Những tỷ phú mới nhờ vắc xin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về y tế toàn cầu của các nhà lãnh đạo G20, Liên minh vắc xin cho tất cả mọi người công bố con số: Ít nhất đã có chín tỷ phú mới nổi kể từ khi đại dịch Covid xảy ra, nhờ vào lợi nhuận kếch xù của các hãng dược lớn sở hữu độc quyền vắc xin Covid. 
Người dân chờ tiêm chủng ở trung tâm tiêm chủng tại Mumbai. (Ảnh: AP)
Người dân chờ tiêm chủng ở trung tâm tiêm chủng tại Mumbai. (Ảnh: AP)

Bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam cho biết: “Đây là minh chứng cho thất bại của nhân loại trong việc kiểm soát con virus quái ác này, khi chúng ta nhanh chóng tạo ra những tỷ phú vắc xin mới nhưng lại không thể tiêm chủng cho hàng tỷ người đang vô cùng cần cảm giác được an toàn”.

Tài sản lớn hơn chi phí tiêm vắc xin cho người dân các nước nghèo nhất

Theo đó, ít nhất đã có chín tỷ phú mới nổi kể từ khi đại dịch Covid xảy ra, nhờ vào lợi nhuận kếch xù của các hãng dược lớn sở hữu độc quyền vắc xin Covid, Liên minh vắc xin cho tất cả mọi người vừa công bố trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về y tế toàn cầu của các nhà lãnh đạo G20.

Các thành viên chủ chốt của G20, bao gồm Anh và Đức đang cản trở những nỗ lực thúc đẩy nguồn cung vắc xin thông qua việc chấm dứt bảo hộ độc quyền sản xuất vắc xin, trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục gây chết chóc kinh hoàng ở Ấn Độ và Nepal, nơi mới chỉ tiêm chủng được một phần nhỏ dân số.

Tổng tài sản ròng của chín tỷ phú mới nổi lên đến 19,3 tỷ đô la, nhiều gấp 1,3 lần số tiền cần thiết để tiêm ngừa cho toàn bộ dân số các quốc gia thu nhập thấp nhất. Chiếm 10% dân số thế giới, nhưng những quốc gia này chỉ mới nhận được 0,2% nguồn cung vắc xin toàn cầu, do sự thiếu hụt vắc xin trầm trọng. 

Ngoài ra, khối tài sản của tám tỷ phú hiện tại, với danh mục đầu tư rộng khắp các tập đoàn dược đang sản xuất vắc xin Covid, cũng đã tăng thêm 32,2 tỷ đô la, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ dân số Ấn Độ.

Liên minh vắc xin cho tất cả mọi người - thành viên bao gồm Global Justice Now, Oxfam và UNAIDS đã phân tích dữ liệu danh sách tỷ phú của Forbes và chỉ ra một nhóm nhỏ đếm trên đầu ngón tay những người thu lợi khổng lồ từ vắc xin do nguồn ngân sách công đầu tư.

Bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam cho biết: “Những tỷ phú này là chủ nhân của khối lợi nhuận khổng lồ mà các hãng dược lớn đang thu được từ việc nắm giữ độc quyền vắc xin. Vắc xin Covid được đầu tư từ tiền ngân sách công, nên trước hết phải là tài sản công, không phải một cơ hội kiếm lời của một số ít người. Chúng ta cần phải khẩn cấp chấm dứt sở hữu độc quyền để nhân rộng sản xuất vắc xin, giảm giá thành và triển khai tiêm chủng cho toàn thế giới”.

Các tỷ phú vắc xin nổi lên khi cổ phiếu của các công ty dược tăng mạnh, với kỳ vọng về những khoản lợi nhuận lớn thu được từ độc quyền vắc xin COVID-19. Liên minh vắc xin cho tất cả mọi người cảnh báo rằng sự độc quyền này cho phép các tập đoàn dược kiểm soát hoàn toàn nguồn cung và giá vắc xin, đẩy lợi nhuận của họ lên cao, trong khi tạo thêm khó khăn cho các nước nghèo tìm kiếm đủ số vắc xin cho người dân.

Đầu tháng này, Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc dỡ bỏ tạm thời bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19. Động thái này nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia đang phát triển. Mới đây, các nước như Tây Ban Nha đã thể hiện sự đồng thuận, cùng Giáo hoàng và hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới và những người đoạt giải Nobel. 

Không công bằng khi nhân loại còn nguy hiểm

Mặc dù vậy, nhiều quốc gia giàu có khác, gồm cả Anh và Đức vẫn đang phản đối đề xuất này và đặt lợi ích của các công ty dược lên trước phúc lợi của nhân loại. Ý, nước sẽ đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G20 về Y tế toàn cầu, vẫn giữ vị trí trung lập, giống như Canada và Pháp.

Bà Heidi Chow, Quản lý Cấp cao về Chính sách và Chiến dịch của Global Justice Now cho biết: “Trong khi Ấn Độ có hàng nghìn người chết mỗi ngày, thật khó để chấp nhận rằng Anh, Đức và nhiều quốc gia khác muốn đặt lợi ích của các tỷ phú sở hữu các tập đoàn dược lớn lên trước nhu cầu khẩn thiết của hàng triệu người”.

“Chúng ta đang có những loại vắc xin hiệu quả cao, được phát minh nhờ số tiền thuế khổng lồ của người dân. Thật không công bằng khi một số cá nhân đang thu lợi từ vắc xin, trong khi hàng trăm triệu người phải đối mặt với làn sóng thứ hai và thứ ba mà hoàn toàn không được bảo vệ. Điều này tố cáo một số chính phủ đã phản bội người dân, cho phép một số ít người làm việc cho các hãng dược trở thành tỷ phú, trên những đồng thuế do người dân đóng góp để chấm dứt đại dịch”.

Đứng đầu danh sách các tỷ phú mới nổi từ vắc xin Covid là các giám đốc điều hành của Moderna và BioNTech, với khối tài sản trên bốn tỷ đô la. Danh sách cũng có tên của hai nhà đầu tư sáng lập ra Moderna và chủ tịch của công ty, cũng như giám đốc điều hành của một công ty sở hữu thoả thuận sản xuất và đóng gói vắc xin Moderna, bất chấp thực tế phần lớn nguồn tài trợ cho vắc xin Moderna là do người nộp thuế chi trả. Ba tỷ phú mới nổi còn lại là đồng sáng lập của Công ty vắc xin CanSino Biologics của Trung Quốc.

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành UNAIDS, cho biết: “Trong khi các công ty thu được lợi nhuận khổng lồ từ vắc xin COVID và từ chối chia sẻ khoa học và công nghệ của họ để tăng nguồn cung vắc xin toàn cầu, thế giới đang tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ các biến thể mới có thể vô hiệu hoá vắc xin và đẩy nhân loại vào vòng hiểm nguy một lần nữa. Chúng ta đã phải trả một cái giá khủng khiếp bằng tính mạng con người cho đại dịch. Việc lợi nhuận tiếp tục được đặt lên trên sinh mạng là điều đáng lên án”…

Tài sản của các tỷ phú mới nổi có thể tiêm vắc xin cho toàn bộ các nước thu nhập thấp 1,3 lần

Liên minh vắc xin cho tất cả mọi người là một chiến dịch vận động của các tổ chức y tế, nhân đạo và quyền con người, các nhà lãnh đạo thế giới, chuyên gia y tế, các nhà lãnh đạo tín ngưỡng và các nhà kinh tế học, ủng hộ việc vắc xin COVID-19 được sản xuất nhanh chóng ở quy mô lớn, được coi như tài sản chung toàn cầu, không có bảo hộ sở hữu trí tuệ và được cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người ở mọi quốc gia

Số liệu về tiêm chủng cho tất cả các quốc gia nghèo nhất dựa trên định nghĩa về các nước thu nhập thấp, với dân số là 775.710.612 người (theo Quỹ Dân số Liên Hợp quốc năm 2020). Chi phí vắc xin trung bình, 19 đô la, dựa trên trung bình của chi phí vắc xin tầm trung của 5 nhà sản xuất hàng đầu. Tuy nhiên, giá thực tế thấp hơn nhiều, và con số 19 đô la chỉ mang tính minh hoạ, không thể hiện sự ủng hộ cho những mức giá cao đến phi lý này. Tài sản của các tỷ phú mới nổi có thể tiêm vắc xin cho toàn bộ các nước thu nhập thấp 1,3 lần. Dân số Ấn Độ (theo Dân số Liên Hợp quốc năm 2020) là 1,38 tỷ người và khối tài sản gia tăng của 8 tỷ phú hiện nay có thể tiêm chủng cho toàn thể người dân Ấn Độ 1,2 lần. Tất cả số liệu được tính toán dựa trên cơ chế tiêm vắc xin 2 mũi.

Đọc thêm