Những nhiệm vụ lớn Chính phủ quyết tâm thực hiện thời gian tới

(PLO) - Đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%, xử nghiêm đối với 12 dự án thua lỗ lớn, kiên quyết thực hiện nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường... là các nhiệm vụ mà Chính phủ quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
Những nhiệm vụ lớn Chính phủ quyết tâm thực hiện thời gian tới

Quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%

Hôm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Theo Báo cáo, cả năm 2016, trong số 13 chỉ tiêu QH giao có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch. Trong năm 2017, Chính phủ khẳng định sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như QH đã đề ra.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày tại QH, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%. “Nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói. 

Xử nghiêm đối với 12 dự án thua lỗ lớn

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Chính phủ cho biết đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Báo cáo của Chính phủ thừa nhận trong những tháng đầu năm 2017, tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước triển khai còn chậm. 

Về 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban, xác định, đánh giá, kiểm tra thực địa, trên cơ sở đó, đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Đến nay, một số dự án đã có chuyển biến như các nhà máy sản xuất phân bón và Nhà máy thép tại Lào Cai.

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, QH và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài. Chính phủ cũng khẳng định sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp đối với từng trường hợp, đồng thời xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan. 

Kiên quyết thực hiện nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường quản lý và thực hiện nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường; kiên quyết thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên; rà soát các dự án thủy điện ở Tây Nguyên, không cấp phép các dự án thủy điện có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái...

Theo đó, Chính phủ  tập trung rà soát các quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường; kiên quyết không cấp phép, dừng chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm cao; xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về môi trường. Chỉ đạo các ngành, các cấp kiên quyết xử lý tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái phép…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận tình hình ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp. Xử lý vi phạm về môi trường còn bất cập; chế tài chưa nghiêm. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

“Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách và chế tài hình sự liên quan đến các vi phạm về môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám sát thực thi pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm vi phạm. Có giải pháp hiệu quả huy động nguồn lực xã hội để xử lý các vấn đề môi trường, nhất là xử lý chất thải, tái chế, phát triển xanh và năng lượng sạch”, Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ làm tốt công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và năng lực của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, từng bước khắc phục tình trạng ngập úng tại một số TP lớn; tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp cả trước mắt và lâu dài chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…

Đọc thêm