Theo bác sĩ Đoàn Anh Tú - Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thừa cân và béo phì gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống về thể chất và tâm lý của người bệnh cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội. Đặc biệt, béo phì gây ra một số hậu quả không mong muốn như đái tháo đường, tim mạch, thoái hóa khớp, vô sinh, ung thư…
Về bệnh đái tháo đường, theo số liệu của tổ chức y tế thế giới có tới 87% người bệnh đái tháo đường bị thừa cân và béo phì. Những trẻ vị thành niên bị béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường khi trưởng thành. Một nghiên cứu cho thấy những người bệnh tăng cân 8 - 10kg thì nguy cơ đái tháo đường là tăng 2,7 lần.
Thừa cân và béo phì có mối liên hệ mật thiết với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, suy tim. Nhiều nghiên cứu cho thấy 78% người bệnh nam giới và 60% người bệnh nữ giới cao huyết áp đều có cân nặng ở mức thừa cân hoặc béo phì. Chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên 5 đơn vị làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp tăng lên 1,5 lần và vòng bụng tăng lên 10cm làm tăng nguy cơ cao huyết áp lên 1,25 lần.
Về thoái hóa khớp, người bệnh béo phì có nguy cơ thoái hóa khớp háng và phải phẫu thuật thay khớp tăng gấp 1,12 lần so với các người bệnh có thể trọng bình thường.
|
Phân loại béo phì của WHO dựa vào BMI cho người châu Á. |
Ngoài ra béo phì làm tăng tỷ lệ vô sinh ở nữ giới. Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ là do thay đổi chức năng của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng. Béo phì làm tăng insulin máu do đó có liên quan mật thiết với cơ chế bệnh sinh của buồng trứng đa nang. Bên cạnh đó béo phì làm giảm nồng độ testosterone trong máu ở nam giới qua đó làm tăng tỷ lệ rối loạn cương dương và vô sinh ở nam, giảm số lượng và chất lượng của tinh trùng.
Một trong các hậu quả khác của béo phì là ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Họ bị phân biệt, kỳ thị về cân nặng dẫn đến tổn hại về thể chất và tâm lý. Bên cạnh đó thì béo phì làm tăng nguy cơ các bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư thực quản và tăng nguy cơ tử vong hơn.
Không chỉ gây tác động lên cá nhân bị thừa cân và béo phì mà nó còn ảnh hưởng tới kinh tế xã hội vì phải dành chi phí cho việc điều trị bệnh và các bệnh liên quan, gián tiếp giảm năng suất lao động do bệnh lý kèm theo và cảm giác không thoải mái trong cuộc sống như bức bối về mùa hè, tê buốt chân tay… làm giảm hiệu suất lao động.
Trên thế giới hiện nay có 2,1 tỷ người bị thừa cân và béo phì, chiếm trên 30% dân số.
Với mức độ gia tăng như hiện tại, vào năm 2030 sẽ có khoảng 50% dân số thế giới bị thừa cân và béo phì. Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân và béo phì ngày càng có xu hướng trẻ hóa, hiện nay có 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị xếp loại béo phì và 340 triệu trẻ vị thành niên trên toàn thế giới bị béo phì.
Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân và bệnh béo phì cũng đang ngày một gia tăng, theo số liệu của viện dinh dưỡng tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành hiện nay là 6,6%.