Ninh Bình: Còn nhiều lo ngại xung quanh dự án Kênh Gà - Vân Trình

(PLO) - Mặc dù Quy hoạch thoát lũ trên sông Hoàng Long đã được điều chỉnh cho phù hợp với việc dự kiến xây dựng Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng trước khi “đại dự án” này được triển khai trên thực tế.
Một phần diện tích nằm trong quy hoạch Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình
Một phần diện tích nằm trong quy hoạch Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình

Chưa rõ phương án thoát lũ của Khu du lịch

Khu du lịch (KDL) Kênh Gà - Vân Trình dự kiến được xây dựng hoàn toàn trên diện tích vùng chiêm trũng núi ngập nước của 7 xã thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn, vốn là vùng thoát lũ, luôn bị ngập trong mùa mưa. Vì công trình nhân tạo được xây dựng trên “bọng chứa nước” khi lũ về nên đòi hỏi phải có phương án thoát lũ hiệu quả, an toàn cho người dân nơi đây và cho chính KDL khi đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiều giải pháp đã được thực thi nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng ngập lụt cho các vùng dân cư nằm trong khu vực thoát lũ.

Trong tổng số gần 2.900ha quy hoạch xây dựng KDL này, hầu hết đều nằm trong vùng thoát lũ của sông Hoàng Long, bao gồm khoảng 1.900ha đất ngoài đê (thuộc vùng tràn lũ của sông Hoàng Long) và khoảng gần 1.000 ha đất trong đê (thuộc vùng xả lũ sông Hoàng Long). Khu vực vùng lõi là nơi trũng nhất chiếm khoảng 1.485ha, trong đó diện tích xây dựng của dự án sẽ chiếm khoảng gần 500ha, khu vực hồ trung tâm 300ha, còn lại là diện tích đất tự nhiên. Như vậy, phương án thoát lũ cho KDL là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa quyết định sự tồn tại và thành công của KDL.

Theo quy hoạch điều chỉnh phòng chống lũ cho sông Hoàng Long mới nhất được HĐND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 04/8/2016 cho thấy, phương án thoát lũ trên sông Hoàng Long đã thay đổi, không còn phương án tích lũ như trước kia, các dữ liệu của phương án thoát lũ mới đều làm căn cứ quan trọng để tính toán, xây dựng các công trình, hạng mục thoát lũ của KDL. Hơn nữa, muốn xây dựng KDL thì các hạng mục phục vụ cho việc thoát lũ sông Hoàng Long phải được triển khai xây dựng trước, nhất là phương án mở rộng và nạo vét lòng sông.

Điều này thể hiện rất rõ tại Công văn phúc đáp của Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ NN&PTNT cho rằng, KDL Kênh Gà - Vân Trình chưa có các thông tin về các công trình tiêu thoát nước qua đê, cũng như các công trình phục vụ tưới tiêu ở bãi sông và ảnh hưởng của KDL tới các công trình này. Đặc biệt, KDL sử dụng số lượng lớn đất bãi sông, do đó phương án thoát lũ của KDL phải phù hợp quy hoạch thoát lũ của sông Hoàng Long, nhưng đến nay những nội dung này chưa được làm rõ, vì thế Bộ NN&PTNT chưa có cơ sở để tham gia ý kiến.

Nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại

Đánh giá cao phương án khai thác và phát triển tiềm năng du lịch địa điểm này,  tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học đều tỏ ra lo ngại khi vùng trữ lũ bị mất, điều này đồng nghĩa với việc cần phải có phương án thoát lũ thay thế trên sông Hoàng Long với dung tích từ 12 triệu đến 15 triệu m3. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này, lượng dòng chảy vào mùa lũ trên sông Hoàng Long sẽ bị tăng cao đột ngột, đặc biệt là đoạn từ Kênh Gà đến Gián Khẩu sẽ là khu vực chịu áp lực lũ nặng nề nhất, điều này sẽ không tránh khỏi những rủi ro, hiểm họa khôn lường mỗi khi mùa mưa bão tới.

Theo PGS.TS Phạm Thị Hương Lan, Viện trưởng Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Thủy lợi), đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ sông Hoàng Long cho rằng: với kịch bản dung tích trữ lũ mất đi 12 triệu m3, cần phải mở rộng sông Hoàng Long đoạn từ Bến Đế tới Gián Khẩu (chiều dài khoảng 14km) thêm từ 130m - 180m, kết hợp với nạo vét lòng dẫn thường xuyên. Đây là việc làm khó khăn và tốn kém kinh phí để duy trì.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Quy hoạch Thủy lợi) cho rằng: phương án nạo vét, mở rộng sông Hoàng Long đoạn từ Kênh Gà tới Gián Khẩu có thể xem là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, cần phải xem xét thêm các vấn đề về thực trạng bồi lắng, chống xói lở lòng sông khi tiến hành nạo vét mở rộng đoạn sông này.

Bên cạnh đó, do mực nước lũ sẽ tăng cao, cần phải có thêm các biện pháp để gia cố, nâng đê, bảo vệ đê sông Hoàng Long cho phù hợp. Trong đó, cần tính tới cả các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới mực nước trên sông Hoàng Long. Tất cả cần lượng kinh phí xây dựng và duy tu rất lớn, đòi hỏi cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế.

Sự xuất hiện KDL Kênh Gà - Vân Trình không chỉ tác động trực tiếp tới việc điều chỉnh quy hoạch và phương án thoát lũ của sông Hoàng Long mà còn ảnh hưởng tới mực nước, môi trường sinh thái của cả khu vực lân cận, như: Cố đô Hoa Lư, Tràng An, Bái Đính, Kênh Gà, Vân Long, Tam Cốc, Bích Động… không thể làm dự án này lại làm hỏng dự án khác. Đây là nhận định của TS Hà Lương Thuần (nguyên Viện trưởng Viện Nước tưới tiêu và môi trường). Do đó, bàn về các giải pháp bảo vệ dài hạn cho KDL này thì cũng cần phải bàn biện pháp bảo vệ tương ứng cho khu vực lân cận – TS Thuần kiến nghị.

Nhận thấy từ một khó khăn khác khi thực hiện KDL Kênh Gà - Vân Trình, theo TS Đặng Quang Tính - nguyên Cục trưởng Cục Quản lí đê điều cho rằng: vấn đề an sinh xã hội cho người dân trong vùng dự án mới là điều đáng bàn. Theo tính toán tại Tờ trình số 23 ngày 10/4/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình trình Thủ tướng thì việc giải phóng mặt bằng vùng lõi sẽ di dời gần 3000 nhân khẩu, nhưng việc chuyển đổi nghề nghiệp cho toàn vùng dự án tới hơn 10.000 người. Đây không chỉ là gánh nặng ngân sách trước mắt, mà về lâu dài vấn đề an sinh không được giải quyết tốt sẽ gây mất an ninh trật tự, phát sinh nhiều phức tạp và hệ lụy trong đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân nơi đây. 

Đọc thêm