Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày KHCN Việt Nam (18/5) năm 2018. Chủ đề Ngày KHCN Việt Nam năm nay là “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”. Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị hưởng ứng tích cực, rộng khắp, đạt hiệu quả thiết thực. Toàn quân tập trung thông tin, tuyên truyền, giáo dục bộ đội nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của KHCN, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), nhằm thúc đẩy phát triển KHCN quân sự cả bề rộng và chiều sâu.
Dịp này, các cơ quan tổng kết, đánh giá, phát động phong trào nghiên cứu KHCN, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; trưng bày, giới thiệu thành tựu, kết quả, sản phẩm KHCN; hội thảo, tọa đàm, giao lưu giữa các cơ quan quản lý KHCN với các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ KHCN trong và ngoài quân đội. Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ sở KHCN địa phương, bộ, ngành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày KHCN Việt Nam; đề xuất giải pháp ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ quân sự, quốc phòng; tổ chức gặp mặt, tôn vinh các tập thể, nhà khoa học, cán bộ quản lý KHCN, nhà giáo, trí thức quân đội tiêu biểu; đồng thời xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác KHCN quân sự ra toàn quân.
Thời gian qua, toàn quân đã triển khai tích cực, đồng bộ công tác KHCN, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả, từng bước đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn của Quân đội. Khoa học nghệ thuật quân sự đã tập trung nghiên cứu dự báo, phục vụ Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối quân sự, tổ chức lực lượng, hoàn thiện và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Khoa học xã hội và nhân văn quân sự chú trọng vào nghiên cứu phát triển lý luận, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và lực lượng vũ trang; nâng cao hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự đã tập trung nghiên cứu, từng bước làm chủ thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí thông thường; tiếp cận một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn có trình độ cao; tăng cường chuyển giao tiến bộ KHCN. Lĩnh vực nghiên cứu y-dược học quân sự cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, Quân đội đã đi đầu trong lĩnh vực cấy ghép tạng, điều trị bỏng và nhiều kỹ thuật cao khác trong chẩn đoán, điều trị bệnh phục vụ bộ đội và nhân dân.
Bộ Quốc phòng chú trọng đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho công tác chỉ huy điều hành trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật và thực hiện các nhiệm vụ bảo quản, sửa chữa, cải tiến, thiết kế, chế tạo và sản xuất quốc phòng... Các công nghệ mũi nhọn đã từng bước hòa nhập với sự phát triển của quốc gia, tạo tiềm lực KHCN phục vụ Quân đội ngày càng tốt hơn.
Thành tựu đáng chú ý nhất của Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam trong năm 2016 là việc Nhà máy A32 thuộc Cục Kỹ thuật - Quân chủng Phòng không - Không quân đã sửa chữa lớn, tăng hạn sử dụng thành công cho tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526. Theo nhận định, loại chiến đấu cơ này sẽ phục vụ thêm được 8 - 9 năm nữa. Kết quả này là bước đi vững chắc để Nhà máy A32 tiến tới đại tu, phục hồi khả năng bay cho toàn bộ phi đội Su-27SK/UBK, cũng như chuẩn bị chuyển sang tiêm kích Su-30MK2 hiện đại, giúp tiết kiệm ngân sách quốc phòng cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Trong năm 2016, Quân chủng Phòng không - Không quân còn tiếp nhận nhiều bộ khí tài tối tân do trong nước sản xuất như 3 đài radar RV-02 với nhiều tính năng cải tiến tốt hơn so với đài RV-01; hay máy hỏi MH-VN1 của Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân đã được đối tác Israel chọn làm thiết bị đủ điều kiện lắp trên tổ hợp tên lửa Spyder.
Bên cạnh đó là chế tạo thành công máy trả lời MTL-VN2 trang bị cho trực thăng Mi-8 và cường kích Su-22M4, thiết bị mã mật 6110-VN2 cho tiêm kích đa năng Su-30MK2 và lắp đặt thử nghiệm hệ thống cho các tàu thuộc Quân chủng Hải quân.
Năm 2017 tiếp tục ghi nhận bước phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp đóng tàu quân sự trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam. Tổng cục CNQP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chuẩn bị kịp thời các yếu tố bảo đảm triển khai sản xuất, sửa chữa 149 lượt sản phẩm từ các nguồn ngân sách với tổng giá trị 2.246,7 tỷ đồng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn theo hợp đồng đã ký.
Được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ sửa chữa, sản xuất các sản phẩm quốc phòng từ nguồn ngân sách đặc biệt, gồm 66 sản phẩm trong năm 2017 các đơn vị đã sửa chữa, sản xuất 32 chủng loại sản phẩm… Các sản phẩm đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao sản phẩm trong qúy I năm 2018… Công tác đóng mới, bảo đảm kỹ thuật tàu quân sự được triển khai bảo đảm chất lượng và tiến độ. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành đóng mới 21 tàu quân sự; hoàn thành sửa chữa 75 lượt tàu quân sự...
Tổng Công ty Sông Thu trong vài năm qua đã đóng mới 60 tàu biển hiện đại, giá trị lớn phục vụ an ninh quốc phòng và xuất khẩu sang 20 quốc gia trên thế giới. Có thể kể ra đây một số chủng loại tiêu biểu như tàu tuần tra đa năng DN 2000 phục vụ nhu cầu của Cảnh sát Biển và Kiểm ngư, tàu tuần tra cao tốc Stan Patrol (SPa) 4207 đóng cho bộ đội biên phòng hay tàu cung ứng thuyền viên FSC 5009 xuất khẩu cho nhiều đối tác nước ngoài.
Tổng Công ty Ba Son là một điểm sáng khác, đơn vị là nơi thực hiện hợp đồng đóng các tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 cho Hải quân nhân dân Việt Nam. Đóng mới và bàn giao đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng 6 tàu tên lửa Molniya 1241.8 chính là tiền đề để Ba Son tiến lên đóng tiếp những chiến hạm có lượng giãn nước lớn hơn cùng vũ khí tối tân hơn cho Hải quân nhân dân Việt Nam.