Những việc làm trái luật khi tuyển dụng công chức

 Thời gian qua, một số địa phương, thậm chí là các bộ, ngành khi tuyển dụng công chức đã đưa ra những điều kiện rất khó cho ứng viên, như: phải tốt nghiệp loại khá, phải học hệ chính quy, phải là sinh viên trường công lập…

Thời gian qua, một số địa phương, thậm chí là các bộ, ngành khi tuyển dụng công chức đã đưa ra những điều kiện rất khó cho ứng viên, như: phải tốt nghiệp loại khá, phải học hệ chính quy, phải là sinh viên trường công lập…
Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Làm khó ứng viên

Các điều kiện trên đặt ra với một mục tiêu rất rõ ràng là nhằm lựa chọn công chức, viên chức có chất lượng bằng việc thắt chặt đầu vào. Vì điều kiện đó mà hàng chục nghìn sinh viên mới ra trường không được bằng khá, sinh viên các trường dân lập hoặc sinh viên học hệ “vừa học vừa làm” (hệ tại chức cũ) bị loại ngay từ vòng hồ sơ.

Cách tuyển dụng công chức bằng việc sàng lọc từ khâu hồ sơ trên đã cho thấy một định kiến khá rõ ràng của các cơ quan tuyển dụng là “ưu tiên học gạo”, cơ hội chỉ dành cho những người có bằng tốt nghiệp loại khá. Thậm chí, các cơ quan này còn coi thường ra mặt những sinh viên theo học các trường dân lập hoặc tại chức. Khó mà chối cãi được thái độ coi thường chất lượng giáo dục thông qua bằng cấp của các cơ quan tuyển dụng.

Nhưng thật không công bằng đối với những người có bằng cử nhân nhưng do các trường dân lập cấp hay không đạt loại “khá” chỉ vì thiếu có 0,5 điểm… khi họ không được tham gia ứng thí vào các vị trí trong cơ quan công quyền. Cách tuyển dụng này cũng thể hiện tư duy… phân biệt đối xử với các công dân có quyền như nhau. Đây là việc làm trái pháp luật?.

Pháp luật cấm phân biệt

Những việc làm trái luật khi tuyển dụng công chức ảnh 2
 

Về thực trạng này, Luật sư Nguyễn Minh Anh, Văn phòng Luật sư Trí Minh cho biết: Theo Điều 36, Luật Công chức thì khi tuyển dụng công chức, các điều kiện về bằng cấp chỉ là “có văn bằng, chứng chỉ phù hợp”. Điều này được hiểu, đối với mỗi vị trí tuyển dụng, người tham gia dự tuyển cần phải được đào tạo về chuyên môn phù hợp với vị trí đó. Pháp luật không phân biệt đối xử với các công dân tham gia thi tuyển công chức theo tiêu chí là học trường nào, được đào tạo theo loại hình nào, xếp loại tốt nghiệp như thế nào.

Đánh giá về việc các đơn vị tuyển dụng tự đặt ra các tiêu chuẩn riêng mà pháp luật không quy định, trong đó có việc loại các ứng viên tốt nghiệp các trường dân lập hoặc không tốt nghiệp “loại khá trở lên”, Luật sư Minh Anh cho rằng, việc đưa ra điều kiện như vậy là để sàng lọc ứng viên tham gia ngay từ giai đoạn nhận hồ sơ. Điều này có thể nhằm mục đích hạn chế số lượng ứng để thuận lợi cho việc tổ chức thi tuyển. Việc đưa ra các điều kiện trên là nhằm mục tiêu lựa chọn được người có năng lực, phẩm chất tốt. Vì, cơ quan, đơn vị tuyển dụng không thể những người có bằng tốt nghiệp loại khá với năng lực chuyên môn vì khoảng cách giữa bằng khá và bằng trung bình khá không phải là quá xa.

Bên cạnh đó, bằng cấp loại gì, do trường nào cấp cũng đều nằm trong một hệ thống giáo dục và phải được tôn trọng như nhau. Không thể loại bỏ quyền tham gia dự thi tuyển dụng công chức của công dân theo cách nghĩ chủ quan của đơn vị tuyển dụng là trường công thì tốt hơn trường tư, bằng khá thì tốt hơn bằng trung bình khá. Cách nghĩ này là trái pháp luật và tạo ra hệ quả xấu đối với xã hội.

Theo LS Minh Anh những tác động xấu của quan điểm tuyển dụng như trên rất dễ nhìn thấy đó là sự thiên vị không có căn cứ pháp luật mà đơn vị tuyển dụng tự đặt luật cho kỳ thì tuyển dụng. Điều này tiếp tục làm tăng thái độ kỳ thị đối với bằng tại chức vì cho rằng người có bằng này “dốt” và sẽ không khuyến khích người dân theo học hệ vừa học vừa làm. Việc chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trường công thì dẫn đến áp lực đối với các trường công và làm hỏng chủ chương xã hội hóa giáo dục và phát triển các trường đạo tạo tư thục, dân lập…

Luật sư Nguyễn Minh Anh, Văn phòng Luật sư Trí Minh: “Tôi cho rằng, nghiêm trọng hơn cả là sự không công bằng, không bình đẳng trong xã hội được tạo ra bởi tư duy, suy nghĩ chủ quan của đơn vị tuyển dụng. Tài giỏi hay không qua tuyển dụng sẽ biết. Vì thế, theo pháp luật thì phải cho tất cả những ai có “văn bằng, chứng chỉ phù hợp” và đáp ứng các điều kiện quy định trong luật được tham gia thi tuyển”.

Bình Minh

Đọc thêm