Hôm qua (24/8), phiên tòa xét xử Phương “Ninh hột” tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Đã xuất hiện nhiều tình tiết có lợi cho các bị cáo bắt nguồn từ nhân chứng và người nhà của các bị hại.
Người nhà bị hại xin giảm án cho các bị cáo
Phía gia đình hai bị hại đều khẳng định họ đã nhận được những khoản tiền bồi thường và thái độ tích cực từ phía gia đình của các bị cáo.
|
Các bị cáo trước vành móng ngựa |
Trong đó, đại diện gia đình nạn nhân Lê Văn Điệp đã xin cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất, và khẳng định dù Tòa có phán quyết như thế nào cũng không kháng cáo, bởi lẽ người chết thì cũng đã chết rồi, oán thù nên được hóa giải.
Tuy nhiên, gia đình nạn nhân Điệp đề nghị Tòa làm rõ nguồn cội mâu thuẫn giữa Phương “Ninh hột” và Vinh “trắng”, làm rõ ai là người chỉ huy xuyên suốt toàn bộ vụ giết người này?
Đại diện gia đình nạn nhân Nguyễn Minh Trí - ông Văn (cha nạn nhân) khẳng định trước Tòa rằng, trước đây trong lúc đầu óc không được tỉnh táo nên ông có viết và gửi một lá đơn xin giảm nhẹ mức án cho các bị cáo (?). Tuy nhiên trước Tòa, việc ông có rút lại lá đơn đó hay không còn phụ thuộc vào thái độ của các bị cáo tại phiên tòa.
Nhân chứng khai: “Chung chỉ vào can ngăn việc đánh nhau”
Tại Tòa, nhân chứng Nguyễn Văn Bốn (công nhân) khai rằng, có thấy mấy người đấm đá hai anh Điệp và Trí, còn Chung chạy vào... can ngăn và nói: “Chúng mày không được đánh nhau!” (?). Theo Bốn, lúc đó Chung bị một người đẩy ra và người này nói: “Đây không phải việc của ông, tôi làm tôi chịu”. Trong lúc xảy ra đánh nhau, anh Trí có rút ra một khẩu súng nhưng bị đá văng đi. Sau đó anh Trí bị một người cầm súng bắn vào đùi. Thấy tình trạng các nạn nhân như vậy, Chung còn yêu cầu đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Khi được hỏi là đi cấp cứu ở đâu thì Chung có nói là đi Móng Cái thì xa, chỉ sợ không kịp nên đưa sang... Trung Quốc (?).
Trong số các nhân chứng trong vụ án, có một người là cán bộ biên phòng (đóng quân tại xã Hải Sơn) cho biết, chiều hôm xảy ra vụ án, anh ta nghe thấy tiếng súng nổ. Khi đến địa điểm xảy ra vụ đánh nhau, anh thấy anh Điệp và anh Trí đang bị một số người khác vây đánh. Anh định vào can thiệp nhưng lượng sức mình không đủ nên đã quay xe về báo cáo cho chỉ huy. Khi quay lại thì thấy không còn ai ở đó nên đã tiến hành lập biên bản sơ bộ tại hiện trường.
Nhân chứng Vũ Trọng Anh (còn gọi là Chíp, 24 tuổi, ở phường Đông Hải, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) khai tại Tòa là khi xảy ra đánh nhau tại bến Lục Chắn, anh ta đứng cách đó không xa, thấy anh Điệp và Trí bị đánh, đang chạy ra can thiệp thì thấy một người cầm khẩu súng màu bạc quay ra đuổi nên Trọng Anh và người bạn tên là Chiến bỏ chạy. Trước Tòa, nhân chứng này xin thay đổi lại nội dung lời khai tại cơ quan điều tra. Theo đó, anh ta chỉ nhìn thấy và nhận ra Chung (trong số những người có mặt tại hiện trường) đang chạy qua chỗ mấy người đang đánh Điệp và khua tay. Theo nhận định trước Tòa của nhân chứng này, hành động đó là để... can ngăn việc đánh nhau (!).
Nhân chứng Đoàn Quyết Chiến (22 tuổi) khẳng định, những lời khai trong lần lấy lời khai đầu tiên của nhân chứng này tại cơ quan điều tra (đêm xảy ra vụ án - 30/5/2009) là đúng sự thực. Lần lấy lời khai thứ hai vào ngày 3/6/2009, hôm đó anh ta được Vinh “trắng” gọi đi có việc, sau đó đưa thẳng đến gặp các Điều tra viên và ép anh ta ở đó. Trước Tòa, nhân chứng này khẳng định là không nhìn thấy Phương tham gia đánh hai anh Điệp và Trí mà chỉ nhìn thấy Phương trước đó trên đường đi.
Bị cáo không nhận tội
Trong phần thẩm vấn, trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Nhâm Đức Thông khẳng định có nhìn thấy một người mặc quần áo bộ đội biên phòng xuất hiện tại hiện trường nhưng không nhận diện được người đó tại phiên tòa. Còn khi lái xe chở hai nạn nhân đang bị thương và các đối tượng Môn, Đô, Luân (những người tham gia đánh hai nạn nhân trên), bị cáo còn nghe thấy một trong hai người bị thương nói “Môn ơi, cho tao xin điếu thuốc”(?).
Bị cáo Phạm Văn Kiêm biện minh cho việc vứt khẩu súng hung khí xuống sông là để đề phòng Chấn “điên” đòi lấy lại khẩu súng đó sẽ có hậu quả khó lường.
Tại phiên tòa hôm qua, bị cáo Chung khẳng định mình vào can ngăn và đưa người đi cấp cứu. Tuy nhiên, Chung không nói gì trước lập luận của HĐXX về “lòng tốt” của Chung: “Bị cáo có lòng tốt đưa người bị nạn đi cấp cứu nhưng sau đó người ta chết, có người còn chưa tìm thấy xác. Nếu bị cáo không đưa người ta đi cấp cứu thì hậu quả xấu nhất các nạn nhân này cũng có thể sẽ tử vong, nhưng chí ít lúc này họ còn được mồ yên mả đẹp”.
Hôm nay (25/8), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần các Luật sư thẩm vấn các bị cáo và nhân chứng.
Thủy Sinh