Giám đốc này nói có mối quen biết với “nhà chức trách”, nhận “bảo kê” cho các xe quá tải trên địa bàn, thu từ 1,5 triệu đến 5,5 triệu một tháng, theo ngày thì cứ 20.000 đồng một xe. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2016, Giám đốc này đã thu về 1,7 tỷ đồng do 16 nhà xe nộp. Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã theo dõi và bắt quả tang một nhân viên đang nhận 48 triệu đồng của chủ xe tại một quán cà phê ở Bắc Ninh. Nhóm “bảo kê” này đã làm việc hiệu quả, có uy tín, cam kết nếu bị nộp phạt thì mang biên lai về sẽ được hoàn lại tiền. Những người “bảo kê” và nộp tiền “bảo kê” bị truy tố về tội Môi giới hối lộ và đưa hối lộ.
Rõ ràng, trong vụ án này, còn bỏ sót một loại tội phạm thuộc tội Nhận hối lộ, có “đưa”, có “môi giới” nhưng không có “nhận”, quả là không thể chấp nhận được theo lô gic thông thường và theo cách hiểu của nhiều người. Hiện tượng này cũng không phải hy hữu, đã có nhiều trường hợp xảy ra như vậy, bởi không tìm ra được những tội phạm nhận hối lộ, cách tốt nhất, đúng luật là khép vào tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lợi dụng tín nhiệm... Theo lời khai của thủ phạm vụ “bảo kê” này là có đưa tiền cho một số người phụ trách lĩnh vực giao thông nhưng sau đó lại phủ nhận. Vì thế, đường dây “bảo kê” bị ngắt ở chỗ lưng chừng và vẫn còn đó các tội phạm không rõ danh tính.
Tương tự và như một dẫn chứng, mới đây, một Hiệu trưởng THCS ở huyện Krong Park (Đắk Lắk) bị truy tố,bắt tạm giam về việc nhận hàng trăm triệu “chạy” biên chế giáo viên và như thường lệ, ông này bị cáo buộc hành vi phạm tội là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có thể, bởi cái vụ “chạy” mà ông ta nhận tiền nhưng không thực hiện được như cam kết nên buộc tội Lừa đảo là có cơ sở, còn các vụ khác đã được nhận vào biên chế hoặc hợp đồng thì sao?
Gần đây, diễn ra trong cùng một thời điểm, có hai sự việc trùng hợp. Tại TP. Hồ Chí Minh, một đối tượng đã dùng 2 số điện thoại liên tục gọi đến các cơ sở kinh doanh buôn bán, tự xưng là quản lý thị trường, yêu cầu nộp tiền để tránh khỏi kiểm tra. Còn ở Thừa Thiên – Huế, với thủ đoạn tương tự, kẻ tống tiền xưng là cán bộ Thuế đòi “cưa đôi” với những hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Để cho những tội phạm “mạo danh” này tồn tại, có đất sống, tức là trên thực tế, hành vi “tống tiền” này đã diễn ra, được thực hiện bằng người chính danh. Và, không bị phát hiện, tố cáo thì loại tội phạm này mãi mãi không danh tính.
“Nhổ cỏ tận gốc”, nếu không, tội phạm “bảo kê”, mạo danh tống tiền, môi giới và đưa hối lộ,... sẽ vẫn còn tiếp diễn!