻ có tình ý với mình nhưng không có duyên với nhau và Nguyễn Nhược Pháp mệnh bạc đã ra đi ở tuổi 24.

Giai nhân Đỗ Thị Bính đã kết hôn với kỹ sư Bùi Tường Viên (em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu) du học ở Pháp về. Năm 1947, đi tản cư cùng gia đình, được bác sĩ Bùi Xuân Tám (em ruột họa sĩ Bùi Xuân Phái) dạy cho cách tiêm thuốc chống sốt rét, cô Bính đã tiêm cho rất nhiều người, cứu họ thoát khỏi cơn sốt rét hiểm nghèo. Sau 1954, giai nhân Bính công tác tại Phòng Giáo dục khu Hai Bà Trưng và nghỉ hưu năm 1970.

Hà Nội còn có hai giai nhân nổi tiếng cuối những năm 1930 và đầu 1940 là Ái Liên (sau là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng) và Lý Lệ Hà. Ái Liên có khuôn mặt đẹp và sang trọng, vì thế họa sĩ Cát Tường đã mời cô quảng bá áo dài Lemur do ông sáng tạo. Còn Lý Lệ Hà là người mẫu cho hiệu áo dài Marie Nghi Xương (phố Nhà Thờ), sau đó trở thành người tình của Vua Bảo Đại.

Đọc thêm