Những ngày giáp Tết trên đất cố đô

Những ngày giáp tết, dạo quanh các chợ ở thành phố Huế, đâu đâu cũng thấy hàng hóa phong phú, đa dạng, tràn ngập cả lối đi, gợi niềm phấn khích mua sắm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhu cầu mua sắm của người dân ở các chợ vẫn chưa tăng nhiều khiến cho không khí chợ Tết chưa thực sự sôi động.


Những ngày giáp tết, dạo quanh các chợ ở thành phố Huế, đâu đâu cũng thấy hàng hóa phong phú, đa dạng, tràn ngập cả lối đi, gợi niềm phấn khích mua sắm. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm của người dân ở các chợ vẫn chưa tăng...

Quà biếu ế khách… 

Không như mọi năm, suốt cả tháng nay liên tiếp các đợt không khí lạnh tràn về khiến cho đời sống của của người dân co ro trong giá rét. Tại chợ An Cựu, một trong những chợ có sức tiêu thụ lớn nhất nhì thành phố Huế thì những ngày này lượng người đến mua hàng vẫn thưa thớt.

Bà Trần Thị Lệ Quyên, chủ cửa hàng bánh kẹo và các mặt hàng phục vụ tết cho biết: “Vào thời điểm này năm ngoái khách vào ra tấp nập để mua hàng thì năm nay khách chỉ đến lẻ tẻ. Ngay cả những người thân trong gia đình cũng chưa ai mua sắm gì. Những khách hàng quen thuộc sức mua cũng giảm, trước đây họ mua 3 kg mứt gừng thì năm nay họ chỉ mua 1kg, hạt dưa cũng vậy.Vì trời lạnh nên mứt gừng và hạt dưa  được nhiều người hỏi mua. Giá một kg mứt gừng dao động từ 60-65 ngàn đồng/1kg, hạt dưa từ 70-75ngàn/1kg. Các mặt hàng như bánh, kẹo, bột ngọt, xì dầu… chỉ mua lai rai chứ không nhiều”. 

Lý giải về sức mua giảm, bà Quyên cho rằng: “Do người dân không có tiền vì mưa và rét kéo dài  ảnh hưởng đến công việc làm ăn. Chợ An Cựu giáp ranh với các xã của thị xã Hương Thuỷ nên người mua chủ yếu là bà con nông dân, thu nhập từ lao động chân tay”.

Bà Quyên cho biết thêm, những người có thu nhập cao hơn hiện đã thay đổi thói quen, không mua sắm tại các chợ mà chuyển sang mua sắm tại các siêu thị, vì tại đây có nhiều mặt hàng khuyến mãi nên các chợ vắng khách.

Anh Nguyễn Tuấn, chủ kinh doanh bánh kẹo tại chợ An Cựu cũng than thở: “Thường như mọi năm lượng người mua quà biếu vào thời gian này tăng khoảng 50% so với ngày thường thì năm nay chỉ bán được vài giỏ quà. Cửa hàng anh, quà có giá trị cao nhất là 3 triệu nhưng người dân chỉ chọn mua những gói từ 500 ngàn trở xuống”. 
 
…. Đặc sản “chạy” hàng

Không như các mặt hàng như hạt dưa, mứt gừng, bánh kẹo sức mua giảm so với mọi năm thì năm nay các mặt hàng truyền thống của người dân Huế như bánh chưng Nhật Lệ, nem, chả Hảo Hảo được người mua lựa chọn đặt hàng. Bà Vĩnh, chủ cửa hiệu nem chả Hảo Hảo (số 04 Đào Duy Từ) cho biết: “Trung bình mỗi ngày cửa hiệu của bà bán ra khoảng 20 kg. Từ ngày 23 đến tối giao thừa khách mua mới tăng vì mặt hàng này đối với người dân Huế nhà nhà không thể thiếu trong những ngày tết”. 

Bánh chưng Nhật Lệ (nội thành Huế) được xem là lò nấu nổi tiếng đất cố đô. Tuy vẫn còn 10 ngày mới đến tết, nhưng nhiều người đã đến đặt bánh với số lượng lên đến hàng nghìn cặp. Bà Nguyễn Thị Dần, chủ cả hàng bánh Bà Dần (99 Nhật Lệ) cho biết: “Tuy trời tiết mưa và lạnh cả tháng nay nhưng lượng người mua bánh vẫn không giảm. Mỗi ngày bà bán trên 500 cặp bánh. Số người đến đặt bánh tết đến thời điểm hiện tại đã trên 3000 cặp”. Tiệm bánh của bà Thêm (114 Nhật Lệ) những ngày giáp tết này cũng phải huy động nhân công tăng gấp đôi mới làm kịp bánh cho khách.
     
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng kinh doanh rượu và nước giải khát tại chợ Đông Ba cho hay: “Không chỉ các mặt hàng như mứt, hạt dưa, bánh kẹo lượng người và sức mua giảm thì các mặt hàng được các quý ông “ưa chuộng” như rượu, bia vẫn không thấy khách. Chị Hoa cho hay là do thời tiết lạnh nên các “thượng đế” đến chợ chủ yếu là mua chăn màn và áo chống rét chứ ít quan tâm tới hàng tiêu tết.

Chủ kinh doanh cây cảnh trên địa bàn điêu đứng vì giá rét. Nhìn hàng trăm chậu mai chưa hé nụ, bác Nguyễn Văn Hoà, chủ trồng và kinh doanh mai trên đường Lê Quý Đôn buồn bã: “Không còn kịp nữa rồi chú ơi, suốt một năm chỉ trông trời nắng vào những ngày giáp tết để mai nở hoa, chừ như ri coi như bỏ hết. Vào thời điểm này năm ngoái tui cũng bán được vài chục triệu chứ năm ni chưa bán được đồng nào. Vì mai không có nụ nên khách đến chỉ nhìn rồi về thôi”.
 
Không chỉ vườn mai của bác Hoà, tại các làng mai nổi tiếng như Điền Môn, Điền Hoà hàng trăm gốc mai cũng chỉ trơ cành. Nhiều hộ kinh doanh gửi mai vào TP.Hồ Chí Minh để “ủ ấm” cho trổ hoa nhưng chi phí vận chuyển cao nên ít được các chủ hoa làm theo.

Nhiều vườn hoa khác tại Phú Văng như cúc, lay ơn, thược dược… đến nay cũng mới vừa hé nụ, hoa e ấp mà người trồng hoa thì mất ăn mất ngủ.  Hoa mất mùa nên giá hoa năm nay sẽ tăng cao, đây lại là cơ hội cho hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, Phú Vang).

Đi chợ Tết  là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt nói riêng và của đất thần kinh nói riêng, không chỉ mang hơi thở và phản ánh bộ mặt của cuộc sống, mà còn thể hiện tình người ấm áp trong những câu chuyện trao đổi, những cảnh mua bán ngày cuối năm. Tuy nhiên do thời tiết mưa lạnh kéo dài nên không còn cảnh nhộn nhịp như khi trời khô ráo.

Quang Tám

Đọc thêm