Cuộc đời lênh đênh nay đây mai đó trên những chuyến “du thuyền” cùng gia đình tưởng chừng cướp đi cơ hội học hành của những đứa trẻ nghèo miền Tây. Thế nhưng 15 năm nay, những thầy giáo mang quân hàm xanh ở hai huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng (Long An) lặng lẽ đến với những phận đời lênh đênh đó.
Vào mùa mưa lũ, những người lính biên phòng lại miệt mài chèo đò đưa các em tới trường. |
Khi binh nhất đi làm thầy giáo
Những câu chuyện về những người thầy giáo mang quân hàm xanh tưởng chừng chỉ có cách đây mười năm về trước. Thế nhưng, hiện nay ở vùng biên giới Long An vẫn còn những lớp học đầy ý nghĩa như thế. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui, hạnh phúc với những người lính biên phòng.
Mười lăm năm qua, người dân nghèo lang thang ở xã Hưng Điền A huyện Vĩnh Hưng và xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng đã quen thuộc với hình ảnh những người lính biên phòng đi làm thầy giáo dạy con em mình. Hàng trăm hộ gia đình sống trên những chiếc thuyền chật chội theo kiểu “du mục” trên các dòng sông để kiếm sống qua ngày nên cơ hội đến trường với những đứa trẻ trở thành xa vời vợi. Thấy được cái nghèo cái khó của đồng bào nên năm 1996, các chiến sĩ biên phòng ở hai đồn 889 và 893 đã dạy chữ cho các cháu.
Những ngày đầu cơ sở vật chất rất thiếu thốn, bà con cũng chưa tin lắm vào sự dạy dỗ của những người lính suốt ngày chỉ biết cầm cuốc xẻng và thao trường. Thói quen của đồng bào là vậy, họ cũng e ngại không biết cho con em mình đi học có giải quyết được vấn đề gì không hay rồi cũng như cuộc đời trên sông nước nay đây mai đó. Vậy mà những khúc mắc đó đã dần được những người lĩnh biên phòng hóa giải. Để các cháu đến trường, BĐBP phải trực tiếp cùng với các hội đoàn thể chèo đò vượt sông len lõi đến từng hộ gia đình vận động cả phụ huynh và các cháu.
Đến mùa nước lũ dâng cao, nhiều gia đình bắt các cháu ở nhà đi cắt lúa chạy lụt nên tình trạng bỏ học giữa chừng rất nhiều. Để các cháu đến trường đều đặn, BĐBP lại xuống tận từng cánh đồng giúp đồng bào gặt hái chạy lũ cho các cháu được đi học. Chưa hết, những người thầy giáo biên phòng đó còn chèo đò đến đưa rước các em tới trường. Từ bộ quần áo, cái bút, cuốn vở hay cặp sách… đều được anh em biên phòng san sẻ cho các cháu.
15 năm nay, những lớp học như thế này đã mang ánh sáng tri thức cho trên 1.200 học sinh nghèo |
Khai sáng trí thức vùng biên
Trung bình mỗi năm có từ hai đến ba lớp học, thậm chí có thời điểm lên tới bảy lớp. Đến thời điểm này, tổng số các cháu nghèo được BĐBP Long An phổ cập là trên 1.200 cháu. Binh nhất Hà Châu Thanh Duy quê ở Châu Thành Long An đang đứng lớp ở đồn 893 tâm sự: Mỗi ngày được dạy các cháu mình lại thấy vui hơn. Vui vì các cháu dù nghèo nhưng rất chăm chỉ học hành. Vui vì mình đã góp được chút ít công sức để đem con chữ cho đồng bào, dù kiến thức của mình còn thiếu thốn. Vui vì mình lại được các cháu gọi bằng thầy. Vui vì đã có nhiều em học sinh nghèo nhờ những lớp học này mà giờ đã vào đại học, cao đẳng, trung cấp…
Lớp này hết, lớp khác lại tiếp tục, các em vẫn hăng say học hành với những người thầy là chiến sĩ mang quần phục xanh. Cháu Nguyễn Văn Thìn học sính lớp 2 ở đồn 893 khoe: Các thầy bộ đội dạy rất nhiệt tình, bày cho con và các bạn ở đây từng li từng tí. Nhiều hôm các bạn bị ốm hay trời mưa là các thầy chèo xuồng tới đón bọn con đi học. Chúng con thương các thầy bộ đội ấy lắm. Con mong sau này sẽ trở thành thày giáo để dạy chữ cho các em nghèo nơi đây.
Dù chỉ là những người thầy không chuyên, nhưng những người lính vẫn nỗ lực hết mình vừa rèn luyện vừa cố gắng học hỏi trau dồi kiến thức để đưa đến cho các cháu những gì tốt nhất. Theo đánh giá của nhiều người thì chất lượng học tập tại những lớp học này không thua kém gì trong các trường chính quy vì dù việc dạy là của lính biên phòng, nhưng kiểm tra chất lượng lại do chính giáo viên các trường trên địa bàn đảm nhiệm nên chất lượng được kiểm soát rất tốt.
Nhiều những người thầy cuộc đời thầy giáo mang quân hàm xanh đã đi cùng với các em nhỏ và phụ huynh nơi này như thầy Thầy Hiếu, Thầy Hà, Thầy Tâm… Giờ đây dù các thầy đã rời quân ngũ, nhưng tình nghĩa nặng lòng với bà con và các em vẫn còn luôn in mãi hình bóng họ vì chính những người thầy đó đã mang lại ánh sáng văn hóa để khai sáng cho vùng đất biên cương. Những đóng góp to lớn của những thầy giáo mang quân hàm xanh ở vùng biên Long An đã được bộ Giáo dục Đào tạo, Trung ương đoàn, UBND tỉnh Long An… tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Nói về ý nghĩa của những lớp học này, Trung tá Đoàn Văn An- Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy biên phòng Long An tâm sự: “Mình có làm được thì bà con mới tin. Mình có dạy chất lượng người dân mới cho con em tới học. Về lâu dài, việc mình phổ cập cho các cháu cũng là muốn nâng cao trình độ, là tạo ra nguồn lực tại chỗ cho nhân dân vùng biên. Dân trí cao, nhận thức tốt thì biên cương mới được giữ vững và thế trận quốc phòng toàn dân mới ngày càng bền chặt và vững mạnh…”.
Ngọc Quý