Nỗ lực bảo tồn loài động vật hoang dã trong Sách đỏ Việt Nam

(PLVN) - Tại Việt Nam, công tác bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nói chung và bảo tồn tê tê nói riêng đã và đang được chú trọng hơn trước đây, đạt được nhiều kết quả khích lệ. Trong đó có cả những nỗ lực trong việc tăng cường thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và khắc phục những “lỗ hổng” pháp lý, nâng cao khung hình phạt.
SVW phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương tái thả 8 cá thể tê tê Java quý hiếm. (Nguồn: SVW)

Tái thả 8 cá thể tê tê quý hiếm về tự nhiên

Ngày 7/11, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) đã phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương tái thả thành công 8 cá thể tê tê Java quý hiếm (tên khoa học là Manis javanica) về tự nhiên. Đây có thể được xem là một thành tựu đáng ghi nhận khi công tác bảo tồn loài động vật nguy cấp, quý hiếm này luôn đối mặt với vô vàn khó khăn, gian nan.

Theo thông tin từ SVW, các cá thể tê tê này đều được Trung tâm phối hợp với cơ quan chức năng, cứu hộ từ các vụ buôn bán và vận chuyển trái phép, trong đó có một số cá thể được người dân tự nguyện giao nộp. Đặc biệt, trong số tê tê được tái thả lần này, có một cá thể cái được phát hiện mang thai khi được tiếp nhận.

Trong quá trình chăm sóc và phục hồi cho cá thể này, các nhà bảo tồn tại SVW đã chào đón bé tê tê con ra đời bình an và khỏe mạnh. Sau một thời gian dài phục hồi tại khu bán hoang dã, hai mẹ con tê tê và những cá thể khác đã đáp ứng đầy đủ điều kiện để được tái thả, sẵn sàng cho hành trình trở về “ngôi nhà hoang dã” của chúng.

Được biết, số lượng tê tê được cứu hộ về trong tình trạng khỏe mạnh thường rất ít. Quy trình chăm sóc tê tê sau khi cứu hộ cũng vô cùng cẩn thận và khắt khe vì loài tê tê rất nhạy cảm với môi trường, nhiệt độ và tiếng ồn, nên dễ bị căng thẳng và mắc các bệnh tự nhiễm gây hại sức khỏe.

Hơn hết, nhằm tìm ra những môi trường sống an toàn và phù hợp cho tê tê, nhóm nghiên cứu bảo tồn của SVW đã thực hiện nhiều khảo sát tại nhiều khu vực khác nhau. Họ đã cân nhắc nhiều yếu tố bởi việc thả động vật hoang dã tại môi trường phù hợp không chỉ giúp cho quần thể loài ngoài tự nhiên phát triển mạnh mẽ, mà còn góp phần bảo vệ đa dạng sinh học tại khu vực đó.

Kể từ khi thành lập, SVW đã cứu hộ thành công hơn 4.280 cá thể động vật hoang dã. Hơn 70% động vật được phục hồi và tái thả về tự nhiên thành công, góp phần vào nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị cứu hộ tê tê nhiều nhất Việt Nam với hơn 1.709 cá thể tê tê được giải cứu.

Trung tâm này đã tiên phong ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái với hệ thống điều khiển vô tuyến để theo dõi và nghiên cứu tê tê sau khi tái thả, khắc phục khó khăn trong việc giám sát tê tê trong phạm vi rừng quá rộng.

Tăng cường thực thi pháp luật để bảo vệ tê tê

Hiện nay, các loài tê tê bản địa của Việt Nam không chỉ được bảo vệ trong nước mà còn nằm trong Phụ lục I của Công ước quốc tế CITES, cấm buôn bán xuyên quốc gia và khai thác từ tự nhiên. Tuy nhiên, dù luật pháp bảo vệ rất nghiêm ngặt, nhưng các hành vi săn bắt và buôn bán trái phép tê tê vẫn diễn ra phức tạp vì nhu cầu cao.

Tê tê là loài thú bị săn bắt trái phép nhiều nhất trên thế giới, với thịt tê tê được coi là đặc sản tại nhiều nhà hàng, trong khi vảy tê tê được sử dụng trong một số bài thuốc đông y. Những quan niệm sai lầm của người tiêu dùng và tình trạng buôn bán trái phép tê tê đã cản trở các nỗ lực bảo tồn, thậm chí đẩy tê tê đến gần bờ vực tuyệt chủng.

Tê tê Java (Manis Javanica) được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp theo Sách đỏ IUCN và thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Cả hai loại tê tê bản địa tại Việt Nam là tê tê vàng và tê tê Java đều được pháp luật bảo vệ ở mức độ cao nhất, được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể đều bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm đối với 8 cá thể tê tê trở lên đã đáp ứng dấu hiệu định khung với mức hình phạt từ 10 - 15 năm tù đối với cá nhân. Riêng hành vi quảng cáo bán tê tê hoặc các sản phẩm, bộ phận của tê tê được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 - 100 triệu đồng theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP.

Đọc thêm