Nín thở lo vỡ đập

 Những ngày qua, khúc ruột miền Trung tiếp tục trắng trời mưa lũ; các hồ, đập thủy lợi tại Quảng Bình, Hã Tĩnh vốn đã yếu và no nước bởi đợt lũ trước nay trở nên mong manh. Nhiều xã, huyện ở khu vực hạ du đang nín thở trước nguy cơ vỡ đập.

Những ngày qua, khúc ruột miền Trung tiếp tục trắng trời mưa lũ; các hồ, đập thủy lợi tại Quảng Bình, Hã Tĩnh vốn đã yếu và no nước bởi đợt lũ trước nay trở nên mong manh. Nhiều xã, huyện ở khu vực hạ du đang nín thở trước nguy cơ vỡ đập.

Hồ Trung Thuần đang bị uy hiếp

Sau đợt mưa lũ đầu tháng 10 vừa qua, hồ, đập tại các tỉnh miền Trung đã bảo hòa nước. Nay, tiếp tục hứng chịu tiếp một đợt lũ với lưu lượng lớn hiếm thấy trong lịch sử - khiến một loạt công trình, vốn đã yếu nay phải oằn mình trước lũ dữ.

Đập Khe Mơ (Hà Tĩnh) bị vỡ, do lũ
Đập Khe Mơ (Hà Tĩnh) bị vỡ, do lũ

Tại Quảng Bình, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão (PCLB) tỉnh này xác định có 3 “điểm nóng” về an toàn hồ đập, cần tập trung xử lý để tránh gây thiệt hại cho khu vực dân cư lân cận và vùng hạ du. “Hồ Cẩm Ly (huyện Quảng Ninh) hiếm khi thấy nước tràn qua đập, nhưng trong đợt lũ lịch sử này, nước vượt đập khoảng 20cm. Ngoài ra, đập Mũi Rồng và hồ chứa Trung Thuần (Quảng Trạch) cũng đang bị đe dọa” - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB Quảng Bình - Nguyễn Ngọc Giai, cho hay.

Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến gần 300 hộ với hơn 8.000 nhân khẩu ở huyện Quảng Trạch bị ngập. Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, toàn tỉnh Quảng Bình đã di dời 6.000 hộ. Hiện nay, địa phương đã chủ động di dời người dân ở các xã bị ngập sâu như Sơn Trạch, Hưng Trạch, Liên Trạch (Bố Trạch) và có phương án xả đập phụ để tránh nguy cơ vỡ đập Mũi Rồng.

Cũng theo ông Giai, nếu trời tiếp tục mưa khoảng vài trăm mm cộng với ảnh hưởng của siêu bão ngoài biển Đông, thì hồ chứa nước Trung Thuần sẽ khó giữ được vì thân đập này vốn rất yếu.

Cứu đập Tân Long trong đêm

Tương tự, tại Hà Tĩnh, sau khi đập Khe Mơ (Hương Sơn) bị vỡ, đến nay tình hình cơ bản được khắc phục, nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn ra do mưa, lũ tiếp tục hoành hoành. 

Tuy nhiên, sau đập Khe Mơ, từ tối 16/10, lũ tiếp tục uy hiếp đập Tân Long (xã Sơn Long, Hương Sơn), với mức nước dâng trên 20cm khiến đập này đứng trước nguy cơ bị vỡ. Trước tình hình này, UBND xã Sơn Long đã điều động lực lượng của chính quyền và người dân vượt lũ, cứu đập trong đêm; bởi nếu đập này vỡ sẽ nhấn chìm khoảng 200 hộ dân sống dưới chân đập.

Lũ lớn, nhiều xã ở huyện Hương Khê bị chia cắt từ 16/10
Lũ lớn, nhiều xã ở huyện Hương Khê bị chia cắt từ 16/10

Hồ Kẻ Gỗ (nằm trên địa bàn 3 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê) - công trình thủy lợi quan trọng nhất của tỉnh này cũng đang trong tình trạng báo động. Mực nước đo được có thời điểm lên tới 32,4m, trong khi, cao trình thiết kế chỉ 32,5m. Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói với PLVN: hai hôm nay, lãnh đạo tỉnh thường xuyên có mặt tại con đập nói trên để chỉ đạo việc xả lũ.

“Thực tế, hồ này có chiều dài 29 km, diện tích lòng hồ hơn 30 km2, chứa 345 triệu m3 nước, tưới tiêu cho hàng vạn ha ruộng đồng của Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP. Hà Tĩnh nên việc xả lũ với tốc độ hơn 650 m3/s, liên tục mấy ngày qua - làm cho hàng chục xã của vùng hạ du thuộc Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP. Hà Tĩnh rơi vào tình trạng ngập nặng.” - ông Cự, nói.  

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, một chuyên gia lâu năm trong ngành thủy lợi, cảnh báo, với lượng mưa lớn và dồn dập như mấy ngày qua, lũ ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) còn lên nhanh, nên các hồ đập quy có mô nhỏ như  Khe Mơ, Tân Long… rất khó “đủ sức” để chống chọi. Vấn đề cấp bách hiện nay, bằng mọi giá chính quyền địa phương phải bảo vệ an toàn các hồ chưa lớn như Kẽ Gỗ, Cẩm Ly, vì nếu vỡ sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Đến cuối chiều qua, toàn Hà Tĩnh có 7 người chết (Can Lộc 4 người, TP.Hà Tĩnh 1 người, Hương Sơn và Kỳ Anh - mỗi huyện có 1 người); Quảng Bình có 1 người dân ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa bị mất tích và 43.500 hộ dân có nhà bị ngập trong lũ. Tại Nghệ An, mưa lớn liên tục cũng đã nhấn chìm hàng ngàn nhà dân tại các huyện, thị, thành phố, như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn, TP.Vinh…, toàn tỉnh đã có 5 người chết và mất tích. Ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ trưởng Tài chính cấp ngay 2.000 tấn gạo và 200 tỷ đồng cho nhân dân 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, để khắc phục hậu quả mưa, lũ. 

Quân khu 4 lập Sở chỉ huy tại Hà Tĩnh

Trao đổi với PLVN, Thiếu tướng Hồ Ngọc Tỵ - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 cho hay, ngày 17/10, Quân khu đã thiết lập một Sở Chỉ huy đặt tại huyện Vũ Quang, gồm 12 người của Cục Hậu cần, Tác chiến, Công Binh, Lữ đoàn 414… để chỉ chỉ huy và ứng cứu cho người dân tại các xã thuộc huyện này, trong đó có xã Đức Hương - nước ngập sâu tới 3m, nhiều ngày nay người dân chưa có cái ăn, nước ngập gần tới nóc nhà. Tại Quảng Bình, Thiếu tướng Trần Hữu Tuất, Phó Tư lện Quân khu 4, cũng có mặt để cùng với địa phương này thực hiện công tác PCLB và tìm kiến cứu nạn.

Hàng ngàn khách đi tàu phải “tăng bo” qua Quảng Bình

Ông Nguyễn Thanh Khánh, Phó Trưởng Ga Đồng Hới cho biết, đường sắt đoạn qua khu vực Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đang bị ngập nặng, cá biệt có nơi nền đường bị ngập tới 1m. Các đoàn tàu hành trình Nam - Bắc (SE6, TN2, SE4, SE8, VQ2, SE8…) đã phải dừng lại ga Đồng Hới trong ngày 16,17/10. Ngành đường sắt đã tổ chức chuyển tải hơn 1.200 khách từ Ga Đồng Hới ra Vinh, và trên 500  khách từ Ga Vinh vào Đồng Hới, bằng đường bộ để tiếp tục hành trình. Ngày 17/10, Ga Hà Nội ra thông báo bãi bỏ 4 chuyến tàu (SE7, SE5, SE3, HN1) khởi hành từ Hà Nội; 2 chuyến tàu (TN1, SE1) vẫn duy trì, nhưng khởi hành chậm so với kế hoạch chạy tàu trong những ngày bình thường. Các chuyến tàu hành trình Nam - Bắc, về Hà Nội trong ngày 17/10, cũng bị chậm từ 4 - 5 tiếng đồng hồ.

Xuất hiện siêu bão trên biển Đông

Trong khi miền Trung đang mưa lũ tơi bời, thì trên biển Đông lại xuất hiện một cơn bão (bão Megi). Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, đến 13 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 121,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (tức là từ 202 đến 221 km/h), giật trên cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350 km. Trong khoảng 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.

Tuấn Anh - Phi Hùng

Đọc thêm