Những tình cảm sâu sắc của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với Đất mỏ anh hùng

(PLVN) - Là lãnh đạo cấp cao của Đảng, không chỉ chăm lo cho sự nghiệp chung của quốc gia, dân tộc, sinh thời, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn có nhiều trăn trở, nặng lòng với sự phát triển của Quảng Ninh - mảnh đất được đồng chí ví như “Nơi hội tụ của rồng”. 
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, dù là khi đương chức hay đã nghỉ hưu, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng đều dành tình cảm rất lớn và nhiều kỷ niệm đẹp với Quảng Ninh - Đất Mỏ anh hùng. 
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới thăm Mỏ than Cọc Sáu (nay là Công ty CP Than Cọc Sáu), ân cần thăm hỏi, trò chuyện, động viên anh chị em công nhân vào ngày 14/10/2000. Ảnh:Công Chác. 

Ngày 14/10/2000 là một ngày đáng nhớ của Công ty CP Than Cọc Sáu, lúc đó là Mỏ than Cọc Sáu, khi được đón đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới thăm. Gần 20 năm sau ngày ý nghĩa đó, nhớ lại, ông Vũ Ngọc Thấn, nguyên Chánh Văn phòng Mỏ than Cọc Sáu vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động...

“Ngày ấy, với chức trách là Chánh Văn phòng Mỏ, tôi được giao trách nhiệm phụ trách toàn bộ công tác hậu cần, chuẩn bị để đón tiếp đồng chí Lê Khả Phiêu về thăm Mỏ nhân chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh. Hồi hộp lắm chứ. Mấy anh em lúc đó cứ nghĩ việc đón tiếp đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng sẽ căng thẳng, áp lực lắm.

Nhưng khi đoàn xe đến, đồng chí Tổng Bí thư bước từ trên xe xuống, không cần người mở cửa, mặc chiếc áo kaki cũng đã bạc màu, với nụ cười tươi và cái vẫy tay chào thân thiện... sự căng thẳng của anh em Mỏ chúng tôi không còn chút nào nữa.

Tổng Bí thư rất giản dị, đến bắt tay từng đồng chí lãnh đạo Mỏ, ân cần hỏi han từng người một. Cuộc làm việc với lãnh đạo Mỏ diễn ra nhanh lắm. Sau khi nghe qua tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tổng Bí thư muốn đi thăm khai trường. Đoàn lên xe đi ngay.

Lên đến Mỏ, sau vài phút ngắm toàn cảnh khai trường, Tổng Bí thư bảo anh em chúng tôi dẫn đi thăm anh chị em công nhân đang trực tiếp lao động sản xuất. Ngay gần đó ngẫu nhiên có một tốp công nhân đang làm việc, tôi chạy trước, hô to: "Anh chị em ơi, có đồng chí Tổng Bí thư đến thăm anh chị em ơi!".

Tổng Bí thư đến, cười tươi, ân cần bắt tay, hỏi han từng người: “Các cô, các chú làm việc có vất vả không? Ăn có đủ no, mặc có đủ ấm không? Lương được khá chứ?” Anh chị em công nhân đáp lời, Tổng Bí thư tươi cười, rồi động viên: “Mong các cô các chú dốc sức lao động, góp công xây dựng Đất Mỏ Quảng Ninh và cả Tổ quốc.”...

Đồng chí Lê Khả Phiêu giản dị, gần gũi, không có chút khoảng cách nào với anh em công nhân mỏ tay lấm bùn than. Ảnh: Công Chác 

Khóe mắt rưng rưng lệ, ông Thấn không ngăn được cảm xúc tiếc thương đồng chí Lê Khả Phiêu khi nhìn lại bức ảnh trên khai trường Mỏ Cọc Sáu năm ấy được treo trang trọng trong Phòng Truyền thống. Trong ảnh, ông Thấn đứng ngay sát cạnh đồng chí Tổng Bí thư đang vui vẻ, trò chuyện cùng anh chị em công nhân.

Nối tiếp mạch nguồn câu chuyện, ông Đoàn Trường Ánh, Phó Chủ tịch Công Đoàn Công ty CP Than Cọc Sáu, ngày ấy là Bí thư Đoàn Thanh niên Mỏ than Cọc Sáu vẫn nhớ như in lời đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu căn dặn công nhân, cán bộ đơn vị: “Các cô chú khỏe, làm thật nhiều than cho Tổ quốc và cố gắng xây dựng Mỏ than Cọc Sáu trở thành đơn vị anh hùng”.

Ông Ánh chia sẻ: “Khắc ghi và làm theo lời căn dặn, động viên đó, 20 năm qua, Mỏ than Cọc Sáu, nay là Công ty CP Than Cọc Sáu luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, trở thành một trong những lá cờ đầu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đời sống của cán bộ, công nhân Công ty ngày càng được nâng cao, thu nhập ổn định”.

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tặng tỉnh Quảng Ninh tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm và làm việc tại tỉnh vào tháng 10/2000. Ảnh: Công Chác 

Khi còn đương nhiệm đến khi về hưu, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhiều lần về thăm và làm việc tại Quảng Ninh. Trong chuyến thăm, làm việc tại Quảng Ninh từ ngày 13 đến 15/10/2000, Tổng Bí thư đã lưu ý: Quảng Ninh phải trở thành một khu vực công nghiệp hiện đại của Việt Nam. Lấy công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm mục tiêu khi xác  định cơ cấu kinh tế. Trong công tác xây dựng Đảng, lấy việc giữ gìn, củng cố đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân quy tụ lòng tin trong nhân dân, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, tất cả phải vì nhân dân phục vụ.

Tổng Bí thư cho rằng cái quan trọng nhất lúc bấy giờ đối với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cần xem xét một cách nghiêm túc, thấu đáo là 2 vấn đề: Thứ nhất, trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã có bước tiến bộ về mọi mặt, vậy bước tiến bộ ấy dựa trên cơ sở nguyên nhân nào mà có? Thứ 2 là vì sao trong thời gian đó, Quảng Ninh lại chưa phát huy được hết được tiềm năng, vì sao những thành tựu đạt được lại chưa tương xứng với thế mạnh của mình?

Thời điểm đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới thăm và làm việc tại Quảng Ninh chính là thời điểm quan trọng, then chốt khi tỉnh chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2000 - 2005. Lúc đó, Tổng Bí thư đã căn dặn tỉnh: Cần phải làm rõ nguyên nhân tích cực và tiêu cực.

Nguyên nhân từ phía địa phương và cả từ phía Trung ương, nguyên nhân khách quan và cả chủ quan. Tất cả những đánh giá, xem xét một cách toàn diện ấy phải được thể hiện đầy đủ trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh để toàn thể đảng viên của Đảng bộ nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Đồng chí nhấn mạnh: Việc định hướng phát triển, đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch những năm tới cần xác định trên cơ sở Quảng Ninh là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, lại là cửa ngõ của Tổ quốc. Đồng chí nói: “Quảng Ninh cần phải nhìn ra cả nước và cả nước cũng đang nhìn vào Quảng Ninh... Với vị trí trọng điểm, chiến lược của mình, Quảng Ninh buộc phải phát triển cao hơn, nhanh hơn...".

Nhà báo Lê Toán, lúc đó là Quyền Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh với bức ảnh được ông coi là "báu vật" của mình khi cùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc Báo Quảng Ninh. Ảnh: Công Chác 

20 năm đã qua đi kể từ thời điểm đồng chí Lê Khả Phiêu, khi đó là Tổng Bí thư tới thăm và làm việc với Quảng Ninh, những lời căn dặn, động viên, khích lệ và kỳ vọng của đồng chí với Quảng Ninh đã, đang thành hiện thực. Định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thời điểm đó chính là tiền đề, nền tảng quan trọng để Đảng bộ, chính quyền tỉnh học tập, làm theo.

Từ một tỉnh nông nghiệp, Quảng Ninh đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững sang công nghiệp và dịch vụ. Diện mạo thành thị, nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao. GRDP bình quân đầu người năm 2019 ước đạt trên 6.700 USD người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%...

Cùng là một trong những người được đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ưu ái dành cho nhiều tình cảm, lại là “đạo diễn” trực tiếp chỉ đạo anh em phóng viên Báo Quảng Ninh ngày ấy tác nghiệp sự kiện Tổng Bí thư về thăm và làm việc tại Quảng Ninh, ông Lê Toán, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, chia sẻ: “Trong chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào tháng 10/2000, tôi cùng một số anh em phóng viên lúc ấy, gồm anh Quốc Huấn cùng phóng viên ảnh Công Chác đã ghi lại được rất nhiều hình ảnh đẹp của đồng chí Lê Khả Phiêu tại Quảng Ninh.

Ấn tượng tôi không thể nào quên về Tổng Bí thư chính là sự giản dị, mộc mạc, ân cần, gần gũi với nhân dân. Khi thăm Cảng Quảng Ninh, Nhà máy Dầu thực vật Cái Lân, Mỏ Núi Béo, Mỏ Cọc Sáu, giữa vị lãnh đạo cao nhất của Đảng khi đó và anh em công nhân tay nhoen dầu máy, lấm bùn than hoàn toàn không có chút khoảng cách nào.

Tư tưởng trọng dân, gần dân đó của đồng chí Tổng Bí thư đã được anh em Báo Quảng Ninh ngày ấy thực hiện ngay khi số báo ngày 17/10/2000 đưa tin các hoạt động của đồng chí Tổng Bí thư tại Quảng Ninh, bức ảnh đồng chí ân cần trò chuyện, thăm hỏi, động viên công nhân Mỏ than Cọc Sáu được chọn làm ảnh “đinh”, in to và trang trọng nhất ngay dưới măng-sét số báo.”

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tặng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Quảng Ninh một phiên bản trống đồng Ngọc Lũ nhân dịp kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, vào ngày 20/8/2011. Ảnh: Đỗ Phương. 

Lật lại quyển album ảnh riêng về chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh ngày ấy của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Lê Toán không ngăn được cảm xúc nghẹn ngào, rưng rưng khi đưa tay lên tấm ảnh được ông coi như “báu vật” khi mình đứng bên cạnh đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng đọc tờ Báo Quảng Ninh, trang trọng ngay trang nhất của số báo là bài viết của chính đồng chí về công tác dân vận của Đảng...

Bức ảnh đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc Báo Quảng Ninh do nhà báo Công Chác chụp sau này cũng trở thành một "kỷ vật" chung của các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Quảng Ninh. Bức ảnh không những được phóng to, treo trang trọng tại phòng của đồng chí Tổng Biên tập, mà còn được nhà báo Công Chác rửa ra, ép plastic, tặng riêng mỗi anh chị em phóng viên một bức.

Sau này, khi đã làm tròn trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, được về nghỉ hưu theo chế độ, đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn dành cho Quảng Ninh một tình cảm vô cùng đặc biệt. Ngày 30/8/2011, đồng chí Lê Khả Phiêu đã quay trở lại thăm Quảng Ninh và tặng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh một phiên bản trống đồng Ngọc Lũ nhân dịp kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.

Kỷ vật quý giá do đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư trao tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh có khắc các biểu tượng tượng trưng cho cuộc sống, văn hóa người Việt và nét văn hóa đặc trưng của người dân Quảng Ninh như: Chùa Đồng (Yên Tử), Hòn Trống Mái, cầu dây văng Bãi Cháy, Cột mốc biên cương nơi địa đầu Móng Cái, khai thác than của công nhân mỏ… Cùng dòng thơ đề tặng được khắc chuẩn theo nguyên mẫu chữ viết tay của bác: “Quảng Ninh đất mỏ anh hùng/ Rạng ngời truyền thống Lạc Hồng Việt Nam”.

Chiếc trống đồng được đồng chí Lê Khả Phiêu tặng cho tỉnh Quảng Ninh khắc những biểu tượng tượng trưng cho cuộc sống, văn hóa người Việt và nét văn hóa đặc trưng của người dân Quảng Ninh cùng 2 câu thơ viết tay đề tặng, thể hiện rõ tình cảm, kỳ vọng của đồng chí với Quảng Ninh. 

Trong ngày về thăm đó, đồng chí Lê Khả Phiêu bày tỏ: Trong suốt các cuộc kháng chiến trường kỳ, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh luôn phát huy tinh thần của công nhân mỏ, kiên cường, bất khuất, năng động, sáng tạo, góp phần lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, dù còn nhiều khó khăn nhưng bằng ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh cũng luôn nỗ lực tìm tòi, đoàn kết, phát huy sức mạnh, cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đạt được những thành tựu to lớn.

Đồng chí Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: Quảng Ninh là tỉnh vùng biên, do vậy song song với việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện về an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Đồng chí một lần nữa bày tỏ niềm tin rằng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh sẽ phát huy tốt tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy sức trẻ, xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước...

Ông Vũ Ngọc Thấn (bên phải), nguyên Chánh Văn phòng Công ty CP Than Cọc Sáu và ông Đoàn Trường Ánh, Phó Chủ tịch Công đoàn, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty CP Than Cọc Sáu ôn lại kỷ niệm ngày Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm Mỏ qua bức ảnh được treo trang trọng trong Phòng Truyền thống. 

Cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc cùng tình cảm, sự quan tâm của đồng chí dành cho Quảng Ninh sẽ mãi là điểm tựa, là nguồn động viên tinh thần để cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Ninh không ngừng nỗ lực vươn lên, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.

Đọc thêm