Những “lỗ hổng”… nghẹn lòng

(PLVN) - Năm học mới vừa bắt đầu, nhưng ngay trong ngày đầu tiên đi học sau khai giảng (7/9), đã xảy ra vụ tai nạn khiến 3 học sinh tử vong tại chỗ. Tiếp đó, một học sinh tử vong vì tường sập ngay sát trường, học sinh bị thương vì quạt trần rơi, học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón… 
Làm sao để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”- không phải là khẩu hiệu.

Xưa nay, trường học vốn được xem là nơi an toàn nhất với trẻ, và mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thế nhưng liên tiếp những sự việc đau lòng đều mang tên “cơ sở vật chất” còn khó khăn…

Những sự cố học đường thương tâm đầu năm học mới này một lần nữa là hồi chuông báo động về sự cấp thiết phát hiện, ngăn ngừa và cách thức để vượt qua sự cố. Không ai muốn những sự cố đau lòng xảy ra. Nhưng trên thực tế rủi ro luôn tiềm ẩn khắp nơi, trên đường trẻ đến trường, trong lớp học, dưới sân trường, ngoài cổng trường...

Lặng người, các em đến trường và ra đi mãi mãi

Sự việc đau lòng ngay trong ngày đầu tiên đi học sau khai giảng (7/9), đã xảy ra vụ tai nạn khiến 3 học sinh tử vong tại chỗ, ngay trước cổng trường tại phân hiệu Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai).

Theo thông tin ban đầu, trong lúc chờ vào học buổi chiều, một nhóm học sinh tiểu học và mầm non rủ nhau chơi trò đu cánh cổng. Do đông học sinh đu bám, nên trụ cổng và cánh cổng bị đổ sập, đè lên người 6 học sinh, khiến 3 học sinh tử vong tại chỗ (2 cháu sinh năm 2014 là học sinh tiểu học, 1 cháu sinh năm 2015 là học sinh mầm non) và 3 học sinh khác bị thương.

Sáng 11/9, giờ ra chơi, em N.H.L., học sinh lớp 5C Trường Tiểu học Nam Lộc (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), bị tường rào nhà dân gần cổng trường đổ sập vào người, tử vong. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, bình thường, trong giờ học, cổng trường đóng, học sinh không được ra ngoài, nhưng hôm 11/9, trường mở cổng cho xe chở cây cảnh vào trong. Giờ ra chơi, em L. ra ngoài và không may gặp sự cố.

Tại Hà Nội, sự việc một học sinh 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón ngay trong ngày đầu đến trường (Trường quốc tế Gateway) năm ngoái khiến nhiều trường lo lắng, siết quy trình, tập huấn đội ngũ. Nhưng sáng 9/9, một học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn bị bỏ quên trên xe đưa đón. Cô phụ trách xe và tài xế đã bỏ qua việc kiểm tra nên để sót một học sinh ngủ trên xe.

Sau 45 phút, học sinh tỉnh dậy, thấy một mình trên xe nên tìm cách mở được cửa xe từ bên trong để đi vào trường. Trên đường vào trường, em gặp hai cô giáo và báo xe đến muộn nhưng hai cô cũng không hỏi gì thêm. Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm trả lời báo chí rằng, họ có quy trình đưa đón, kiểm tra sĩ số học sinh chặt chẽ.

Thế nhưng, em học sinh vắng mặt 45 phút, không ai rà soát, phát hiện ra. Chỉ đến 4 giờ chiều khi em học sinh về nhà, kể với gia đình thì nhà trường mới biết đến sự việc. Sau sự cố, nhà trường yêu cầu siết quy trình, đẩy giờ báo cáo sĩ số lên sớm hơn, kỷ luật những người liên quan. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ lo lắng vì theo họ, quy trình là một chuyện, nhưng người vận hành, thực hiện có làm hết trách nhiệm hay không lại là chuyện khác.

Chưa hết, ngày 11/9, hình ảnh ghi lại cảnh một nhóm học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Hưng (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) nhặt rác trên ban công tầng 2 được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Hình ảnh này gây lo lắng cho người xem về sự nguy hiểm đối với nhóm học sinh, vì tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào khi lan can không có rào che chắn.

Từ ngày 7 đến 11/9, tại huyện Bảo Thắng đã có mưa lớn, một số nơi xảy ra sạt lở đất. Tại điểm trường Cửa Cải (thuộc Trường mầm non số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải), tường một phòng học dài 8m, cao 4m bị sập hoàn toàn, khoảng 150m3 đất đá tràn vào phòng học làm đồ dùng, đồ chơi trong lớp học bị hư hại.

Ngoài ra, khoảng 50m taluy dương phía sau dãy 4 phòng học của Trường tiểu học số 2 thị trấn Nông trường Phong Hải có nguy cơ sạt lở rất cao. Tại Trường THCS số 2 Thái Niên, tường rào dài 60m bao quanh trường xây bằng gạch bêtông không nung bị sập.

Trường THCS thị trấn Phố Lu bị nứt móng, sụt lún nhà xây 2 tầng, tường bao quanh trường bị nghiêng, xuất hiện nhiều vết nứt, có nguy cơ đổ sập. Tại Trường THCS xã Bản Cầm, tường rào xây bằng gạch bêtông không nung bị đổ sập hoàn toàn. Cũng trong thời gian này, một em học sinh ngay tại TP Lào Cai bị quạt trần rơi sượt qua, rất may không quá nghiêm trọng…

Còn nhớ, năm 2018, cũng ở ở Lào Cai, vào lúc 12h20 ngày 26/3, tại điểm Trường Mã Ngan thuộc Trường Tiểu học Số 1, thị trấn Tằng Loỏng huyện Bảo Thắng, có 5 học sinh đến lớp sớm để học ca chiều.

Trong lúc chờ vào lớp học, các em đã đu lên cánh cổng trường để chơi đùa khiến cánh cổng xiêu vẹo và có nguy cơ đổ. 3 em học sinh đã may mắn nhảy ra và chạy ra ngoài khu vực nguy hiểm. Còn lại 2 em học sinh do không kịp chạy nên đã bị toàn bộ một bên cổng sắt và cây cột trụ bằng gạch đổ đè lên người.  Hậu quả, 1 em tử vong tại chỗ, 1 em bị gẫy chân và chảy máu tai…

Và cuối năm học vừa rồi một cây phượng vĩ to trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bất ngờ bị bật gốc, đè lên nhiều học sinh đã khiến nhiều em bị thương, trong đó có một em học sinh lớp 6 tử vong…

Nhiều văn bản, nhưng “khó” thực hiện?

Trở lại sự việc ba em học sinh bị tử vong gây rúng động dư luận. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các cháu bị nạn và thăm hỏi gia đình các cháu bị thương đang được chữa trị.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung chữa trị tích cực, kịp thời cho các cháu học sinh bị thương; chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau vụ tai nạn thương tâm khiến 3 em nhỏ thiệt mạng ở phân hiệu bản Phung, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học bảo đảm an toàn cho học sinh cùng nhiều văn bản, hướng dẫn khác liên quan.

 Xin đừng bắt các em lao động nguy hiểm, chênh vênh thế này. (Ảnh minh họa).

Theo đó, vài năm gần đây, trường học ở một số địa phương xảy ra tình trạng sập lan can, đổ tường rào, bong trần, tốc mái… nhất là sau những trận mưa lũ, trường học vùng khó khăn lại càng thêm nguy cơ mất an toàn với học sinh và giáo viên. Một nguyên nhân được Cục Cơ sở vật chất nêu ra là do nhiều công trình xây dựng đã quá lâu, đáng chú ý là công tác bảo trì, bảo dưỡng theo quy định đối với những công trình trường học chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều yêu cầu các địa phương rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học. Nhưng còn nhiều địa phương chưa thực hiện tốt yêu cầu, trong khi công trình trường học xây mới ở nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng.

Qua sự việc tại Lào Cai, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về bảo đảm an toàn cơ sở vật chất trường học; tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học; kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp. Đặc biệt, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.

Tính mạng con người là vô giá, phụ huynh học sinh mất con cũng như dư luận xã hội rất mong tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn ở bản Phung. Từ mất mát này, hy vọng các nhà trường, địa phương… sẽ quan tâm hơn để học sinh không phải chứng kiến và hứng chịu những nỗi đau tương tự.

Về việc học sinh bị bỏ quên trên xe ô tô, theo Công văn số 3523/BGDĐT-GDCTHSSV về tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô do Bộ GD&ĐT ban hành có ghi rõ: Nhà trường phải có trách nhiệm xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh.

Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh.

Đặc biệt, nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng xe ô tô; chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, đảm bảo trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ô tô; bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của lái xe. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp quản lý học sinh, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do.

Hiệu trưởng (hoặc người đại diện pháp luật của trường) chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh của nhà trường, về sự an toàn của học sinh. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trong việc kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ, về trách nhiệm của giáo viên, nhân viên đưa đón học sinh để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, nhằm đảm bảo an toàn đối với học sinh.

Và cần lắm, trái tim người thầy

Có thể nói, ngay khi các sự việc xảy ra, ngành Giáo dục luôn có các văn bản nhấn mạnh, chỉ đạo sát sao. Các địa phương và Hiệu trưởng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật tới đâu, cũng như người thực hiện lại là chuyện khác. Và ngay vụ sập cổng trường ở điểm trường Bản Phung (huyện Văn Bàn, Lào Cai) tuần qua, ông Vũ Kim Phúc, Hiệu trưởng nhà trường đưa ra lời giải thích cổng trường được xây dựng từ năm 2016.

Trong khi đó, ông được bổ nhiệm năm 2017 nên không giám sát được quá trình xây dựng. Cũng như đại diện lãnh đạo huyện cho rằng, ở miền núi khó khăn, những cổng trường chỉ có gạch mà không có sắt thép là bình thường. Trong khi đó, thời tiết xấu cùng với việc các em đu bám nên đã xảy ra sự cố khó lường…

Đành rằng, tại các trường, vấn đề nâng cấp, sửa chữa phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách địa phương. Nếu đặt ra yêu cầu các trường phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh là điều không ai dám chắc, bởi các trường phụ thuộc kinh phí hàng năm của địa phương. Đó là chưa kể theo quy định của Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành, các vấn đề về an toàn thiết bị, xây dựng phòng chức năng cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức.

Đơn cử khi quan sát địa thế dựng cổng trường vừa đổ, người ta thấy nó không chỉ được xây trên một thế đất dốc, mà còn xây bằng vật liệu chưa đảm bảo độ bền, chắc, thậm chí trụ cổng không có cột sắt.

Sau khi xảy ra vụ sập cổng trường ở huyện Văn Bàn, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học trong đó tập trung vào các hạng mục như cổng trường, hàng rào không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn. Trong đó yêu cầu các huyện, thị xã, TP Lào Cai kiểm tra tất cả đối với các công trình đã xây dựng, đưa vào sử dụng và đang xây dựng.

Có thể nói, Lào Cai chỉ là một tỉnh miền núi trong nhiều tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, thời tiết, địa hình khắc nghiệt. Những hậu quả khó lường có thể xảy ra ở không chỉ các vùng miền khó khăn, mà ngay ở các thành phố lớn, những sự việc đau lòng vẫn luôn xảy ra. Điều đáng nói, không chỉ khi sự việc xảy ra, bao gia đình mất con đau đớn khi những người mẹ, người cha ngã khuỵu vì mất con đột ngột, thì mới có những đợt tổng rà soát chất lượng cơ sở vật chất.

Điều đáng nói, chính là ở đâu, người thầy- người đứng đầu luôn hết lòng hết trách nhiệm tận tụy, dành tất cả trái tim và tình yêu với học trò, để tâm tới từng chi tiết nhỏ, vì sự an toàn và mỗi ngày vui tới trường của học trò mình, thì nơi đó mới có sự an toàn tối đa. Trong khi đó, vừa bước vào năm học, nghĩa là cơ sở vật chất, trường lớp bao giờ cũng được chuẩn bị sẵn sàng để đón học sinh. Nhưng khi sự việc đã xảy ra, bao giờ những quy trình kiểm định cũng đều “ bình thường”, như dây tụ quạt lỏng bên trong, nhìn mắt thường phía ngoài không thấy…

Với sự việc bé lớp 3 bị để quên trên xe,  đại diện UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên rà soát, kiểm tra hoạt động đưa đón học sinh của các trường học thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Vụ việc bỏ quên học sinh lớp 3 trên xe đưa đón là do người thực hiện bỏ sót quy trình…

Và điều đáng nói, không phải cứ sau mỗi sự việc đau lòng xảy ra mọi vấn đề lại được giải quyết theo hướng tàn phá  cây phượng như hồi tháng 6 vừa qua. Cũng như không vì cổng trường đổ mà không cần có cổng trường... Tất cả sự cố sẽ không diễn ra nếu như trong mỗi ngôi trường ấy là những người thầy, những nhân viên tỉ mỉ với công việc của mình… 

Trên trang cá nhân, một chuyên gia giáo dục chia sẻ một kỷ niệm: “Gần 10 năm trôi qua tôi vẫn không quên hình ảnh người lao công già tỉ mẩn lau từng khe cửa, săm soi từng chiếc bản lề cửa sổ, cửa ra vào của lớp học ở một ngôi trường Nhật Bản. Hình ảnh đó lại hiện về rõ mồn một khi một loạt sự cố đau lòng xảy ra ở nước ta khiến học sinh qua đời vào những ngày đầu năm học mới. Năm đó, đến Tokyo, chúng tôi được đi thăm một trường học của Nhật.

Điều khiến tôi ấn tượng nhất không phải là trường lớp hoành tráng, nề nếp quy củ, không khí học tập hào hứng say mê, mà là người lao công già. Bà lau sàn nhà sạch tới mức có thể soi gương được, mặt bàn của học sinh sáng bóng. Đáng nói nhất là bà soi từng chiếc bản lề cửa sổ, cửa ra vào vì như bà nói: “Lỡ xảy ra động đất hoặc bỗng dưng có chiếc bản lề bị gãy, cánh cửa rơi xuống bãi cỏ dưới kia đúng lúc học sinh đang vui chơi thì không biết điều gì sẽ xảy ra”.

Tôi hỏi tại sao bà chăm chút tỉ mỉ như vậy hằng ngày, bà điềm nhiên cho biết đó là vì trách nhiệm và tự trọng. “Công việc là đạo đức, tôi không cho phép bất cứ ai coi thường mình”, bà nói. Nhưng có lẽ ngoài trách nhiệm và tự trọng, còn có tình yêu lớn lao dành cho công việc, dành cho trẻ.

Phải chăng ngoài sự đầu tư mạnh tay của nhà nước cho cơ sở hạ tầng trường học (gần 100% trường học ở Nhật được thiết kế, xây dựng để “sống chung” với động đất), chính sự chăm chút, lưu tâm tới từng chi tiết nhỏ của trường lớp hằng ngày như người lao công già kia đã giúp trường học ở Nhật được ví von là “pháo đài” an toàn cho trẻ. 

Không riêng gì Nhật Bản, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã ban hành nhiều quy chuẩn, quy định khắt khe về an toàn trường học, để học đường là nơi bình yên nhất cho trẻ. Vậy nhưng năm nào sự cố cũng xảy ra. Và mỗi lúc như vậy, xã hội lại rúng động trước những thương vong tức tưởi ập xuống học trò... 

Có ai đó đã nói rằng cách tốt nhất để xử lý khủng hoảng là đừng để cho nó xảy ra. Muốn vậy, mọi khâu liên quan đến an toàn học đường, từ quản lý nhà nước, phê duyệt thiết kế, tổ chức thi công, duy tu bảo dưỡng, sử dụng trường lớp... đều phải được thực hiện một cách nghiêm cẩn từ những chi tiết nhỏ nhất, đều phải được quan tâm với trách nhiệm lớn nhất đối với sự an toàn của trẻ và tình yêu lớn nhất dành cho trẻ em.

Bởi vì trường học cho dù được đầu tư tới đâu mà nếu người có trách nhiệm vô trách nhiệm công vụ thì bất cứ tình huống bất an nào cũng đều có thể xảy ra”… 

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH):

Học sinh cần phải được dạy các kỹ năng thoát thân, chứ không chỉ có học

An toàn trong trường học tại Việt Nam đã được ghi rõ cụ thể trong nhiều chương trình, quy định khác nhau do Bộ GD&ĐT ban hành. Tuy nhiên, muốn trẻ em có được sự an toàn trong nhà trường, điều tiên quyết là phải dạy cho trẻ em những kỹ năng tự thoát thân, thoát hiểm khi gặp những tình huống nguy hiểm, đe dọa sự an toàn của bản thân. Tiếp đó là triển khai những chương trình dạy bơi cho học sinh trong trường học, để trẻ em có kỹ năng bơi lội phòng tránh đuối nước.

Bộ GD&ĐT cũng ban hành quy định về Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích ngay từ năm 2007. Tuy nhiên, học sinh ở Việt Nam phải đối mặt với một chương trình học quá đồ sộ, nhồi nhét. Việc học văn hóa chiếm phần lớn thời gian các em có mặt tại trường học.

Do đó,  việc học kỹ năng bị xem nhẹ, câu nói “học mà chơi, chơi mà học” không còn đúng. Trẻ em không có thời gian để học các kỹ năng sống khác. Trong chương trình giáo dục còn thiếu chương trình giảng dạy kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, biết cách thoát hiểm, phòng chống xâm hại và bạo lực... 

Hơn nữa, nhà trường không có giáo trình về kỹ năng sống. Đến lớp 5, các em mới được lồng ghép một số bài học về phòng chống đuối nước... Chưa kể, hệ thống giáo viên không có kỹ năng, vì vậy khó có thể truyền đạt được cho học sinh. Chẳng hạn, dạy kỹ năng thoát hiểm không có nghĩa là mời lính phòng cháy chữa cháy về trường để dạy trẻ em cách dùng bình cứu hỏa dập một đám lửa lớn. Đó là những cách dạy trẻ em thoát hiểm sai lầm…

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: “Hiệu trưởng không thể lơ là”.

Hàng loạt sự việc xảy ra cho thấy, nhiều trường học chưa coi sự an toàn là trên hết. Trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh thuộc về hiệu trưởng, nhưng hiệu trưởng chưa làm hết trách nhiệm về đưa ra quy trình, phân công trách nhiệm từng người cụ thể. Không phải đợi đến lúc cái quạt trần rơi, cổng trường đổ mới biết nó hỏng mà những gì liên quan trong trường phải được kiểm tra thường xuyên.

Bởi lẽ, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì lan can thấp, học sinh đùa nghịch đẩy nhau ngã, học sinh đuổi nhau chạy ở cầu thang, học sinh đu cánh cổng, quạt trần, đường điện, cây xanh…đều trở thành mối nguy đối với các em. Cùng với đó, những sự việc như bỏ quên học sinh trên xe cho thấy việc không quy rõ trách nhiệm, không thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình và những người thực hiện.

Ngay cả lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cũng không cần ban hành quá nhiều văn bản mà nên đi kiểm tra đột xuất từng trường thực hiện các giải pháp an toàn ra sao. Nếu vi phạm, xử lý nghiêm người đứng đầu mới có hiệu quả.

Đọc thêm