Môi trường làm việc đặc biệt
Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương) ngoài thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng, dạy nghề cho các bệnh nhân, còn chủ động nắm bắt tình hình mặt bệnh để có hướng điều trị kịp thời cho người bệnh.
Ông Phạm Xuân Tuấn, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương cho biết, hiện Trung tâm có tổng số bệnh nhân đang là 443 người, trong đó nữ là 141 người; đối tượng chính sách là 71 người. Nhiều người bệnh còn sa sút cả về tâm thần và thể lực.
|
|
Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương, ông Phạm Xuân Tuấn đến tận nơi thăm hỏi, hướng dẫn người bệnh học và làm nghề. |
Họ không tự chủ được trong sinh hoạt, có nhiều người cần sự chăm sóc toàn diện từ ăn uống, ở, vệ sinh thân thể… Hình ảnh người bệnh không ổn định tinh thần, đập phá, la hét, nói những câu vô nghĩa… đã quá quen thuộc với những người làm công việc chăm sóc bệnh nhân ở đây.
Trung tâm có 11 phòng, khoa với tổng số 222 cán bộ, nhân viên nhưng với đặc thù công việc của mình, các anh chị đã không quản ngày đêm, vất vả, để trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng những người bệnh tâm thần, các cô bác thương binh, bệnh binh… Mỗi người bệnh ở Trung tâm lại có vết thương, bệnh tật khác nhau. Đặc biệt, hầu hết thương, bệnh binh tại đây là những người lính từng tham gia chiến đấu trong chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc. Người nhiều tuổi 75 – 76 tuổi, vào đây từ năm 1995.
|
Người bệnh ngơ ngẩn, lẩm nhẩm một mình khi ngồi nhổ cỏ vườn rau. |
|
|
Nhiều người có công với đất nước, vì bệnh tật mà cười nói không kiểm soát, tinh thần không ổn định. |
Ngoài tuổi cao, sức yếu, thương tật đầy mình, họ còn bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, vì thế hầu như các thương, bệnh binh đều có bệnh nền như: viêm gan, huyết áp, lao phổi, da liễu… Để việc chăm sóc hiệu quả, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác vệ sinh từ phòng bệnh, nơi ăn ở, tắm giặt đến khu vực khác trong nội bộ. Trung tâm tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt côn trùng định kỳ, làm lưới chắn muỗi, khơi thông cống rãnh thoát nước, trồng cây xanh cải thiện môi trường, nhằm đảm bảo môi trường sạch sẽ, thoải mái, thoáng đãng phục vụ các bệnh nhân.
Giám đốc Trung tâm cho biết thêm, các bệnh nhân sẽ được kiểm tra sức khoẻ định kỳ 2 lần/tháng (vào ngày 1 và 15). Bệnh nhân tâm thần không ổn định được theo dõi thường xuyên, các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh thông thường được khám và điều trị theo y lệnh. Bệnh nhân điều trị ngoại trú được thường xuyên thăm hỏi, khoa quản lý bệnh nhân luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với gia đình người bệnh, nắm bắt thông tin, tình hình điều trị người bệnh, kịp thời báo cáo giao ban hàng ngày, hàng tuần.
|
Người bệnh tại Trung tâm được tạo điều kiện, vui chơi, giải trí |
|
Những thú vui gắn kết để tạo môi trường tập thể, giúp người bệnh vui vẻ, điều trị bệnh tốt, không bị cô lập. |
Giám đốc Trung tâm cũng tâm sự, nhiều quan niệm sai trái về người bệnh tâm thần vẫn còn phổ biến, vì vậy đã không ít gia đình thiếu sự quan tâm, phối hợp với Trung tâm trong việc chăm sóc, thăm hỏi, động viên tinh thần đối với bệnh nhân. Thậm chí có gia đình còn bỏ mặc bệnh nhân, không thăm hỏi. Điều đó đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, tinh thần bệnh nhân. Đối với bệnh nhân tâm thần thuyên giảm, phần lớn gia đình bệnh nhân không đón về tái hòa nhập cộng đồng.
“Những trường hợp như vậy, chúng tôi đều tự bảo nhau rằng phải quan tâm, chăm sóc họ tốt hơn nữa để họ phần nào vơi đi nỗi buồn, nỗi đau của mình”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng các bệnh nhân, công tác dạy nghề - lao động sản xuất tại Trung tâm cũng được chú trọng. Theo đó, năm 2022, công tác dạy nghề tập trung đều nâng cao về chất lượng tay nghề của bệnh nhân và kiên trì giúp bệnh nhân lành nghề trong lĩnh vực được dạy.
|
|
|
Dù bệnh tật hay bị người thân bỏ mặc, những người bệnh tại Trung tâm luôn có các cán bộ, nhân viên Trung tâm ở bên động viên, chia sẻ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để họ quên đi nỗi đau bệnh tật, tinh thần, trở thành người có ích cho xã hội. |
Tuy nhiên, do dịch COVID - 19, công tác dạy nghề cho bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Một số nghề bệnh nhân đã làm quen không có nguồn đầu vào đơn vị phải tạm dừng giao dịch như: nghề tăm hương, quạt và chuyển sang nghề mới: nghề dán vàng mã. Tuy vậy, bệnh nhân và các cán bộ Trung tâm đều luôn cố gắng làm tốt các công việc này, tạo thói quen và môi trường làm việc vui vẻ, gần gũi, có tác dụng tích cực trong việc điều trị và chăm sóc các bệnh nhân.
Làm việc bằng cả tấm lòng
Là cán bộ có tuổi đời trẻ nhất ở Trung tâm, bác sỹ Trần Thành Trung (SN 1992, bác sỹ đa khoa) cho hay, anh chính thức về đơn vị từ năm 2015. Nhưng vốn có mẹ cũng công tác tại đây, nên từ ngày nhỏ, Trung đã thường xuyên được mẹ cho đến chơi và tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân.
|
Không chỉ là nơi nghỉ ngơi, phòng bệnh |
|
mà việc ăn uống, |
|
sức khoẻ của người bệnh luôn được các cán bộ, nhân viên của Trung tâm tận tuỵ, chăm sóc từng ly từng tý bằng cả tấm lòng. |
Hình ảnh những người bệnh lúc lên cơn đầy dữ dằn, hung tợn, lúc ngơ ngẩn, hồn nhiên, vô tư đã luôn ám ảnh, khắc sâu vào tâm trí của Trung, dấy lên trong lòng anh sự thương cảm, xót xa, muốn được tận tay chăm sóc, động viên những người bệnh đó. Và rồi, Trung đã quyết định theo mẹ vào đây làm việc.
Công việc hàng ngày của Trung là thăm khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân. Đôi khi người bệnh tỉnh cũng tâm sự, chia sẻ với anh về chuyện bệnh tật, gia đình, người thân… Những lúc đó, ngoài công việc của mình, Trung lại đóng vai trò là bạn tâm giao, lắng nghe, chia sẻ, an ủi người bệnh.
|
Bác sỹ Trần Thành Trung gắn bó với Trung tâm từ những ngày còn thơ ấu. |
Mặc dù nhà chỉ cách Trung tâm chưa đầy 1km, nhưng cả năm, suốt tháng Trung hiếm khi ở nhà mà chủ yếu túc trực tại Trung tâm với những người bệnh của mình. Có nhiều Tết, anh không được sum họp bên gia đình mà ở lại cùng những đồng nghiệp chăm sóc các bệnh nhân, cùng đón giao thừa với họ, “trực chiến” trong trường hợp bệnh nhân phát bệnh hoặc cần chuyển tuyến trong đêm…
Không riêng Trung, rất nhiều đồng nghiệp của anh, trong đó có bác sỹ Lê Thái Minh (SN 1987) đều tâm sự, nếu được chọn lại, anh vẫn chọn công việc này để được chăm sóc, gần gũi với những bệnh nhân “rất rất đặc biệt” của mình. Bác sỹ Minh cho biết, anh may mắn có cả vợ công tác tại Trung tâm nên càng thấu hiểu được những mảnh đời bị bệnh đầy bất hạnh, đáng thương ở Trung tâm.
Ngày nào cũng như ngày nào, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ, bất kể nắng cũng như mưa, các nhân viên y tế, điều dưỡng này đều đến từng phòng của bệnh nhân để giúp họ làm vệ sinh cá nhân, tắm rửa, giặt giũ, nâng đỡ lúc đi lại, rồi cắt tóc, cạo râu, cắt móng chân, móng tay cho họ. Tiếp theo là vệ sinh hay hướng dẫn bệnh nhân làm sạch buồng phòng, gấp chăn màn, quần áo ngay ngắn…
|
Bác sỹ Lê Thái Minh có vợ cũng công tác tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương. |
Bởi theo bác sỹ Minh, chỉ cần sơ suất một chút cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến người bệnh. Chính vì vậy mà việc thực hiện nhiệm vụ ở đây, ngoài tinh thần trách nhiệm cao, mỗi cán bộ, nhân viên còn xuất phát từ "cái tâm", coi người bệnh như người nhà để chăm sóc, điều trị, phục vụ.
Đối với nhiều người, nhắc đến bệnh nhân tâm thần, sẽ mang một chút tâm lý ái ngại, sợ sệt. Thế nhưng, các y, bác sỹ, nhân viên làm việc tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương luôn tận tuỵ, đồng cảm với những mảnh đời, câu chuyện của người bệnh. Họ đã và đang làm những việc ít người dám làm, dám kiên nhẫn để gieo niềm hi vọng, sự an ủi về một cuộc sống bình thường, hoà nhập cho những bệnh nhân nơi đây.