Các chuyên gia thừa nhận "Không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này" ngay cả khi nhiều vẫn người cho rằng việc khỏi bệnh (dù bệnh có khả năng gây tử vong) sẽ giúp cơ thể có khả năng miễn dịch, ít nhất là trong một thời gian.
Chưa có lời giải về khả năng miễn dịch sau nhiễm COVID-19
"Nhưng đối với các virus dựa trên RNA như Sars-Cov-2 - tên khoa học của loại virus corona gây ra bệnh Covid-19 - thì phải mất khoảng ba tuần để cơ thể tạo ra một lượng kháng thể đủ nhưng thậm chí sau đó chúng chỉ có thể bảo vệ cơ thể trong vài tháng trước virus này" - Giáo sư Eric Vivier nói với AFP.
Theo ông Eric Vivier, Giáo sư về miễn dịch học trong hệ thống bệnh viện công ở Brussilles (Bỉ): "Được tiêm chủng có nghĩa là cơ thể đã phát triển một phản ứng miễn dịch chống lại virus để có thể loại bỏ nó.
Hệ thống miễn dịch của chúng ta ghi nhớ để ngăn cơ thể khỏi bị nhiễm cùng một loại virus sau này. Đối với một số bệnh do virus như sởi, việc khỏi bệnh một lần sẽ giúp miễn dịch suốt đời".
Ít nhất đó là lý thuyết. Trong thực tế, virus corona mới đã gây bất ngờ hết lần này đến lần khác, đến mức các nhà virus học và dịch tễ học không có gì để chắc chắn về khả năng bảo vệ của kháng thể sau khi nhiễm COVID-19.
"Chúng tôi không có câu trả lời cho điều đó - đó là một ẩn số", Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói trong một cuộc họp báo mới đây khi được hỏi một bệnh nhân COVID-19 hồi phục sẽ được miễn dịch trong bao lâu.
Ông Michael Ryan cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng đó là một khoảng thời gian bảo vệ hợp lý, nhưng rất khó để nói với một loại virus mới mà chúng tôi chỉ có thể suy đoán từ các virus corona khác và thậm chí dữ liệu đó cũng còn khá hạn chế".
Đối với SARS, đã giết chết khoảng 800 người trên khắp thế giới vào năm 2002 và 2003, các bệnh nhân hồi phục vẫn được bảo vệ "trung bình khoảng ba năm", Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền học tại Đại học College London (Anh), nói với AFP. Nhưng "người ta chắc chắn có thể bị tái nhiễm. Sau bao nhiêu thời gian? Chúng ta sẽ chỉ biết khi nó xảy ra".
Virus chỉ "ngủ im" trong cơ thể chứ không hoàn toàn biến mất
Một nghiên cứu gần đây từ Trung Quốc (chưa được đánh giá) báo cáo về thí nghiệm khỉ mắc bệnh đã phục hồi từ SARS-CoV-2 và không bị tái nhiễm khi tiếp xúc với virus một lần nữa. "Nhưng điều đó không thực sự tiết lộ bất cứ điều gì vì thí nghiệm chỉ diễn ra trong một tháng", Frederic Tangy, nhà nghiên cứu của Viện Pasteur, nói.
Khả năng kháng thể bảo vệ cơ thể sau khi khỏi bệnh COVID-19 vẫn là ẩn số đối với các nhà kkhoa học. Ảnh: Yahoo Finance |
Thật vậy, một số trường hợp từ Hàn Quốc - một trong những quốc gia đầu tiên bị nhiễm virus corona chủng mới sau Trung Quốc - đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân hồi phục từ COVID-19 sau đó lại cho kết quả dương tính với virus này.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, có một số cách để giải thích kết quả đó. Mặc dù không thể khẳng định là những cá nhân này bị nhiễm lần thứ hai, nhưng có rất ít bằng chứng đây là những gì đã xảy ra. Giáo sư Francois Balloux nói, nhiều khả năng là virus không bao giờ biến mất hoàn toàn ngay từ đầu mà vẫn còn (chỉ không hoạt động và không gây ra triệu chứng) như một "bệnh nhiễm trùng mãn tính", giống như bệnh mụn rộp do virus herpes gây ra.
Do các xét nghiệm tìm virus và kháng thể sống chưa được hoàn thiện, nên cũng có thể những bệnh nhân này tại một thời điểm đã kiểm tra "âm tính giả" khi thực tế trong cơ thể họ vẫn còn mầm bệnh. "Điều đó cho thấy rằng mọi người vẫn bị nhiễm bệnh trong một thời gian dài - vài tuần," Balloux nói thêm.
Một nghiên cứu khác đã xem xét 175 bệnh nhân hồi phục ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho thấy nồng độ kháng thể bảo vệ khác nhau từ 10 đến 15 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng.
"Nhưng liệu phản ứng kháng thể đó có thực sự có nghĩa là miễn dịch hay không là một câu hỏi riêng biệt. Đó là điều chúng tôi thực sự cần phải hiểu rõ hơn - phản ứng kháng thể đó như thế nào về khả năng miễn dịch" Thật vậy, một loạt các câu hỏi vẫn còn" - Maria Van Kerhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của Chương trình khẩn cấp của WHO nhận xét.
Theo Jean-Francois Delfraissy, Chủ tịch hội đồng cố vấn khoa học chính thức của Pháp cho biết: "Chúng tôi đang ở giai đoạn hỏi xem ai đó đã vượt qua Covid-19 có thực sự được bảo vệ hay không".
Hộ chiếu miễn dịch
Đối với Frederic Tangy, một thực tế thậm chí nghiệt ngã hơn không thể được loại trừ. Đó là "có thể các kháng thể mà một người nào đó phát triển chống lại virus thực sự lại làm tăng nguy cơ bệnh trở nên tồi tệ hơn", ông nói và lưu ý rằng các triệu chứng nghiêm trọng nhất xuất hiện sau khi bệnh nhân đã hình thành kháng thể.
Hiện tại, vẫn chưa rõ khi nào kháng thể đủ mạnh để đánh bại COVID-19: một người suýt chết, hay khi một người chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng nào. Và tuổi tác có làm nên sự khác biệt?
Đối mặt với tất cả những điều không chắc chắn này, một số chuyên gia nghi ngờ về sự khôn ngoan trong việc duy trì chiến lược "miễn dịch cộng đồng" để virus không thể tìm ra nạn nhân mới khi phần lớn dân số miễn dịch.
Cách tiếp cận như vậy đã được ưa chuộng ở Anh và Phần Lan, trong khi ở Đức, một số chuyên gia cũng đã đưa ra ý tưởng về "hộ chiếu miễn trừ" cho phép mọi người quay trở lại làm việc. Song "việc đó là quá sớm vào thời điểm này" - Saad Omer, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yale (Mỹ) nói.
Nhu cầu kiếm sống có thể khiến nhiều người "tự nhiễm bệnh" nếu áp dụng chính sách "hộ chiếu miễn dịch". Ảnh:Reuters |
Cùng với đó, các nhà nghiên cứu cho biết ý tưởng về hộ chiếu miễn dịch hoặc giấy chứng nhận cũng đặt ra câu hỏi về đạo đức vì "những người thực sự cần phải làm việc - để nuôi sống gia đình họ, chẳng hạn - có thể cố gắng bị nhiễm bệnh", Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền học tại Đại học College London (Anh) nêu vấn đề.
Saad Omer hy vọng, "chúng tôi sẽ có thể nhận được dữ liệu rõ ràng hơn rất nhanh - trong một vài tháng - khi sẽ có các xét nghiệm kháng thể đáng tin cậy với độ nhạy và độ đặc hiệu". Đồng thời, các phòng thí nghiệm đang phát triển một loạt các xét nghiệm kháng thể để xem tỷ lệ dân số ở các quốc gia và khu vực khác nhau đã bị ô nhiễm.
Ngoài ra, một mối quan tâm mới là tình trạng "dương tính giả" gây ra bởi các xét nghiệm phát hiện kháng thể không liên quan đến Covid-19, nghĩa là khi xét nghiệm kháng thể "bắt" được một loại virus trong cơ thể, dù không phải virus corona, nhưng vẫn có kết quả dương tính.
Do đó, "Giải pháp thực sự duy nhất hiện nay là vắc-xin", Archie Clements, Giáo sư tại Đại học Curtin ở Perth Australia, nói với AFP.