Tỉnh Hoà Bình đã bám sát chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, triển khai Chiến lược Quốc gia về PCTN và Công ước Liên hợp quốc về PCTN.
Mỗi năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập tổ công tác đánh giá PCTN, tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định, kết quả đánh giá công tác PCTN hàng năm của tỉnh Hoà Bình đã được Thanh tra Chính phủ ghi nhận và đạt điểm số cao qua các kỳ đánh giá công tác PCTN từ năm 2019 đến nay. Tỉnh Hoà Bình còn chỉ đạo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đến cấp huyện, đây cũng là điểm sáng của cả nước.
Thanh tra tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, kiến nghị phản ánh về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Ảnh: hoabinh.gov.vn |
Hoạt động giám sát công tác PCTN, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN cũng được tỉnh Hoà Bình đặc biệt chú trọng. Trong giai đoạn từ 01/07/2019 đến 30/6/2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo toàn ngành thanh tra tỉnh Hoà Bình tiến hành thanh tra, kiểm tra 262 cuộc thanh tra, với 339 đơn vị (đã ban hành kết luận 254 cuộc, chưa ban hành kết luận 8 cuộc) về trách nhiệm thực hiện Luật PCTN, qua thanh tra đã phát hiện nhiều đơn vị để xảy ra sai sót trong công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN; công khai, minh bạch trong quản lý tài sản công, quản lý ngân sách nhà nước… Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác PCTN trên địa bàn.
Hàng năm UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung phải công khai qua các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Các văn bản được công khai trên các trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các huyện, thành phố, sở, ngành. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện công khai các văn bản liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của cơ quan, đơn vị.
Hàng năm, xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Kết quả cụ thể từ năm 2019 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 2.474 công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh triển khai các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập hàng năm theo quy định. Trong kỳ báo cáo, tỉnh Hoà Bình có tổng số 36.739 lượt người phải kê khai tài sản, thu nhập. Thanh tra tỉnh đã xác minh tài sản thu nhập đối với 202 người được bốc thăm ngẫu nhiên, đã ban hành kết luận xác minh đối với 108 người, qua xác minh chưa phát hiện có trường hợp kê khai không trung thực.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hoà Bình khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can nguyên cán bộ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Cao Phong tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ảnh: Công an tỉnh Hoà Bình |
Trong giai đoạn báo cáo 5 năm 2019-2024, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, toàn ngành Thanh tra tỉnh Hoà Bình đã tiến hành đã triển khai 366 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổng sai phạm về kinh tế phát hiện qua thanh tra là 80.696 triệu đồng, sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản như tính sai dự toán, thi công thiếu khối lượng, tính sai nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai; doanh nghiệp kê khai thiếu tiền thuế, chi ngân sách sai nguồn… Trong đó, các đơn vị kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 33.519 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác 47.177 triệu đồng, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của 313 tập thể, 918 cá nhân, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 73 đơn vị.
Qua quá trình thanh tra đã phát hiện 11 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.