Nợ hàng nghìn tỷ đồng, nhà máy sô đa Chu Lai bị kê biên

(PLVN) - Nhà máy sô đa Chu Lai (huyện Núi Thành) đang nợ ngân hàng và đối tác hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án.

Ngày 22/2, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã đồng ý với đề nghị của Cục Thi hành án dân sự tỉnh về việc kê biên tài sản tại nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (huyện Núi Thành) thuộc Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai (Công ty sô đa Chu Lai).

UBND tỉnh Quảng Nam giao Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện. Công an tỉnh cũng được chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự và phối hợp với Cục Thi hành án dân sự để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình kê biên và xử lý tài sản.

Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai nợ các ngân hàng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Công Huy).

Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai nợ các ngân hàng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Công Huy).

Trước đó, vào ngày 6/2, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam có báo cáo tình hình của Nhà máy sô đa Chu Lai gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Theo nội dung báo cáo, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị này đang tổ chức thi hành án đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM ngày 9/2/2018 của TAND tỉnh; Bản án số 08/2018/KDTM- ST ngày 12/11/2018 của TAND tỉnh theo các Quyết định thi hành án số 01/QĐ-CTHADS ngày 4/10/2021 và số 161/QĐ-CTHADS ngày 4/4/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Theo nội dung thi hành án, Công ty Sô đa Chu Lai có nghĩa vụ trả các khoản nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) số tiền đến ngày 31/1/2018. Cụ thể, trả Agribank tổng cộng nợ gốc, nợ lãi và phí đầu mối hơn 64,9 triệu USD (tỷ giá hiện nay hơn 1.600 tỷ đồng) và hơn 565 tỷ đồng; trả PVcomBank tổng cộng nợ gốc, nợ lãi hơn 38 triệu USD (tỷ giá hiện nay khoảng hơn 970 tỷ đồng).

Bên trong nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.

Bên trong nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.

Thêm vào đó, Công ty sô đa Chu Lai còn phải trả phí đầu mối và lãi suất trên dư nợ gốc từ ngày 1/2/2018 theo các hợp đồng tín dụng đã thỏa thuận. Việc trả nợ gốc và lãi được quy đổi ra VND theo tỷ giá của Agribank tại thời điểm thanh toán.

Công ty cũng phải trả cho Công ty CP Lilama 69-1 hơn 34 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án. Khi nhận tiền, Công ty CP Lilama 69-1 phải xuất hóa đơn theo quy định.

Hiện tại, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam đã kê biên các tài sản tại nhà máy sô đa Chu Lai, bao gồm hơn 20.000 tấn muối công nghiệp, hơn 5.200 tấn đá vôi, hơn 7.500 tấn than và một số ô tô đã qua sử dụng. Ngoài ra, còn có ô tô Toyota biển số 92A-032...; ô tô Ford biển số 92H-22..., ô tô Toyota biển số 92A-006... (đối với xe đã bán đấu giá thành, đối với nguyên vật liệu đã kê biên các bên đương sự chưa thống nhất phương án xử lý).

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam đọc quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của Nhà máy Sô đa Chu Lai.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam đọc quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của Nhà máy Sô đa Chu Lai.

Căn cứ công văn của UBND tỉnh Quảng Nam về thống nhất chủ trương thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản của Công ty sô đa Chu Lai, theo đề nghị của công ty, ngân hàng, Công ty TNHH SXKDTM Tân Tiến (đơn vị chiếm 50% phần vốn góp của Công ty sô đa Chu Lai) và các quy định của pháp luật, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định cưỡng chế, kê biên xử lý số 13/QĐ-CTHADS ngày 15/1.

Quyết định cưỡng chế ấn định việc kê biên xử lý tài sản của Công ty sô-đa Chu Lai vào ngày 18/2 (dự kiến thời gian làm việc là 20 ngày liên tục, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật; kê biên theo đề nghị của các đương sự nên không huy động lực lượng bảo vệ), tài sản kê biên gồm máy móc thiết bị, công trình gắn liền trên đất, hệ thống truyền tải điện, nguyên vật liệu...

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam kê biên các tài sản tại nhà máy sô đa Chu Lai.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam kê biên các tài sản tại nhà máy sô đa Chu Lai.

Sau khi kê biên, Cục Thi hành án sẽ thông báo công khai để các bên liên quan thực hiện quyền tranh chấp tài sản nếu có. Nếu không có tranh chấp, đơn vị này sẽ thẩm định giá và bán đấu giá công khai theo quy định pháp luật.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, đây là vụ việc có giá trị lớn, có tính chất phức tạp và không loại trừ những trường hợp có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trước và sau khi xử lý tài sản. Đơn vị đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo công an tỉnh đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, kịp thời giải quyết các vấn đề về an ninh tại Công ty sô đa Chu Lai…

Nhà máy sô đa Chu Lai được xây dựng năm 2010, trên diện tích 20ha, vốn đầu tư của trên 100 triệu USD, công suất thiết kế 200.000 tấn/năm. Sau khi hoàn thành, dự án đưa vào hoạt động nhưng do chưa đủ điều kiện về môi trường, không đảm bảo về kỹ thuật, trang thiết bị máy móc không đồng bộ nên ngừng hoạt động. Đến tháng 4/2018, Công ty TNHH Tân Tiến đầu tư vào nhà máy hơn 1.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị. Tuy nhiên, khi nhà máy đi vào vận hành thì gặp vướng mắc do liên quan đến pháp lý.

Đọc thêm