Những ngôi đền gần Hà Nội được lưu truyền 'cầu gì được nấy'

(PLO) -Niềm tin tâm linh đã chiếm chỗ khá lớn trong lòng người Việt. Vì thế, người ta tin rằng đầu năm đi lễ đền Bà Chúa Kho, sẽ được vay “một vốn 4 lời”, đi xin ấn đền Trần đường quan lộ sẽ hanh thông, hay đến lễ đền ông Hoàng Bảy sẽ được hưởng lộc ông mà tiền vào như nước…
Những ngôi đền gần Hà Nội được lưu truyền 'cầu gì được nấy'

Chúng tôi đến đền Bảo Hà vào tháng 4 – qua ngày mở cửa đền đã lâu, cũng không còn là mùa của lễ hội. Vậy nhưng, dòng người đổ về Đền vẫn nườm nượp. Những chiếc xe to, xe nhỏ chở theo cơ man nào là đồ lễ, ngựa – xe vàng mã.

Đền Bảo Hà, thuộc xã Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai. Đền thờ ông Hoàng Bảy hay thường gọi là Ông Bảy Bảo Hà.

Tương truyền, ông là con Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông giáng phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê. Vào triều Lê Cảnh Hưng, có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá. Triều đình bèn cử ông, dọc theo sông Hồng, đánh đuổi quân giặc và trấn giữ vùng biên ải. 

Sau này trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, quyết không đầu hàng, cuối cùng, không làm gì được, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông. 

Sau này khi hiển linh ông được giao quyền cho trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn rất ăn chơi, phong lưu: khi thanh nhàn ông ngả bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh, ngồi chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa… lúc nào cũng có thập nhị tiên nàng hầu cận, ông cũng luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu 

Vì thú chơi phong lưu của ông nên nơi ông ngự còn được mệnh danh là Trái Hút Bảo Hà). Ngày tiệc chính của ông là ngày 17/7 âm lịch, vào ngày này, ở đền ông tập nập du khách thập phương đến dâng ông ngựa xám, bàn đèn, thuốc cống, kẹo xìu (kẹo lạc), thậm chí là cả thuốc phiện… đến cúng ông để cầu tài cầu lộc.

Dân cờ bạc truyền tụng nhau rằng ông Hoàng Bảy rất “linh”. Đám mê cờ bạc đã biến ngôi đền linh thiêng này thành “đền số má”. Gần đây, không chỉ dân giang hồ, cờ bạc, mà giới buôn bán, công chức cũng cố kiếm chút thuốc phiện, dù chỉ bằng hạt ngô dâng lên ông Bẩy, bởi người ta tin rằng, có cúng thuốc phiện thì ông mới thiêng, mới phù hộ. 

Cũng ở đền ông Hoàng bảy, con nhang đệ tử tin rằng nếu cúng ông ngựa, ắt ông sẽ phù trợ để sớm được mua ô tô, lễ vật hậu hĩnh, khấn nguyện thành tâm ông sẽ giúp cho có nhà cao cửa rộng…

Nếu đền Bảo Hà đến tận tháng 7 mới vào mùa, thì đền Trần (Nam Định) lại bắt đầu sôi động từ giây phút giao thừa. Nhiều người tin rằng chiếc ấn đền Trần sẽ giúp cho việc quan lộ được hanh thông, quan thăng, chức tiến.

Cũng vì thế, hàng năm, từ đêm giao thừa, kéo dài cho đến hết tháng giêng, tháng hai, đặc biệt là ngày khai ấn, dòng người lũ lượt, chen chúc đổ về đền Trần mong được sở hữu một mảnh vải vàng nho nhỏ.

 

Đặc biệt, tương truyền nếu ấn được xin đúng vào lúc 23-24h ngày 14 tháng giêng sẽ rất linh thiêng, nên dịp này, hàng triệu người khắp nơi đổ về đây mong muốn được xin được ấn vào giờ khắc thiêng liêng này.

Nếu ở Bảo Hà, con nhang đệ tử chủ yếu là dân đề đóm, cờ bạc, thì người ta lại thấy ở đền Trần là sự sùng bái của một số quan chức vào “lá ấn thiêng” họ mong bản thân mình ‘an toàn’ với chức tước, thăng tiến ầm ầm, họ gửi gắm vào lá ấn ước mơ cho con cháu sớm được thành ‘ông nọ bà kia”

Tuy nhiên, một nhà sử học đã phân tích: “Ý nghĩa của dòng chữ trên ấn “Tích phúc vô cương” hoàn toàn không liên quan đến quyền lực hay tiền tài, mà việc lấy ấn để có chức quyền là do mọi người tự nghĩ ra”. Vì vậy, “Khai ấn chỉ là để thực hành một nghi lễ, một tín ngưỡng”.

Cùng với đền Trần, đền ông Hoàng Mười (Nghệ An) cũng là địa chỉ mà nhiều người gửi gắm niềm tin tâm linh rằng đến đây cầu cúng thì sẽ được Ông phù trợ cho con đường công danh sự nghiệp.  

Không mang giấc mơ quan chức, chỉ mơ buôn bán ‘một vốn bốn lời”, - đền bà chúa Kho là nơi được các ‘con buôn’ trên cả nước tin rằng nếu về lễ Bà, vay vốn của bà thì công việc làm ăn sẽ luôn được dồi dào, may mắn. 

Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh, cách Hà Nội 25 km.Tương truyền, bà Chúa Kho là người phụ nữ nhan sắc tuyệt trần, lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1076), có công chiêu dân dựng lập làng xóm vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Ðồng, giúp mọi người khai khẩn đất đai nông nghiệp...

Sau này bà trở thành hoàng hậu (thời Lý), giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương. Bà bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng. Cảm kích đối với tấm lòng bao dung của bà, nhà vua đã có chiếu phong bà là Phúc Thần. Nhân dân Cô Mễ nhớ ơn và lập đền thờ ở vị trí kho lương trước kia. 

Đền bà chúa Kho thường nhộn nhịp vào dịp đầu năm và cuối năm. Đầu năm là đi vay, và cuối năm đi trả. Quan niệm dân gian cho rằng có vay thì phải có trả. Đến vay vốn của Bà thì cuối năm phải đến tả bà – đó không chỉ là ‘luật ngầm’ mà còn là ‘chữ Tín” phải giữ trong cuộc sống hàng ngày.  

Tại Hà Nội cũng có một nơi mà người ta tin rằng nếu đến đó “xin lộc” sẽ được thuận lợi trong việc nhà cửa, đất cát: Đình Ứng Thiên (Láng Hạ) – nơi thờ Mẫu Địa, cai quản đất đai toàn cõi.

Bất cứ ai có việc gì dính dáng về đất đai, nhà cửa đến tấu trình đều được Mẫu cho tươi cho tốt... Những người ở quanh đình còn kể họ từng chứng kiến có những người đi máy bay từ trong Nam ra Hà Nội, vẫy taxi đến thẳng cửa đình để đặt lễ, dập đầu kêu khấn rồi sau đó lại vội vàng bay vào cho kịp công việc. 

• Vay tiền bà Chúa, xin lộc ông Bảy Bảo Hà, lộc quan chức trong chiếc ấn đền Trần… tất cả chỉ là niềm tin tâm linh trong tâm thức người Việt. Không có minh chứng, nhưng nhiều người quan niệm, có thờ có thiêng, lòng thành thì sẽ tâm ứng.