Những hệ lụy phía sau lệnh cấm dạy thêm ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, Trung Quốc ban hành quy đình cấm dạy thêm có trả phí, nhằm  giảm gánh nặng bài tập về nhà của học sinh tiểu học và trung học cơ sở do đào tạo ngoại khóa, được gọi tắt là chính sách “hai giảm”. Từ đó, giảm áp lực nuôi dạy con đối với cha mẹ, đẩy mạnh việc tăng tỉ lệ sinh. Chính sách này cũng hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Cấm dạy thêm nhằm giảm áp lực cho cả học sinh và cha mẹ. Ảnh minh họa
Cấm dạy thêm nhằm giảm áp lực cho cả học sinh và cha mẹ. Ảnh minh họa

Nhằm giảm áp lực cho cả học sinh và cha mẹ

Theo Foreign Policy, việc chính quyền Trung Quốc siết chặt ngành giáo dục vì lợi nhuận này là một phần trong những nỗ lực nhằm chấn chỉnh hoạt động dạy thêm ngoài giờ đang tràn lan, giảm bớt sức ép học hành cho trẻ em.

Tại Trung Quốc, giáo dục tập trung vào gaokao – kỳ thi tuyển sinh đại học quan trọng mỗi năm. Các bậc cha mẹ có thể chi hàng nghìn USD mỗi năm cho việc học thêm để giúp con họ vượt qua kỳ thi này. Căng thẳng và áp lực đè nặng lên cả phụ huynh và học sinh.

Có đến hơn 75% học sinh K-12 (từ 6 tới 18 tuổi) đều tham gia học thêm sau giờ học chính khóa tại trường năm 2016, theo số liệu gần nhất của Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc. Nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ này đã tăng lên trong những năm gần đây.

Những con số này cũng có thể lý giải nguyên nhân tại sao các quan chức chính phủ các cấp Trung Quốc áp dụng các quy định cấm nhồi nhét chương trình học và nỗ lực khuyến khích các sở thích cá nhân cũng như các hoạt động văn hóa sau giờ học.

Ngoài việc bảo vệ học sinh và cha mẹ khỏi căng thẳng, Bắc Kinh coi những quy định mới này là động lực giúp giảm gánh nặng chi phí để các cặp vợ chồng sinh thêm con trong bối cảnh tỷ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc đang suy giảm nhanh chóng.

Hiện nay, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ tại thành thị Trung Quốc, trong đó giáo dục chiếm phần lớn khiến nhiều bậc cha mẹ nản lòng. Theo một báo cáo của một tổ chức nghiên cứu nhà nước Trung Quốc, chi phí cho một gia đình bình thường nuôi dạy con tăng từ 490.000 nhân dân tệ (76.000 USD) vào năm 2005 lên gần 2 triệu tệ trong năm 2020.

Cũng theo Foreign Policy, quy định cấm dạy thêm cũng nhằm làm giảm áp lực chi phí giáo dục cho các gia đình để khuyến khích tăng tỷ lệ sinh con. “Các quy định mới sẽ nghiêm khắc hơn dự kiến. Ngành công nghiệp dạy thêm nên chuẩn bị đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất”, một nguồn tin thân cận với cơ quan soạn thảo luật từng cho hay.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2020 mới công bố hồi tháng trước, dân số Trung Quốc từ năm 2010 tới 2020 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về dân số già hóa và thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai.

Bên cạnh đó giới phân tích cũng cho rằng, các động thái mới này cũng giống như “cuộc trấn áp” của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ và các doanh nghiệp độc quyền. Những biện pháp mới được áp dụng này cũng cho thấy một thực tế tại Trung Quốc rằng lĩnh vực dạy thêm tư nhân gây tác động xấu đối với phụ huynh và trẻ em ở thành thị, cả về chi phí cho học sinh cũng như tác động tâm lý xấu đối với trẻ em.

Ngay sau đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng tuyên bố trên trang web rằng họ cũng sẽ xử lý các giáo viên nhận hối lộ bất hợp pháp, và “không khoan nhượng” đối với những giáo viên “chỉ dạy nghiêm túc ngoài giờ chứ không phải trong giờ học”.

“Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng khác cũng như sử dụng nhiều phương tiện để phát hiện và truy quét hoạt động bất hợp pháp này với những cái tên như dạy một thầy một trò, dịch vụ giúp việc gia đình cao cấp, dạy thêm huy động vốn cộng đồng và dạy trực tiếp”, một quan chức tại bộ phận giám sát đào tạo sau giờ học phát biểu tại một cuộc họp báo.

Ông cho hay cơ quan chức năng nắm rõ tình trạng tìm người dạy thêm ở “chợ đen” xuất hiện tại Trung Quốc sau khi chính phủ đóng cửa các cơ sở dạy thêm vào tháng 7. “Chúng tôi sẽ kiên quyết trừng phạt những hành vi vi phạm ngấm ngầm đó”, quan chức này nhấn mạnh.

Một vài chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã khuyến khích người tố giác hành vi dạy thêm bất hợp pháp. Người “thổi còi” sẽ được thưởng hàng trăm nhân dân tệ. Đầu tháng này, cơ quan quản lý giáo dục ở An Huy đã xử phạt một giáo viên trung học vì dạy kèm học sinh tại nhà riêng trong kỳ nghỉ hè. Các khoản tiền thưởng của thầy giáo này sẽ bị cắt bỏ

Bắc Kinh tuyên bố họ đã đóng cửa hơn 90% các trung tâm dạy thêm bất hợp pháp. Ôn Châu thuộc tỉnh Triết Giang đóng cửa 30 cơ sở đào tạo ngoài khuôn viên trường trong vòng hai tuần, Tuy Hóa thuộc tỉnh Hắc Long Giang đóng cửa khẩn cấp 27 cơ sở sau khi điều tra, Tri Bác thuộc tỉnh Sơn Đông cũng đóng cửa 37 cơ sở đào tạo…

Mất tiền mất việc

Mặc dù lệnh cấm dạy thêm nhận được người dân ủng hộ rộng rãi, song cũng gây ra ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 2 nghìn tỷ yuan cùng khoảng 10 triệu lao động.

Khi tình hình thu nhập sụt giảm mạnh, hoạt động bị hạn chế, các trung tâm dạy thêm bắt đầu cắt giảm số lượng nhân viên. Theo Sixth Tone, hàng trăm nghìn người làm việc trong ngành này đã mất việc vào đầu tháng 8 vừa qua. Nhiều lao động trong số đó là sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, nhóm đối tượng vốn phải đối diện với thị trường việc làm ít cơ hội ở Trung Quốc.

Khi được nhận vào vị trí trợ giảng tiếng Anh cho tập đoàn New Oriental chi nhánh Trung Quốc tại Ôn Châu, Xu Lingling (25 tuổi) nghĩ rằng tương lai của cô đã ổn định. Tuy khá vất vả nhưng Xu vẫn theo đuổi công việc này, một phần bởi nó đem lại mức lương hấp dẫn và có vẻ “ổn định”. New Oriental là công ty niêm yết tại Mỹ, có định giá hàng tỷ USD và Xu dự định sẽ làm việc ở đó trong vài năm.

Tuy nhiên, mọi kế hoạch của cô đã sụp đổ khi Chính phủ Trung Quốc quyết định cấm dạy thêm vì cho rằng ngành này đang thúc đẩy cuộc chạy đua giáo dục không lành mạnh. Các lớp học thêm vào buổi tối và cuối tuần đều bị cấm. Các công ty giáo dục không được mở trung tâm mới hay huy động vốn.

Từ tháng 1/2022, tất cả hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận sẽ bị coi là bất hợp pháp. Điều đó nhanh chóng đẩy New Oriental vào vòng xoáy “tử thần”. Xu Lingling bị cắt giảm giờ dạy từ 11 buổi/tuần xuống 3 buổi. Gần một nửa trong số 60 giáo viên tiếng Anh đã rời công ty. Những người khác bị giảm thu nhập xuống còn 2.3000 nhân dân tệ (khoảng 360 USD)/tháng. Đến ngày 29/9, Xu nhận thông báo từ người quản lý rằng cô đã bị sa thải. Giờ đây, cô rơi vào cảnh thất nghiệp trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng khó khăn.

Không chỉ lao động trong ngành dạy thêm chịu ảnh hưởng, khi nhiều công ty đột ngột đóng cửa, các bậc phụ huynh bỗng dưng mất trắng hàng tỷ nhân dân tệ học phí trả trước. Đầu tháng trước, hàng nghìn bậc cha mẹ đã có mặt bên ngoài các cơ sở của công ty OneSmart để đòi học phí sau khi nơi này đột ngột đóng cửa chỉ sau 1 đêm.

Một bà mẹ ở Thượng Hải cho biết: “Tôi biết việc lấy lại tiền gần như là không thể nhưng mong các nhà chức trách có biện pháp xử lý những công ty này. Chúng tôi chỉ là những gia đình bình thường, muốn con cái được học tốt hơn. Có gia đình phải vay tiền đóng học cho con nhưng lại mất trắng”.

Dù lệnh cấm dạy thêm nhằm ngăn các gia đình đăng ký lớp học thêm cho trẻ, song hơn 90% phụ huynh ở Thượng Hải và Bắc Kinh vẫn muốn con họ tiếp tục được học thêm sau khi tan trường. Họ lo lắng con cái của họ sẽ bị tụt lại phía sau và cũng muốn cho con học thêm bất hợp pháp để theo kịp. Do đó, bất chấp quy định, một số gia đình đã cố tìm cách lách luật, tiếp tục thuê gia sư riêng cho con.

Cải cách giáo dục để giảm nhu cầu học thêm

Tuy nhiên, nhu cầu học thêm vẫn còn cao đã dẫn tới nhiều trung tâm dạy thêm không được cấp phép nổi lên và nhiều giáo viên dạy thêm tiếp tục hành nghề bất chấp rủi ro. Giáo viên Jennie Shi (24 tuổi) dạy tiếng Anh cấp tiểu học tại một trung tâm dạy kèm ở Bắc Kinh khoảng 2 năm. Tuy nhiên, cô mất việc khi trung tâm dạy kèm đóng cửa hồi tháng 6.

Shi cho hay hiện cô mở một cơ sở dạy thêm không được cấp phép. “Nhiều phụ huynh đang cầu xin tôi tiếp tục dạy học vì họ không tìm người khác quen với thói quen học tập của con họ”, cô Shi chia sẻ với Đài NBC News. Cô thu học phí tới 30 USD/giờ, so với mức phí 12 USD/giờ từ các trung tâm, nhưng cô khẳng định “phụ huynh không bao giờ than phiền về mức giá đó”.

Ding Qi, một bà mẹ đến từ Thượng Hải, đã bắt đầu sử dụng nền tảng học tiếng Anh không có giấy phép sau khi công ty gia sư ban đầu đóng cửa hồi tháng 8. Với mức phí 600 nhân dân tệ, phụ huynh có thể tham gia nhóm chat của nền tảng này trong vòng 3 tháng, nhận tài liệu học tập do công ty đăng lên mỗi ngày.

Hay Michelle Su đến từ Thượng Hải gửi cậu con trai lớp 8 của mình đến nhà 2 gia sư vào cuối tuần để tham gia các lớp học tiếng Anh và Vật lý. Mặc dù điều này vi phạm lệnh cấm dạy thêm vào cuối tuần của chính phủ, Su cho biết bà không quan tâm. “Chừng nào còn zhongkao và gaokao, kế hoạch của tôi để giúp con trai phát triển trong học tập sẽ không thay đổi”, chị Su nói.

Theo một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc nói rằng rất khó để xóa sạch nạn dạy thêm trái phép bằng các biện pháp như hiện nay. “Các trung tâm sẽ nghĩ ra nhiều cách khác nhau để tiếp tục hoạt động mà không bị phát hiện. Theo tôi, chìa khóa để thực hiện mục tiêu ‘giảm kép’ là cải cách hệ thống giáo dục cũng như giảm nhu cầu cơ bản về học thêm”, nhà nghiên cứu này cho hay.

Đọc thêm