“Định dạng được virus gây Covid-19 rồi!”
Sau tiếng kêu vui mừng ấy, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm cúm như vỡ òa trong hạnh phúc và vui mừng. Việc Việt Nam là một trong bốn nước phân lập thành công virus Corona chủng mới tạo điều kiện cho việc sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm và nghi virus Corona; nâng khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết. Thành công đó còn giúp cho nghiên cứu về độc lực của virus này trên người Việt Nam, đặc điểm lây nhiễm, giúp công tác điều trị và chống dịch hiệu quả.
Nhưng mấy ai biết rằng, để có được thành quả, những nhà khoa học nữ như PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng, Trưởng phòng thí nghiệm Cúm; PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó Trưởng khoa Virus… đã phải hy sinh rất nhiều. Còn nhớ, cuối tháng 12/2019, ca bệnh do nCoV bùng phát tại Trung Quốc và đã có ca tử vong. Không khí lo lắng đè nặng lên tâm trạng của mọi người trong Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Tối 28 Tết, Phòng thí nghiệm - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương được thông báo có ca bệnh đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cả phòng xác định tinh thần phải làm việc xuyên Tết. Điều đáng nói là ở thời điểm này, tất cả hệ thống chẩn đoán, các thông tin cập nhật, sàng lọc đều chưa có tiêu chuẩn nào.
Virus Corona chủng mới thế giới vẫn còn đang loay hoay, cỡ mẫu tại Việt Nam còn ít, phải lựa chọn dòng tế bào nào phù hợp để nhân lên, từ đó giúp cho việc định dạng – hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra như thế.
Từ mùng 6 Tết, cỡ mẫu tăng lên đột biến, có ngày lên tới 70-80 mẫu. Sau khi khoanh vùng được ổ nhiễm nhiều nhất, có những ngày, số mẫu tăng lên gần 100 và chủ yếu mẫu lấy từ Vĩnh Phúc. Khối lượng công việc tăng gấp bốn lần, tần suất công việc cao hơn…
Khó khăn không kể xiết, nhưng rồi kết quả đã không phụ lòng các nhà khoa học. “Định dạng được virus gây Covid-19 rồi!” - tất cả cùng vỡ òa hạnh phúc. Chỉ sau một tuần nuôi cấy, phân lập, nhóm nghiên cứu đã tìm được loại virus lạ đang gây ra dịch bệnh lan rộng toàn cầu này.
Có thể khẳng định đây là thành công rất quan trọng vì kết quả phân lập được virus sẽ giúp Việt Nam giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch… Kết quả cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này.
Quay về với câu chuyện của 17 năm trước, năm 2003, khi Phòng thí nghiệm Cúm được xây dựng. Khi đó dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh, tỷ lệ tử vong cao.
Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Hô hấp, đứng đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán. Các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên được điều trị tại Bệnh viện Việt - Pháp bằng phương pháp sinh học phân tử vào tháng 3/2003.
Công việc mà tập thể nữ Phòng thí nghiệm Cúm đang làm vô cùng nguy hiểm bởi phải thực hiện trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3, áp suất âm - đạt tiêu chuẩn của WHO. Đây là nơi có thể thực hiện những thao tác xét nghiệm trên các mầm bệnh nguy hiểm mà không lo nó phát tán ra môi trường bên ngoài.
“Khi vào phòng này, các nghiên cứu viên được bảo hộ kỹ lưỡng để ngăn ngừa phơi nhiễm. Bộ quần áo bảo hộ không nặng nhưng mặc vào sẽ có cảm giác như đang xông hơi, không dễ chịu chút nào. Đeo khẩu trang N95 thì phổi phải tập yoga cực khỏe mới chịu được. Nếu làm việc trong phòng thí nghiệm 2 tiếng là phải đeo máy thở, rất nặng, vặn vẹo người còn khó”, PGS.TS Quỳnh Mai kể trong một lần trò chuyện với báo chí.
Được biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 nói riêng và cúm mùa nói chung vẫn diễn biến thất thường nên cả tập thể Phòng thí nghiệm Cúm 12 người gồm: 9 nữ, 3 nam đều căng mình vì công việc. “Có những ngày 24/24h phải trực chiến. Có bạn con chưa đầy 1 tuổi, tôi động viên bạn nhanh nhanh hoàn thành phần việc của mình để về với con, nhưng bạn đó nhìn sang đồng nghiệp bên cạnh, một ông bố có con mới 3 tháng tuổi đang ốm mà vẫn miệt mài làm, nên lại cố” - PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai nói về đồng nghiệp của mình.
Giảm gánh nặng bệnh tật của dịch bệnh cúm mùa
Thực tế cho thấy, virus cúm luôn có khả năng biến thành đại dịch, ảnh hưởng đến xã hội, gây ra gánh nặng bệnh tật tương đối lớn với người già trên 65 tuổi và trẻ em. Vì thế, các nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Cúm sẽ hỗ trợ tốt cho hệ thống giám sát toàn cầu, cung cấp thông tin cho cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, dự báo được khả năng bùng phát dịch hay không và có biện pháp phòng, chống, tìm ra vaccine nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không chỉ tại Việt Nam mà cả các quốc gia khác.
Quan trọng là vậy nên định hướng nghiên cứu và đào tạo chính của Phòng thí nghiệm Cúm là giảm gánh nặng bệnh tật của dịch bệnh cúm mùa và giảm nguy cơ, ảnh hưởng của đại dịch cúm nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Định hướng nghiên cứu này đã được xây dựng từ những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với WHO về căn bệnh này.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, nhóm nghiên cứu đã tham gia tạo chủng virus cúm A/H5N1 trong sản xuất vaccine cúm tại Việt Nam. Hiện tại, thuốc kháng virus (Oseltamivir - Taminflu) được đánh giá là thuốc đặc hiệu nhất trong điều trị nhiễm virus cúm A (A/H5N1; H1N1) và chưa có các chế phẩm khác thay thế hoặc bổ sung…
Hiện tại, việc sử dụng vaccine cúm mùa tại Việt Nam bắt đầu được quan tâm, tuy nhiên phát triển các chính sách, chiến lược cho sử dụng vaccine cúm cần rất nhiều thông tin về dịch tễ, virus, miễn dịch đã có trong cộng đồng. Các cơ hội và thách thức trong nghiên cứu về tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt là virus cúm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều trong tương lai.
Tuy nhiên, với các kết quả đã đạt được, các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đứng đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vaccine cúm mùa và vaccine cho đại dịch cúm…
Nữ Viện trưởng dành tình yêu cho những cánh rừng
Bên cạnh tập thể, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 cũng được trao cho cá nhân PGS-TS Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà (thứ 2 từ trái sang) miệt mài trong phòng thí nghiệm. |
PGS.TS Trần Thị Thu Hà sinh ra lớn lên ở một vùng quê miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Tuổi thơ đến trường của chị đã có sự gắn bó với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Là một học sinh giỏi môn Vật lý của tỉnh trong suốt 3 năm THPT nhưng vào đại học, chị lại chọn học chuyên ngành Lâm sinh bởi “từ vùng quê miền núi, tôi thấu hiểu hơn mối quan hệ hữu cơ giữa con người và môi trường sinh thái, vấn đề sinh kế của người dân gắn liền với rừng” như lời chị chia sẻ.
Tốt nghiệp đại học, chị Hà bắt đầu làm việc với rất nhiều tổ chức quốc tế như CARE, UNDP, GTZ, Ausaid… về các chương trình dự án liên quan đến phát triển sinh kế của người dân phụ thuộc vào rừng ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Các nghiên cứu ban đầu của chị từ năm 1995 tập trung vào hệ thống canh tác nông lâm kết hợp với sự tài trợ của Tổ chức FAO tại Bangkok (Thái Lan) đã cho chị một sự khởi đầu tập trung vào lâm nghiệp và sinh kế. Những chuyến công tác dài ngày vùng cao đã trở thành chuyện thường ngày đối với PGS.TS Trần Thị Thu Hà suốt nhiều năm nay.
Cùng với cộng sự PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã tập trung vào lĩnh vực chọn giống và nhân giống một số loài cây dược liệu quý của Việt Nam có giá trị kinh tế cao và có nguy cơ bị tuyệt chủng như các loài: Lan Kim tuyến, Gừng gió, Giảo cổ lam, Đinh lăng, Khôi tía, Tam thất, Trà hoa vàng, Sa nhân tím… Trong đó, nhiều loài nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam như Lan kim tuyến, Khôi tía….
Kết quả đã tạo ra được những giống dược liệu chất lượng cao và thành công trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, sinh học phân tử để tạo ra giống tốt với quy mô công nghiệp giúp phát triển nghành dược liệu của Việt Nam.
Yêu rừng, gắn bó với rừng, trong suốt thời gian công tác, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã ghi dấu ấn đậm nét đối với ngành lâm nghiệp, trồng rừng ở Việt Nam như: Nghiên cứu chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp; nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu; ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào nghiên cứu lai tạo, nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý bản địa; nghiên cứu về chính sách lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững…
Có thể nói, hơn 30 năm qua, từ khi bước vào trường đại học cho đến nay, việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo luôn là niềm đam mê với PGS.TS Thu Hà. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị luôn nuôi trong mình ước mơ được làm khoa học và khoa học đó phải có khả năng ứng dụng được trong thực tiễn. Với những thành công trong công việc của mình, PGS.TS Thu Hà đã làm được điều đó.
Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam mang tên nhà nữ toán học người Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskia (1850-1891). Giải thưởng này bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1985, với đối tượng tham gia là các nhà khoa học nữ Việt Nam về lĩnh vực khoa học tự nhiên.