6 đánh 1
Vụ án xảy ra vào một đêm tháng 10/2015. Vũ Phạm Quốc Dũng (27 tuổi) và Nguyễn Tấn Tài (17 tuổi) đang ngồi chơi tại một công viên trong thành phố thì bị hai thanh niên lạ đuổi đánh. Dũng và Tài chạy thoát, về kể với Bùi Nhật Khánh (24 tuổi), tỏ ý nghi ngờ hai thanh niên lạ mặt đuổi đánh mình là do anh Phan Bảo Ân (SN 1972, ngụ TP Huế) gọi đánh.
Sau khi nghe kể, Khánh rủ thêm Hoàng Quốc Nam (19 tuổi), Nguyễn Ngọc Dũng (19 tuổi) và Nguyễn Văn Quý (19 tuổi, đều ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng đi tìm anh Ân trả thù. Cả nhóm lên xe chạy về cầu chợ Dinh thì dừng lại. Quý dẫn Nam vào nhà mình lấy hai con dao (loại dùng để cắt chuối) và một cái xẻng.
Sau đó, Khánh chở Quốc, Dũng cầm dao, Quý chở Nam cầm dao, Tài chở Ngọc Dũng cầm xẻng đi tìm đối phương. Đến một ngã ba ở đường Lê Lợi, Khánh phát hiện anh Ân đang ngồi uống nước với vợ ở quán nước ven đường nên la lớn cho đồng bọn biết.
Bị tấn công, anh Ân bỏ chạy lên đường Lê Lợi thì Nam đuổi kịp chém trúng lưng. Nạn nhân hốt hoảng chạy vào công viên gần đó. Nam tiếp tục đuổi theo, chém liên tiếp. Nạn nhân chạy ngược lại ra đường lại bị Ngọc Dũng đón đầu dùng xẻng đánh.
Các đối tượng còn lại đứng bên ngoài hò hét hỗ trợ. Phải đến khi người đi đường hô hoán, nhóm này mới lên xe bỏ chạy. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não, đa chấn thương, tỷ lệ thương tật 18%.
Ngày 26/7/2016, TAND TP Huế mở phiên xét xử 6 bị cáo trên về tội “Cố ý gây thương tích”. Đứng trước vành móng ngựa, cả 6 bị cáo đều cúi thấp đầu, chỉ lý nhí trả lời khi tòa hỏi. Ai nấy đều tỏ vẻ hiền khô, sự hung đồ “bay sạch” khi đứng trước HĐXX.
Trong các bị cáo, Khánh và Quốc Dũng đã có tiền án, tiền sự. Khánh từng ba lần ngồi tù về tội “Trộm cắp tài sản”, “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” và “Cố ý gây thương tích”. Quốc Dũng nhiều “thành tích” hơn, 5 lần ngồi tù vì các tội “Trộm cắp tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản” và “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Tòa hỏi bị cáo Khánh: “Bị cáo có quen biết gì với anh Ân không?”. “Dạ, không”. “Bị cáo có mâu thuẫn gì với anh Ân không?”. “Dạ, không”. “Bị cáo có biết những bị cáo khác có mâu thuẫn gì với anh Ân không?”. “Dạ, không”. “Không quen biết, không mâu thuẫn, sao bị cáo lại hăng hái lôi kéo mọi người đi đánh người ta?”. Khánh cúi đầu nín thinh.
“Bị cáo còn vợ con, cha mẹ. Bị cáo cần phải biết phấn đấu, rèn luyện, sống cho thật tốt, để còn làm chỗ dựa cho vợ con mình, sau này còn chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ già. Đời người ngắn lắm, đâu thể cứ phung phí hết ngày này tháng nọ, cứ trượt dài trong những sai lầm”, vị chủ tọa nói.
Bên dưới khán phòng, vợ bị cáo Khánh đưa mắt nhìn chồng, gương mặt buồn hiu hắt.
Tại tòa, bị hại cho biết trước đây từng có mâu thuẫn với Quốc Dũng trong công việc, nhưng không hay biết gì về hai thanh niên lạ mặt đuổi đánh Quốc Dũng và Tài hôm đó.
Tòa lại hỏi bị cáo Quốc Dũng: “Giờ bị cáo đã xác định được hai thanh niên lạ mặt hôm đó có liên quan đến anh Ân hay không?”. Dũng lí nhí: “Không”. “Bây giờ đứng ở đây, bị cáo có biết vì sao lại xảy ra vụ án như hôm nay không? Đó là do chính sai lầm của bị cáo. Chính bị cáo và bị cáo Tài, không biết chính xác vụ việc, lại về nói năng lung tung, nên mới xảy ra cơ sự”.
Vị chủ tọa còn nói: “3 người đánh 1 người, đã dư sức khống chế. Đằng này các bị cáo có đến 6 người, lực lưỡng như thế thì dư sức khống chế 1 người, sao còn phải mang theo hung khí?”.
“Ăn không ngồi rồi” gây họa
Vị hội thẩm tham gia xét hỏi, giọng nghiêm khắc: “Cả 6 bị cáo trong vụ án, từ người lớn tuổi nhất, cho đến người nhỏ tuổi nhất, đều không ai có nghề nghiệp. Tất cả đều bỏ học giữa chừng, suốt ngày lêu lổng, như vậy sao mà thành người được? Các bị cáo phải xác định lại cuộc đời mình, nếu không học văn hóa được, thì đi học nghề. Nếu suốt ngày ăn không ngồi rồi thì đường đến vành móng ngựa rất gần”.
Ngồi bên dưới, mẹ một bị cáo phân bua, bảo con trai mình “sao “ngu” thế, đang đi học nghề sửa xe thì khai đi học nghề sửa xe đi, sao lại nói không nghề nghiệp, để ra đây bị mắng vốn”.
Bà nói do nhà nghèo, chồng mất sớm, một mình bà chật vật mãi mới nuôi nổi 6 đứa con. Gia cảnh khó khăn, con trai học hành chẳng giỏi giang gì, leo được vào cấp hai thì nghỉ học ở nhà. Sợ con rảnh rỗi theo bạn theo bè, nên một thời gian sau, bà cho con đi học sửa xe.
Học được mấy năm, nghề còn chưa cứng, thì ông thầy “dở chứng” bỏ tiệm vào chùa quy y. Con trai bà lại khăn gói về nhà. Bà mới tìm được thầy mới cho con theo học thì con gây chuyện.
“Tụi nó lên đứng đó, cái gì cũng bảo “dạ, không”, “dạ, không”, chứ tui thì lạ gì. Thằng Ân với thằng Khánh, là trùm của hai băng giang hồ, chuyên cho vay với bảo kê. Tụi nó đánh nhau, chẳng qua cũng vì giành giật nhau đất làm ăn. Con tui nhỏ dại không biết gì, tự dưng đêm đó chạy theo cho mang họa”, bà đay nghiến.
Người phụ nữ kế bên thì than thở, chị có chồng mà cũng như không. Chồng bỏ đi, chị một nách bốn đứa con, làm thuê làm mướn đủ cả mới nuôi nổi 5 miệng ăn. Cả nhà còn phải chạy ăn từng bữa nên khi con trai gây chuyện cũng không kiếm đâu ra 2 triệu tiền bồi thường. Vừa kể chuyện nhà, chị vừa thất thần nhìn lên vành móng ngựa. Nơi đó, con trai và em trai chị đang đứng cúi đầu.
Chị kể mình có đến 8 chị em. Cha mẹ mất sớm nên chị em phải nương náu dưới vòng tay của người dì ruột. Thương các cháu mồ côi, người dì ở vậy nuôi đàn cháu. Hết lòng với cháu, tuổi xuân cũng bay mất, không chồng, không con, nên với người dì, mấy đứa cháu là tất cả quý giá nhất.
Vậy mà em trai chị lại khiến bà đau đớn, buồn phiền. Một lúc hai người thân hầu tòa, nỗi phiền muộn khiến bà lão như già thêm mấy tuổi, tóc bạc thêm mấy phần.
Giờ nghị án, người thân các bị cáo lỉnh kỉnh mang thức ăn, nước uống vào cho con cháu mình. “Hắn nói tui mang ra. Chứ ngồi đó, hắn nuốt không vô. Thôi thì gói lại đây, chút gửi theo xe vào trại cho nó”, một người mẹ xách giỏ thức ăn quay trở lại khán phòng.
Bên ngoài hành lang, dì của bị cáo Nam lặng lẽ ngồi một góc. Kéo vạt áo lau vội giọt nước mắt vừa ứa ra, bà nói giọng nghèn nghẹn:
“Tui làm thuê làm mướn đủ cả, kiếm một ngày vài ba đồng lo cho tụi hắn. Rứa mà hắn mô có biết thương tui. Chứ nếu có thương, thì mô có ra đứng đây như hôm nay”. Rồi bà bảo người thân đi cùng, đợt này về nhà, chắc phải cố vay mượn cho bằng được tiền để còn bồi thường cho người ta, bởi nếu không bồi thường thì mãi mãi hai người cháu của bà sẽ không được xóa án tích.
Dù không trực tiếp gây án, nhưng bị cáo Khánh là người khởi xướng, lại chịu thêm tình tiết tăng nặng vì xúi giục người chưa thành niên phạm tội, nên phải chịu mức án 2 năm 9 tháng tù. Bị cáo Tài và Quý khi gây án chưa thành niên, và chỉ giúp sức tinh thần, nên cùng nhận mức án 1 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nam và bị cáo Ngọc Dũng tuy cùng nhau trực tiếp gây án, nhưng Nam có nhân thân tốt, được nhận mức án nhẹ hơn, 2 năm 3 tháng. Quốc Dũng có nhân thân xấu, nên cùng Ngọc Dũng nhận mức án 2 năm 6 tháng tù.