Quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

(PLVN) - Liên quan đến vụ đổ cây khiến một học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM) vào ngày 26/5, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Huy Long - Giám đốc Cty Luật Legal Gate Việt Nam cho biết: Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. 
Cây phượng đổ, đè các học sinh. Ảnh: Trần Hồng Vũ
Cây phượng đổ, đè các học sinh. Ảnh: Trần Hồng Vũ

Trong trường hợp này, Trường THCS Bạch Đằng là chủ sở hữu cây phượng gây ra tai nạn thương tâm cho các em học sinh. Tuy nhiên, nếu trong quá trình hoạt động, nhà trường có phân công cho cá nhân nào khác trách nhiệm quản lý cây xanh trong trường hoặc có thuê dịch vụ quản lý cây xanh bên ngoài thì cá nhân/tổ chức được giao nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý cây xanh đó chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH). Căn cứ để xác định việc có phân công quản lý hay không dựa vào hợp đồng lao động, bản phân công công tác hoặc hợp đồng thuê dịch vụ bên ngoài…

Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị. Cụ thể: (1) Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. (2) Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. (3) Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. (4) Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình. 

“Do đó, cơ quan chức năng cần tiến hành xác định, điều tra dựa trên bốn tiêu chí về quy định trồng, chăm sóc cây xanh đô thị. Căn cứ vào đó, để xác định trách nhiệm BTTH và cần xem xét tổ chức/cá nhân được giao trách nhiệm quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa. Trường hợp không thực hiện đúng thì phải chịu trách nhiệm do mình gây ra”, Luật sư (LS) Long nói.

Luật sư Nguyễn Huy Long - Giám đốc Cty Luật Legal Gate Việt Nam
Luật sư Nguyễn Huy Long - Giám đốc Cty Luật Legal Gate Việt Nam 

Cũng theo LS Long, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH. Do đó, trong trường hợp này, cá nhân/tổ chức có trách nhiệm quản lý cây xanh tại Trường THCS Bạch Đằng phải chịu BTTH ngoài hợp đồng đối với các em học sinh thương vong. Việc xác định BTTH ngoài hợp đồng căn cứ vào các tiêu chí sau:

Một là, có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng và chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc tinh thần. Sự thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định. Thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

Hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm: Làm những việc mà pháp luật cấm, không làm những việc mà pháp luật buộc phải làm, thực hiện vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

Ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải ngẫu nhiên. Thiệt hại sẽ là kết quả tất yếu của hành vi nếu trong bản thân hành vi cùng với những điều kiện cụ thể khi xảy ra chứa đựng một khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại.

Tuy nhiên, theo LS Long, nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm BTTH trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. 

Trong tai nạn trên, tại địa bàn quận 3, TP HCM chiều tối ngày 25/5 có xảy ra mưa lớn. Nhưng để xác định cây phượng ngã đổ có phải do mưa lớn gây ra hay không thì cần phải điều tra làm rõ rằng cá nhân/tổ chức có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa, cảnh báo hay chưa (có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ ngã, gãy...). Cụ thể, ở đây nếu nhà trường/người có tránh nhiệm quản lý đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa mà sự cố vẫn xảy ra thì sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Đọc thêm