Những nghệ sĩ giàu lòng tự trọng

(PLO) - Họ là những người nghệ sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật Việt Nam. Sống trong cảnh nghèo khó, bệnh tật nhưng họ luôn giữ cho mình sự tự trọng của người nghệ sĩ. Với họ chỉ cần sống hết mình với những vai diễn, được khán giả yêu thương đón nhận đã là gia tài lớn nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của mình. 
Bố con nghệ sĩ Quốc Tuấn luôn lạc quan vào cuộc sống.
Bố con nghệ sĩ Quốc Tuấn luôn lạc quan vào cuộc sống.

Nghệ sĩ gì mà khổ thế!

Đó chính là hành trình 15 năm chạy chữa gian khổ cho con trai đã ngốn đi tất cả gia tài, công sức cũng như thời gian của vợ chồng nghệ sĩ Quốc Tuấn.  Bé Bôm mắc căn bệnh Apert quái ác khiến xương cứng sớm cục bộ và đường thở hẹp. Trẻ mắc căn bệnh này sẽ có xương hộp sọ bị cứng sớm, trong khi não vẫn phát triển. Để não được phát triển bình thường, người bệnh phải được mổ “nới” hộp sọ cho phù hợp với sự phát triển của não. Vợ chồng diễn viên “Người vác tù và hàng tổng” bán nhà cửa đang ở, không nề hà bất cứ công việc gì để lo chạy chữa cho con với hàng chục cuộc phẫu thuật từ bệnh viện trong nước lẫn ngoài nước. 

Không chỉ gia đình nghệ sĩ Quốc Tuấn đang đối mặt khó khăn chữa trị bệnh tật mà còn có nhiều nghệ sĩ khác nghèo khó luôn ngự trị, bủa vây khi họ đang cuối dốc cuộc đời. Nghệ sĩ Trần Hạnh ghi nhớ trong tâm trí người hâm mộ bằng vai diễn lão nông khắc khổ, chất phát. Thế nhưng. căn nhà của NSƯT Trần Hạnh nằm lặng lẽ trong một con ngõ nhỏ ở gần ga Trần Quý Cáp, Hà Nội. Đồ đạc trong nhà nghệ sĩ đều cũ kỹ: chiếc tủ gỗ cũ sờn, chiếc bếp ga, tủ bếp rỉ nát. Tuổi già, ông còn chăm sóc người con trai bị thần kinh do một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chính vì vậy, mỗi lần đi đóng phim xa nhà là ông lại bồn chồn, bứt rứt không yên. 

Cố NSƯT Văn Hiệp được hàng triệu người hâm mộ biết tới qua hơn nghìn vai diễn chính kịch lẫn hài kịch nhưng ông từng phải sống cuộc đời nhiều nỗi buồn và gian khó. Mang trong mình bệnh nặng, nhưng ông nhất định không chịu đến bệnh viện. Ông cứ lụi hụi đóng phim với niềm đam mê của mình. Mãi đến cuối năm 2013, ông gục ngã hẳn thì nhiều người mới biết về căn bệnh khó chữa nhưng danh hài nằng nặc đòi về nhà vì sợ tốn tiền của con cháu. Căn bệnh hiểm nghèo đã khiến ông ra đi. Người hâm mộ không khỏi xót xa, thương tiếc. Nhiều người đã thốt lên: “Nghệ sĩ gì mà khổ thế!”.

Cố nghệ sỹ Hồ Kiểng, người nghệ sỹ đã cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà bằng những vai diễn trong 203 bộ phim, sáng tác 240 bài vọng cổ, tiểu phẩm, hài và 664 bài thơ… nhưng đến cuối đời, ông vẫn sống trong một căn nhà tạm bợ chưa đầy 15m vuông, vốn là kho chứa máy trên đường Cao Thắng, TP. HCM.  Tất cả mọi sinh hoạt như ăn, ngủ, tiếp khách… đều diễn ra trên chiếc giường cũ kỹ. Trên chiếc giá gỗ có cả tài sản mà ông quý nhất là chiếc túi đựng 4 album. Người hâm mộ không khỏi xót xa chứng kiến cuộc sống cơ cực ấy. Tuy nhiên, với nghệ sĩ Hồ Kiểng vẫn vui vẻ sống và cống hiến cho nghệ thuật ngay trong căn phòng chứa máy phát điện ấy. Những năm tháng tuổi già ông còn phải sống với một trái tim nhân tạo, hàm răng giả và chiếc nạng gỗ…Nghèo túng, bệnh tật đã cướp đi nghệ sĩ Hồ Kiểng vào năm 2013.

Không muốn mọi người thương hại mình

Người còn, người mất, những nghệ sĩ đã, đang đối mặt với nghèo túng, bệnh tật hay phải chữa trị bệnh tật cho người thân luôn ánh lên niềm lạc quan, yêu đời. Họ không bao giờ than vãn việc nghèo túng, bệnh tật. Sự tự trọng của một người nghệ sĩ chân chính khiến họ dù khó khăn đến mấy cũng không muốn mọi người thương hại mình.  

NSUT Trần Hạnh cho hay: “Thi thoảng con gái, con dâu, hay người hâm mộ biếu tiền và quà nhưng tôi không lấy. Mình còn sức, còn kiếm được đồng ra đồng vào. Kể hơi khó khăn một tí cũng không sao, bố con tôi có thì ăn thịt, không có thì ăn rau”. NSƯT Chí Trung bày tỏ:  “Chú (NSƯT Trần Hạnh) vô cùng khái tính và giàu lòng tự trọng đến mức nhiều khi anh chị em, con cháu trong nhà muốn chú an nhàn nghỉ ngơi mà chú còn không nhận, huống hồ đến chúng ta”. 

Khi biết câu chuyện cảm động của gia đình nghệ sĩ Quốc Tuấn, nhiều người hâm mộ muốn quyên tiền giúp đỡ anh nhưng anh đã từ chối. “Mấy ngày qua, mỗi ngày tôi nhận hơn 100 tin nhắn của mọi người động viên, trong đó có nhiều lời đề nghị giúp đỡ. Nhưng tôi không thể nợ một vạn người. Mặc dù, tôi rất cần tiền nhưng tôi xin cảm ơn tình cảm của khán giả dành cho Bôm. Tôi không thể nhận vì có rất nhiều bé khác cần hơn và Bôm phải đợi đến 17-18 tuổi mới có thể phẫu thuật thẩm mỹ”- diễn viên Quốc Tuấn trải lòng. 

Những người nghệ sĩ chân chính ấy luôn giữ cho mình sự tự trọng của người nghệ sĩ. Dù nghèo nhưng họ không bao giờ cho phép mình…hèn. Họ không bao giờ “bán” tự trọng. Chợt nhớ đến một tài tử điện ảnh một thời,  cách đây vài năm, chỉ vì sợ không được sống trong ngôi biệt thự nguy nga, đầy đủ tiện nghi, trị giá hơn 10 tỷ đồng đã sẵn sàng vứt bỏ lòng tự trọng nghề nghiệp, tự trọng của người đàn ông để cầu cứu thiên hạ: “Ngài đại gia nào mà giúp đỡ thì tôi sẽ quỳ xuống lạy luôn”. Nghe sao thấy đắng đót trong lòng!