Mỗi bộ sưu tập là một “tự truyện”
Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền các video khoe bộ sưu tập tẩy do Thu Trà (Hà Nội) chia sẻ. Tự nhận mình là “đại gia tẩy”, mỗi video Thu Trà đăng tải thu hút hàng triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận. Qua các video có thể thấy cô gái trẻ sở hữu vô số mẫu tẩy hình các con vật, hoa quả, đồ ăn, nhân vật hoạt hình,… Những cục tẩy có hình dáng, màu sắc dễ thương cũng chính là lý do khiến cư dân mạng thích thú với bộ sưu tập của Thu Trà đến vậy. Đồng thời nhiều người còn nhớ đến những kỉ niệm thời thơ ấu khi xem thú vui độc lạ này.
Thu Trà bắt đầu có đam mê “săn” tẩy từ năm 2010, lúc cô nàng học lớp 5. Ngày ấy khi còn đi học, hầu như ngày nào Thu Trà cũng đi lùng mua tẩy mới. Cứ mẫu nào trông xinh xắn hoặc chưa có trong bộ sưu tập, cô nàng sẵn sàng chi tiền ra mua ngay dù đôi khi phải mua cả bộ tẩy để sở hữu đúng chiếc tẩy yêu thích nhất. Sau hơn 13 năm, bộ sưu tập tẩy từ vài cái lúc đầu đã trở nên đồ sộ với số lượng khoảng 200 đến 300 cái. Đến nay, dù đã là cô nàng sinh viên nhưng thỉnh thoảng Trà vẫn tấp vào chỗ quán quen để xem có mẫu tẩy mới hay không.
Được biết, giá trị của bộ sưu tập rơi vào khoảng 600.000 đến 700.000 đồng, với nhiều người số tiền này không phải là lớn để nói rằng bộ sưu tập này có giá trị. Thế nhưng với Thu Trà, giá trị không chỉ nằm ở số tiền mà đó là công sức cô nàng bỏ ra sưu tầm, chăm chút cho bộ sưu tập suốt mười mấy năm trời, nếu có ai trả bao nhiêu tiền cũng không bán.
Còn với Đoàn Triệu Anh (Bà Rịa - Vũng Tàu), cô nàng đam mê và có sở thích sưu tầm bút chì, sở hữu 520 cây bút với nhiều màu sắc, hoạ tiết và kích thước khác nhau. Bắt đầu sưu tầm từ năm lớp 6, Triệu Anh cho biết cô thích bút chì vì nó được làm từ gỗ gần gũi với thiên nhiên và đơn giản vì dùng bút chì để vẽ, luyện viết có thể dễ dàng tẩy, xoá.
Bộ sưu tập của cô học sinh lớp 10 rất đa dạng từ kích thước với cây bút chì ngắn nhất là 13cm, còn dài nhất là 19cm. Cho đến hoạ tiết, cái thì điêu khắc, in nhân vật hoạt hình hay hình ảnh văn hoá ở nhiều quốc gia… Trong đó, Triệu Anh yêu thích nhất với những cây bút trên thân in hình ảnh đặc trưng, ngôn ngữ của các vùng miền, quốc gia khác nhau. Trong tương lai, cô nàng mong muốn bộ sưu tập bút chì sẽ có đầy đủ hình ảnh đặc trưng của 11 nước trong khu vực Đông Nam Á, xa hơn là của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Đoàn Triệu Anh đam mê và có sở thích sưu tầm bút chì. (Ảnh: NV) |
Nếu như với Thu Trà và Đoàn Triệu Anh, hai bộ sưu tập tẩy và bút chì là nơi lưu giữ kỷ niệm đẹp của tuổi thơ và thời đi học, thì với thầy giáo Lê Xuân Bình (Cần Thơ) bộ sưu tập tem nhãn chứa đựng nét văn hoá, lịch sử đặc trưng của mỗi quốc gia. Có thể nói, thú chơi tem nhãn đã xuất hiện từ lâu và phổ biến với nhiều người bởi vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt của nó và với thầy Xuân Bình cũng không ngoại lệ.
Ngày còn học cấp 3, bắt đầu từ sự hiếu kì, thấy tem có màu sắc, hình ảnh đẹp thầy Xuân Bình thường gỡ tem trên những bao thư để dán vào tập,… rồi dần đi sâu tìm hiểu, đam mê, sưu tập. Trong quá trình sưu tầm, thầy phải tìm mua tại những công ty tem, trao đổi, giao lưu giữa những người chơi tem trong và ngoài nước, bên cạnh sự đầu tư về kinh tế thầy còn dành nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm, sưu tầm và lưu giữ.
30 năm sống trọn tình cảm với những con tem, hiện thầy Bình đang sở hữu bộ sưu tập với hơn 3.000 con tem, được sắp xếp tỉ mỉ và cẩn thận theo 8 chủ đề khác nhau, bao gồm: Đảng, Bác Hồ, Bảo vật quốc gia, Miền Tây quê tôi, Tết, Tình yêu, Chim và Các loại động vật. Chủ nhân của những con tem này cho rằng, ấn tượng nhất là bộ tem về Đảng và Bác Hồ, với hơn 100 mẫu tem được thu thập từ các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IV đến lần thứ XIII. Đối với thầy Bình, đây không chỉ là thú vui tao nhã, mà còn nhằm mục đích tôn vinh giá trị văn hoá, lịch sử, đồng thời ghi dấu sự phát triển của quê hương và đất nước theo từng giai đoạn thời gian.
Bên cạnh các bộ sưu tập trên, còn có bộ sưu tập bút máy, vỏ ốc, tranh ảnh, lon nước ngọt,… Vô số các bộ sưu tập có giá trị từ vài trăm nghìn cho đến hàng tỷ đồng cũng có, thế nhưng điểm chung của chúng đều có giá trị vô giá về mặt tinh thần và những câu chuyện, ý nghĩa tiềm ẩn sau từng món đồ tưởng chừng như vô tri.
Niềm vui to từ những điều nhỏ
Từ thuở bé, chắc hẳn không ít người có thói quen sưu tầm các món đồ yêu thích nào đó và sở hữu cho riêng mình một bộ sưu tập nho nhỏ. Một số người thường có sở thích sưu tầm hình dán, huy hiệu, đồng xu hay mô hình đồ chơi… trong khi có người thích đọc truyện và sưu tầm những cuốn truyện tranh hay. Ngày ấy, chúng ta coi bộ sưu tập đó là cả một gia tài to lớn, chứa đựng những thứ quý giá của tuổi ấu thơ.
Thế nhưng, không phải ai cũng dành thời gian, công sức cho những bộ sưu tập khi đến tuổi trưởng thành. Chỉ có số ít người vẫn giữ thói quen, sở thích đó để rồi dần dần bộ sưu tập nhỏ bé ngày nào đã trở nên đồ sộ theo năm tháng. Lúc ấy dù không phải món đồ đắt tiền nhưng bộ sưu tập vẫn vô cùng quý giá với chủ nhân bởi đằng sau đó là những câu chuyện sưu tầm thú vị, cảm giác hồi hộp lúc săn lùng hay vui sướng khi thu thập được thành viên mới.
Ví như Thu Trà, bộ sưu tập tẩy chứa đựng rất nhiều kỉ niệm của cô nàng. Mỗi khi mở ra ngắm nhìn cô sẽ nhớ lại cảm giác phấn khởi mỗi lần phát hiện ra mẫu nào mình chưa có, chiếc này mua lúc được điểm 10, bộ này được bạn cũ tặng, bộ này bố mẹ mua cho, chiếc kia khó lắm mới săn được… Với Thu Trà, đó là những ký ức vô giá phải góp nhặt trong hơn 10 năm trời.
Bên cạnh đó, với nhiều người, sở thích sưu tầm vốn không thay đổi theo tuổi tác mà thứ thay đổi chính là món đồ sưu tầm. Từ những cục tẩy, cái bút, hình dán,… của ngày bé thơ, giờ đây đến tuổi trưởng thành bộ sưu tập đã có nhiều thứ giá trị hơn như những cuốn sách của tác giả yêu thích, những chai rượu đẹp, đồ mỹ phẩm phiên bản đặc biệt…
Như với Thùy Linh (Hà Nội), người thích được đi đây đi đó, bộ sưu tập của cô nàng là những chiếc cuống vé, những món đồ kỷ niệm tại mỗi nơi từng đặt chân qua. “Nếu như hồi bé nghiện sưu tầm các mô hình được tặng kèm trong gói bim bim thì giờ đây tôi lại thích sưu tầm cuống vé, vé xe buýt, vé tàu hỏa, vé máy bay… Dường như có sự chuyển giao từ sở thích ngày bé đến khi trưởng thành, thế nhưng niềm vui khi sở hữu món đồ mình thích vẫn y nguyên như hồi con nít”, Thùy Linh chia sẻ.
Có thể thấy, khi lớn lên dù nhiều thứ có thể thay đổi nhưng tâm hồn của một đứa con nít háo hức, nhặt nhạnh những thứ mình thích, gom lại và cất đi như kho báu vẫn cứ còn mãi. Đối với họ, sưu tầm chính là niềm vui được lục lọi, sắp xếp, kiếm tìm giữa thế giới rộng lớn bao la kia để thấy được thứ thuộc về mình, thứ mà mình đang ngày đêm mong ước.
Quả thật, khi có cơ hội gặp gỡ những người theo đuổi thú vui sưu tầm ta mới thấy được niềm đam mê, sự kiên nhẫn và khát khao sở hữu của họ lớn thế nào. Nếu như hỏi một người sưu tầm về món đồ của họ, không ít người sẽ say sưa dành hàng giờ đồng hồ kể về món đồ đó như thể đang hồi tưởng lại suốt cả hành trình mà họ đã từng đi qua. Đó chính là điều làm cho việc sưu tầm trở nên ý nghĩa và đáng trân trọng, nhất là trong thời đại mọi thứ đều “vội” như ngày nay.