Những liệt sĩ thời bình quên mình cứu dân

(PLVN) - Trong những khó khăn do thiên tai và bão lũ của bão số 3, tình quân dân lại một lần nữa tỏa sáng, thể hiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Để có thể bảo vệ an toàn cho người dân, cán bộ, chiến sĩ thời bình đã anh dũng hy sinh, ra đi với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Cán bộ, chiến sĩ không chùn bước trước gian khó, hiểm nguy. (Ảnh: Sư đoàn 316 (Quân khu 2) - Nguồn: QĐND)
Cán bộ, chiến sĩ không chùn bước trước gian khó, hiểm nguy. (Ảnh: Sư đoàn 316 (Quân khu 2) - Nguồn: QĐND)

Mệnh lệnh từ trái tim

Thiên tai luôn là thử thách lớn đối với con người và cơn bão số 3 vừa qua cũng không ngoại lệ. Là cơn bão lịch sử đổ bộ vào Việt Nam, lần đầu tiên có cơn bão giật cấp 15, có lúc giật cấp 17, vượt quá sức chịu đựng của các cơ sở hạ tầng, dẫn tới thảm họa trên diện rộng, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tại miền Bắc.

Nhiều tỉnh, thành chịu thiệt hại nặng nề, từ tổn thất về con người đến tài sản. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu, cây cối bị bật gốc, hệ thống giao thông bị cắt đứt, gây khó khăn trong việc cứu trợ và khắc phục. Gây tổn hại trên diện rộng cho nông nghiệp khi hơn 200.000ha lúa, hơn 50.000ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, gần 62.000ha cây ăn quả bị hư hại; hơn 3.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 30.000 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi. Cơ sở hạ tầng cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Trước bối cảnh gian khó vì thiên tai, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư từ khắp mọi miền đất nước đã về hỗ trợ người dân vùng lũ. Sát cánh bên những người dân trong những thời khắc này, trong số các lực lượng luôn có màu áo xanh của những cán bộ, chiến sĩ đã không ngại khó, ngại khổ, không quản ngại nguy hiểm, tính mạng của bản thân, sẵn sàng xung trận vào vùng “rốn lũ” để hỗ trợ Nhân dân, theo phương châm “giúp dân là mệnh lệnh trái tim Bộ đội Cụ Hồ”. Sự hiện diện của các cán bộ, chiến sĩ đã mang lại niềm hy vọng cho những người dân đang gặp khó khăn. Ở thời điểm đó, họ không chỉ là đội ngũ cứu hộ, cứu nạn mà còn là những người hùng thầm lặng, dũng cảm đối mặt với thử thách để bảo vệ sinh mạng đồng bào.

Theo Bộ Quốc phòng, để ứng phó với cơn bão, quân đội đã huy động một lực lượng mạnh mẽ với 458.000 cán bộ và chiến sĩ, cùng hơn 5.320 phương tiện chuyên dụng như ô tô, xe đặc chủng và tàu thuyền. Trong số đó, 143.700 cán bộ và chiến sĩ từ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ đã được điều động để tổ chức trực và sẵn sàng ứng phó. Trong những ngày mưa bão cuồng phong, đội ngũ này đã thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu thiệt hại và cứu hộ người dân như sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, tổ chức tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa.

Không phụ công lao, những nỗ lực của cán bộ và chiến sĩ trong công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả đã mang lại nhiều thành tựu lớn. Cụ thể, quân đội đã phát thông báo kêu gọi 51.000 tàu thuyền với gần 220.000 người di chuyển đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, các hoạt động gia cố đê điều và xử lý sạt lở được thực hiện trên tổng diện tích 21.297m2. Hơn 96.000 hộ gia đình, với gần 375.000 người, đã được di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, 870 người đã được cứu hộ thành công và 175 thi thể được tìm thấy và bàn giao cho các địa phương.

Sau cơn bão số 3, lực lượng quân đội và công an còn để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về tinh thần tận tâm, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc và Nhân dân. Trong dòng nước lũ cuồn cuộn, hình ảnh một chiến sĩ trong bộ quân phục ướt đẫm, ôm chặt em bé trong tay đã khiến nhiều người cảm động. Hay hình ảnh những người lính lấm lem bùn đất, dầm mình giữa dòng lũ, chênh vênh trên những chiếc xuồng phao, bất chấp hiểm nguy để cứu giúp người dân vùng lũ. Những bữa cơm ăn vội, những giây phút chợp mắt trên đống đổ nát hay việc sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho dân đều là những hình ảnh, những hành động vô cùng trân quý của cán bộ, chiến sĩ.

Vô số những hình ảnh ý nghĩa đó không chỉ cho thấy khát khao giúp đỡ đồng bào mà còn thể hiện tình thương yêu vô bờ cùng sự dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy của những người cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, điều này khẳng định tinh thần trách nhiệm và vai trò quan trọng của lực lượng Quân đội, Công an trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, chứng minh họ là “đội quân công tác” trong thời bình.

“Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

Trên hành trình thực hiện nhiệm vụ trong cơn bão số 3, có rất nhiều chiến sĩ đã dũng cảm lao mình vào bão lũ, để có thể hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí nhiều người đã hy sinh hoặc bị thương. Có những người chiến sĩ đã ra đi mãi mãi khi cố gắng cứu đồng đội, có người hy sinh khi ngăn chặn lũ quét hay khi hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.

Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Trung tá Trần Quốc Hoàng, Trung tá Tăng Bá Hưng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ trong cơn bão số 3. (Từ trái qua)

Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Trung tá Trần Quốc Hoàng, Trung tá Tăng Bá Hưng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ trong cơn bão số 3. (Từ trái qua)

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3, toàn tỉnh có 2 chiến sĩ hy sinh đó là Đại úy Nguyễn Đình Khiêm và Trung tá Trần Quốc Hoàng. Vào sáng ngày 7/9, Đại úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn Công binh 513 đã dũng cảm hy sinh vì đồng đội khi đang tham gia tổ công tác cơ động đi giúp Nhân dân chằng chống nhà cửa. Trên đường về sau khi lấy vật liệu, thấy đồng đội trượt chân, có thể bị cây đè lên người gây nguy hiểm, Thượng úy Khiêm lao vào đỡ và bị ngã. Dù đồng đội đã kịp thời đưa đồng chí Khiêm vào Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu để cấp cứu nhưng đến khoảng 17 giờ 20 phút cùng ngày, đồng chí Khiêm đã tử vong.

Hoàn cảnh của Đại úy Nguyễn Đình Khiêm còn khiến nhiều người không khỏi xót xa, thương tiếc khi đồng chí chỉ mới kết hôn gần 1 năm. Trên trang cá nhân của chị H - vợ của Đại úy Nguyễn Đình Khiêm đã có những bài đăng chia sẻ khiến cư dân mạng không cầm được nước mắt. Nghẹn ngào, nén nỗi đau, chị H viết trên trang cá nhân: “Không phải em không khoe ảnh vợ chồng mình, mà chỉ là em thích giữ cho em thôi ạ. Vợ tự hào khi là vợ của chồng, một người chiến sĩ đúng như câu nói “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, hết mình vì nhiệm vụ, hết lòng vì đồng đội”. Trước đó, chị H cũng bày tỏ khiến nhiều người rưng rưng xúc động: “Đời em, chỉ có anh là chồng, không bao giờ có người thứ hai. Em sẽ đi đón anh về”.

Cũng trong ngày 7/9, Trung tá Trần Quốc Hoàng (sinh năm 1987) cán bộ Trại giam Quảng Ninh được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho trại giam đã dũng cảm vượt mưa gió, mở cổng tháo nước, bảo đảm an toàn cho tất cả các đồng đội và phạm nhân. Thế nhưng, nước dâng quá lớn, dòng nước chảy xiết, sau khi mở cổng đồng chí đã bị lũ cuốn đi. Sau khi sự việc xảy ra, Trại giam Quảng Ninh cùng lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến khắc nghiệt ảnh hưởng đến công tác cứu nạn. Đến 11 giờ 30 phút ngày 8/9, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của Trung tá Trần Quốc Hoàng tại khu vực bờ suối thôn Đồng Vải, cách đơn vị anh công tác khoảng 1km.

Còn tại Hải Phòng, sau khi cơn bão số 3 đi qua gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, ngày 11/9 Lữ đoàn 653 đã báo cáo cấp trên và tăng cường lực lượng, phương tiện giúp địa phương khắc phục hậu quả bão số 3 tại thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại tổ dân phố Xuân Áng, thị trấn Trường Sơn, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng (sinh năm 1978) Cục Hậu cần, Quân khu 3 đã bị điện giật. Ngay sau khi phát hiện sự việc, đồng đội và Nhân dân lập tức đưa anh vào Bệnh viện Kiến An cấp cứu nhưng đến 15 giờ 15 phút cùng ngày anh Hưng đã không qua khỏi.

Các cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để lại sau lưng sự xót thương vô tận của gia đình, đồng nghiệp và tất cả người dân Việt Nam. Rất nhiều lời chia buồn được gửi đến với gia đình của các chiến sĩ, nhiều người bày tỏ sự biết ơn trước công lao “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của đồng chí. Dù bão lũ rồi sẽ qua đi, nhưng chắc chắn chúng ta mãi mãi không quên và không được phép quên những cống hiến, hy sinh của họ - những người lính thời bình trong cơn bão số 3.

Ngày 9/9, Chủ tịch nước Tô Lâm ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ giúp Nhân dân phòng, chống bão số 3 tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Chủ tịch nước cũng ký Quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Trung tá Trần Quốc Hoàng vì đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ trong bão Yagi.

Ngày 13/9, Chủ tịch nước Tô Lâm ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tá Tăng Bá Hưng - người hy sinh khi khắc phục hậu quả bão Yagi tại Hải Phòng.

Đọc thêm