Những vấn đề nóng tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội

(PLVN) - Ngày 9/7, Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV dành một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. 3 nhóm nội dung đã được lựa chọn để tái chất vấn tại kỳ họp nhằm tiếp tục xem xét nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn và có những giải pháp đủ mạnh để thúc đẩy hiệu quả hơn công việc.
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp

Kiên quyết xử lý dự án chậm triển khai 

Ba nhóm nội dung đó là tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP; thực hiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP và nội dung thứ 3 là công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, việc chất vấn 3 nhóm vấn đề trên không chỉ đáp ứng yêu cầu của các vị đại biểu HĐND TP (ĐB) mà còn đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Giải trình tại phiên chất vấn về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, đối với 18 dự án vi phạm mà TP đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, các chủ đầu tư vi phạm việc bồi thường hỗ trợ theo quy định khi Nhà nước thu hồi đất, khi rà soát lại cho thấy, các trường hợp này chậm thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), các tổ chức không phối hợp, không kê khai kiểm đếm đo vẽ để Hội đồng GPMB quận, huyện tiến hành GPMB, không cung cấp tài liệu, không bàn giao nhà xưởng, không liên lạc được… Theo ông Đông, Sở đã kiến nghị các quận, huyện tổ chức GPMB với 18 dự án này, nếu chủ đầu tư không phối hợp thì tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Còn theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền, trên cơ sở Thông báo số 18 của HĐND TP, TP đã ban hành kế hoạch, giao rõ trách nhiệm cho các sở, ngành. Sở KH&ĐT được giao nhiệm vụ rà soát lại 47 dự án mà Chủ tịch UBND TP có chỉ đạo giải trình. Trong đó, có 8 dự án nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh, giao Sở TN&MT chủ trì; còn 39 dự án giao Sở KH&ĐT rà soát và tham mưu, xử lý.

Trong 39 dự án, đến nay, có 33 dự án, Sở đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND TP, có hướng xử lý. Theo Giám đốc Sở KH&ĐT, qua quá trình rà soát, một số dự án có tính pháp lý chưa đủ, các sở, ngành, địa phương chưa chủ động, nhiều chủ đầu tư chây ỳ, chưa nghiêm túc thực hiện, không báo cáo. 

Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các cấp ngành của TP phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa thu hồi dự án chậm triển khai, làm rõ trách nhiệm “chứ không thể huyện bảo sở, sở lại nói huyện”.

Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, qua hoạt động giám sát của HĐND TP có 38/78 dự án có quyết định thu hồi nhưng chưa thực hiện theo quyết định. Chủ tịch HĐND TP đề nghị các sở, ngành rà soát chính xác lại 18 dự án này cho “đúng địa chỉ” để giải quyết vướng mắc. “Cần kiên quyết xử lý các chủ đầu tư vi phạm, chây ỳ, không để phát sinh vi phạm mới”, Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.

Xử phạt hơn 10.000 trường hợp vi phạm PCCC

Ở nội dung chất vấn về công tác đảm bảo an toàn PCCC, Trưởng ban Pháp chế của HĐND TP Nguyễn Hoài Nam đề cập đến nhiều vụ cháy nghiêm trọng, diễn biến phức tạp xảy ra thời gian qua và đề nghị Giám đốc Công an TP làm rõ vấn đề hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý của Cảnh sát PCCC cũng như tham mưu của Công an TP có tham mưu để giải quyết triệt để vấn đề này.

Ông Nam cũng bày tỏ băn khoăn về việc còn hơn 1.100 chung cư cũ, tình trạng kinh doanh tại tầng 1, cầu thang, bịt lối thoát nạn, lắp chuồng cọp, thiếu hệ thống cảnh báo cháy và đề nghị Công an TP làm rõ giải pháp để hạn chế thiệt hại nếu xảy ra cháy tại các chung cư này.

Trả lời chất vấn tại phiên họp, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, từ năm 2016 đến nay, Công an TP đã kiểm tra hơn 123.800 lượt cơ sở, lập hơn 123.800 biên bản kiểm tra hướng dẫn về PCCC; kiến nghị cơ sở khắc phục hơn 280.000 trường hợp còn tồn tại, thiếu sót về PCCC; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp với số tiền gần 30 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ 1.520 trường hợp, tạm đình chỉ 1.025 trường hợp.

Theo Giám đốc Công an TP, đến nay, Công an TP đang đình chỉ hoạt động 1.150 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 204 cơ sở, chủ yếu thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke và một số hạng mục thuộc công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, chợ vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn PCCC…

Đọc thêm