Những loại thực phẩm tốt cho sĩ tử mùa nắng nóng

(PLVN) - Ngoài kiến thức để chuẩn bị vượt “vũ môn”, các sĩ tử cần chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống điều độ, đủ chất để có được sức khỏe tốt nhất.
Những loại thực phẩm tốt cho sĩ tử mùa nắng nóng

Chế độ sinh hoạt lành mạnh

Trước tiên, các sĩ tử cần ngủ đủ giấc. Theo khoa học thì nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập. Tốt nhất nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya rồi, một chuyên gia cho biết.

Buổi tối nên học bài từ 7h, ngủ trước lúc 23h, sáng dậy sớm lúc 5h học bài (lúc này học rất hiệu quả). Ngủ trưa từ 30 phút - 1 tiếng đồng hồ. Đảm bảo ngủ đủ 6 - 8 tiếng đồng hồ một ngày. Các sĩ tử cần chuẩn bị tâm lý tốt, không nên suy nghĩ tiêu cực, tự tạo áp lực hoặt mất tự tin.

Bên cạnh đó, các sĩ tử cần vận động nhẹ nhàng trong thời gian nghỉ giải lao. Cứ 45 phút học nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Thời gian nghỉ ngắn này có thể vận động bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi lại, đồng thời hít thở sâu để tăng lưu lượng máu lên não, giúp não thư giãn, nghỉ ngơi.

Những thực phẩm tốt cho các sĩ tử 

Mùa thi, sĩ tử nên ưu tiên một số thực phẩm tốt cho trí não như: 

- Nước: Nước rất tốt cho bộ não bởi 80% bộ não là nước, vì vậy mỗi ngày cần uống 2 lít nước. Những loại rau củ, hoa quả nhiều nước như: dưa chuột, dưa hấu, các loại tảo biển, sâm...

- Trứng: Trứng hoặc trứng vịt lộn là món ăn rất giàu protein. Tuy nhiên, trứng chỉ nên mỗi ngày 1 quả vào buổi sáng hoặc bữa phụ buổi chiều, không nên ăn vào buổi tối. 

- Nấm: có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp chất đạm, chất béo, carbohydrat và vitamin...

- Đậu phụ: Cung cấp đạm thực vật dễ tiêu, có thể mua và chế biến rất đơn giản.

- Các loại hạt: Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, hạt sen... là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và đạm thực vật rất tốt cho các sĩ tử, đồng thời cũng là món ăn để các bạn bồi dưỡng thêm vào bữa ăn phụ.

- Cá: Không những là nguồn cung cấp đạm mà còn cung cấp các axit béo (hay còn gọi là omega) có lợi cho hệ tim mạch, thần kinh. Một tuần nên ăn ba bữa cá, ưu tiên các loại cá thu, cá basa, cá trích... Ngoài ra, mùa hè có thể ăn thêm canh cua, ngao hoặc hến là nguồn cung cấp đạm và chất khoáng rất dồi dào.

- Các loại quả: Nên ưu tiên các loại quả có màu vàng, đỏ để cung cấp nhiều vitamin A cho mắt. Ăn chuối và táo hoặc một cốc nước cam, quýt mỗi ngày để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

- Sữa chua: Ăn 1 - 2 hộp sữa chua mỗi ngày để cung cấp thêm lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và bảo vệ đường ruột, hệ miễn dịch.

- Sữa: Cung cấp nhiều năng lượng, có thể uống một ly sữa cho bữa đêm hoặc các bữa ăn phụ giúp tăng cường năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể.

- Các loại rau có màu xanh đậm: Có nhiều sắt và vitamin nhóm B rất tốt cho các sĩ tử như rau ngót, rau dền, rau bó xôi.

Trong khi đó, sĩ tử cũng nên tránh một số các loại thực phẩm có hại cho cơ thể cũng như bộ não. Đó là các thực phẩm có chứa nhiều đường hóa học, chất béo như nước ngọt, bánh kẹo, hoặc các loại đồ ăn sẵn, thức ăn nhanh, bia rượu...

Đặc biệt, vào những ngày trước khi thi, hãy hạn chế ăn các loại thức ăn được làm từ bột mỳ như bánh quy, bánh xốp, bánh rán,… bởi chúng bắt các sĩ tử phải mất nhiều thời gian cho việc tiêu hóa từ đó khiến khả năng tập trung bị giảm sút.

Ngoài ra, cũng nên tránh những loại thực phẩm chứa nhiều đường như sô cô la, bánh kẹo và các loại đồ ngọt khác bởi chúng sẽ khiến hệ tiêu hóa trở nên khó chịu.

Tuyệt đối các sĩ tử không được thử các món ăn lạ, hạn chế nguy cơ rủi ro không đáng có, tốt nhất nên tránh những món ăn chưa ăn bao giờ.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì tuyệt đối các em không được bỏ bữa sáng, điều đó rất nguy hiểm. Sau một đêm dài cơ thể bị bỏ đói, chỉ khi được nạp năng lượng thì đầu óc mới có thể minh mẫn để tập trung ôn luyện.

Sau ăn 30 - 60 phút mới được học, thời gian này tranh thủ nghỉ ngơi, đi dạo nhẹ nhàng, hít thở sâu, theo dõi hơi thở để không nghĩ ngợi, cho não thực sự được nghỉ.

Không nên ăn đến khi thấy cảm giác quá no ở các bữa ăn chính, chỉ ăn no khoảng 80%. Nếu bữa nào các em cũng ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa nên sẽ giảm lượng máu lên não dễ dẫn tới buồn ngủ, do đó khả năng tiếp thu bài vở sẽ giảm.

Đọc thêm