Nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng: Miệt mài lưu giữ văn hóa Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với mong muốn lưu giữ đặc trưng văn hóa Tây Nguyên, hơn 20 năm qua, nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng (SN 1977), thư ký Câu lạc bộ UNESCO Lâm Đồng không ngừng miệt mài sưu tầm hàng ngàn hiện vật, cổ vật Tây Nguyên, tạo dựng không gian Miền ký ức giữa lòng “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt.
Nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng: Miệt mài lưu giữ văn hóa Tây Nguyên

“Bảo tàng” thu nhỏ giữa lòng Đà Lạt

Đầu đường Nguyên Tử Lực (phường 8, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà kính phủ trắng bạt là một không gian lãng mạn mang tên Miền ký ức. Ấn tượng đầu tiên là những bánh xe được trang trí ở cổng biểu tượng cho sự luân hồi, là bánh xe đưa mọi người ngược dòng thời gian về với ký ức Đà Lạt thơ mộng, cổ kính.

Đúng như tên gọi Miền ký ức, bước chân xuống những bậc thang, du khách lạc vào không gian nhẹ nhàng, du dương trong tiếng nhạc. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là không gian trưng bày hiện vật, cổ vật Tây Nguyên. Những người đam mê văn hóa vẫn truyền tai nhau đây là “bảo tàng” văn hóa Tây Nguyên thu nhỏ ở xứ sở sương mù. Căn phòng tuy chỉ rộng hơn trăm m2 này đang lưu giữ hơn 5.000 hiện vật, cổ vật đặc trưng văn hóa Tây Nguyên.

Nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng bộc bạch, hơn 20 năm trước, anh vốn thích sưu tầm những vật dụng cổ như đồng hồ, máy nghe nhạc, ti vi… Mặt khác, xuất phát từ công việc gắn bó với đồng bào là làm công trình, làm nương rẫy… anh có cơ hội gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số, được nghe kể chuyện, dần dần mê mẩn văn hóa Tây Nguyên - vùng đất anh được sinh ra và trưởng thành. Anh tự nhủ Tây Nguyên là vùng đất có nền văn hóa đồ sộ nhưng ngày càng mai một, nhất là trong xã hội hiện đại, nhiều vật dụng, nếp sinh hoạt dễ bị lãng quên, không còn phù hợp.

“Ví dụ như gùi của người đồng bào, hiện nay nhiều vật dụng bằng nhựa vừa tiện lợi lại bền nên nhiều người sẽ mua dùng chứ đan một gùi tre vừa lâu lại mất công, dễ hỏng. Tôi cũng không biết bản thân đến với công việc sưu tầm hiện vật, cổ vật từ bao giờ nữa. Lúc đầu chỉ tìm kiếm vài vật dụng rồi dần dần giao lưu, trao đổi với các đàn anh sưu tầm đồ cổ….”, anh nói.

Vừa dẫn khách tham quan, ánh mắt anh Dũng lúc nào cũng sáng ngời say sưa kể về từng món đồ anh thuộc nằm lòng. Anh kể toàn bộ hiện vật, cổ vật đang lưu giữ là thành quả hơn 20 năm sưu tầm, được bạn bè, người thân yêu quý mà “vừa bán, vừa cho”.

Dừng lại trước khu trưng bày các vật dụng song mây tre như khung dệt, dụng cụ đặt lươn, lồng chim, lồng gà, nơm, đặt cá…, anh Dũng cho biết nhiều vật dụng đến nay đã thất truyền bởi cuộc sống hiện đại không còn phù hợp, người dân không còn sử dụng nên không còn sản xuất nữa.

Bộ sưu tầm rìu đá, đồ trang sức của đồng bào Tây Nguyên.

Bộ sưu tầm rìu đá, đồ trang sức của đồng bào Tây Nguyên.

Nổi bật và chiếm số lượng nhiều nhất tại phòng trưng bày Miền ký ức là hệ thống chum, ché cổ từ thời nhà Đường, gốm Chăm Pa. Một trong những cổ vật thuộc dạng hiếm hoi, đặc biệt là chiếc ché mẹ bồng con có niên đại từ thế kỷ 18 - 19, xuất xứ châu Ổ (Thiện Mỹ, Quảng Ngãi). Chiếc ché nổi bật, quý giá bởi như tên gọi có một ché lớn và ché nhỏ, tượng trưng cho tình mẫu tử, chế độ mẫu hệ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Sự khác biệt nữa là ché bình thường có thể cùng lúc cắm nhiều cần để uống rượu nhưng ché mẹ bồng con chỉ có 1 cần uống, người uống trước, người uống sau theo ngôi thứ. Khác biệt nữa là đầu cần uống còn có dụng cụ bằng kim loại giống như đầu tẩu hút thuốc lá để gắn vào ống tre rất đẹp, trang trọng. Theo phỏng đoán của những người sưu tầm cổ vật, có thể ché mẹ bồng con được dùng ở những lễ hội quan trọng hoặc dùng để phục vụ cho người có vị thế, chức sắc trong cộng đồng.

Ngoài ra, anh Dũng cũng sưu tầm các loại bình bằng gốm, đá, đồng, sứ, vàng bạc; dụng cụ săn bẫy thú dưới nước và trên bờ; bộ nhạc cụ, trống da trâu, da nai; cây nêu gốc của người K’Ho; bộ trang sức bằng đá, ngàn voi, vàng bạc và hàng ngàn chiếc gùi nhiều kích cỡ khác nhau được đánh giá là độc bản. Trong đó đặc trưng nhất là gùi có nắp đậy mang tính chất thất truyền vì ít người làm được, kỹ năng chế tác rất khó, thường được dùng để đi ăn cưới, bắt những con thú nhỏ…

Hay như bộ dao cổ cán đồng chuyên dùng để làm vật dụng song mây tre có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 18; bộ công cụ gồm rìu đá cũng thuộc dạng hiếm. Trong đó có những chiếc rìu đá chỉ nhỏ bằng 3 ngón tay, có độ tinh xảo cao có thể được dùng để gọt giũa đồ dùng bằng mây tre, cũng có già làng kể lại những vật dụng tí hon này là của các thầy mo mang theo bên mình, có thể dùng trong các nghi lễ tâm linh.

Kể về kỷ niệm đưa món cổ vật giá trị về với Đà Lạt, anh Dũng vẫn chưa quên cảm giác phiêu lưu vượt hàng trăm km đường đèo giữa trời mưa bão: “Đó là năm 2013, đúng thời điểm trời mưa bão, khi đó tôi được một người bạn báo tin có người ở xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk) có chiếc ché quý. Hay tin, tôi liền xuất phát sang Đắk Lắk thì chủ nhân nói đang để món đồ ở thị xã An Khê (Gia Lai), thế là lại sang Gia Lai rồi quay về Đà Lạt, cả hành trình mất đúng 3 ngày mới đưa được chiếc ché về đây”, anh Dũng kể lại.

Khát vọng gìn giữ văn hóa Tây Nguyên

Nhớ lại quãng thời gian đầu bước vào con đường sưu tầm cổ vật, anh Nguyễn Quốc Dũng trầm giọng tâm sự: “Động lực giúp tôi gắn bó với việc lưu giữ văn hóa Tây Nguyên đến nay là nhờ những bậc tiền bối, đàn anh đi trước đã sẻ chia, đồng cảm. Đấy cũng là phần thưởng lớn nhất với tôi”. Anh thú thực, trong gia đình không ai ủng hộ anh dấn thân vào con đường “chơi” cổ vật bởi kinh tế không dư dả gì, mọi người lại ái ngại không muốn anh đưa vật dụng mang tính tâm linh về nhà.

Thế nhưng, niềm đam mê đã giúp anh vượt qua tất cả, dần dần anh thay đổi cách nhìn của bố mẹ, vợ bằng những đóng góp cho xã hội. Bằng chứng là năm 2014, nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng ra mắt các hiện vật, cổ vật ở ga Đà Lạt và được mời tham gia trưng bày ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ năm 2015 đến năm 2021, bộ sưu tập của anh Dũng đều tham gia trưng bày tại làng du lịch Cù Lần (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), thu hút sự quan tâm của du khách.

Khó khăn lớn nhất khi theo nghiệp sưu tầm cổ vật như lời anh Dũng tự nhận: “Tôi là dân ngoại đạo đến với nghiệp chơi cổ vật, không cha truyền con nối, không có điều kiện kinh tế, không có kiến thức chuyên ngành. Mấy anh em vẫn gọi đùa tôi là người sưu tầm hiện vật, cổ vật 3 không”. Thế nhưng, từng cái “không” đó được Nguyễn Quốc Dũng “hóa giải” từng bước. Đối với kiến thức chuyên môn, anh tự mày mò đọc sách, học hỏi qua mạng internet hoặc hỏi những đàn anh đi trước, từ đó tích lũy kiến thức dần dần.

Anh dẫn chứng, dựa vào thai cốt, hoa văn trên bình gốm sẽ biết được xuất xứ hiện vật cũng như món đồ đó thuộc về cộng đồng nào. Chẳng hạn gốm Chăm Pa sẽ trang trí hoa văn biểu tượng Chăm Pa (rắn Naga, giảo long, ngọn lửa…) được trình bày bằng cách in khuôn. Còn gốm Việt chủ yếu trang trí hình rồng, phụng, hoa văn hình học.

Đối với khó khăn kinh tế, anh Dũng bộc bạch là ngay chính mình cũng không hiểu tại sao lại đeo đuổi tới tận hôm nay trong cảnh luôn luôn phải “giật gấu vá vai”, “lấy ngắn nuôi dài”. Thậm chí đến nay, bản thân anh và đồng nghiệp vẫn bù lỗ hàng tháng để duy trì không gian Miền ký ức. Cái lạ là dù khó khăn như vậy nhưng anh Dũng quyết tâm theo đuổi quan niệm sưu tầm, chơi cổ vật không phải để buôn bán, thu lợi kinh tế, bởi theo anh, lợi ích kinh tế có thể làm ra nhưng giá trị văn hóa mất đi không thể nào lấy lại. Anh muốn để lại cho thế hệ mai sau một không gian văn hóa Tây Nguyên; giúp các em học sinh ở Đà Lạt hiểu được cuộc sống các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên… và cũng góp phần điểm tô thêm sắc màu cho du lịch Đà Lạt.

“Sưu tầm cổ vật khó thì rất khó nhưng niềm vui không hề nhỏ; qua những món đồ tuy đơn giản nhưng giúp chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa, giá trị văn hóa các cộng đồng: “Chẳng hạn như bạn sẽ tò mò vì sao đồng bào người vùng cao luôn đốt lửa trong nhà, đó là cách xua đuổi thú dữ, côn trùng đơn giản mà hiệu quả nhất”, anh nói.

Chia sẻ dự định sắp tới, nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng mong muốn gặp được những người chung ý tưởng, chung chí hướng để mở rộng không gian Miền ký ức, tái hiện không gian văn hóa Tây Nguyên giữa lòng Đà Lạt một cách bài bản, chỉnh chu và bền vững hơn.