Nỗ lực bảo vệ đàn gia cầm trước dịch bệnh

(PLVN) - Chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020 hôm qua (13/2), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương hết sức chú ý phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm mới, tiêu hủy ngay gia cầm bị bệnh; tất cả các tỉnh ra quân tổng vệ sinh môi trường bằng vôi bột, làm tập trung để ngăn chặn virus lây lan.
Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ năm 2002, đặc biệt đỉnh điểm năm 2004, đại dịch cúm gia cầm gây tổn thất rất lớn cho ngành chăn nuôi. Chúng ta phải tiêu hủy 45 triệu con gia cầm, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.

Sau giai đoạn đó, chúng ta có bước tiến vượt bậc cả về thể chế, cơ chế, công nghệ, nhận thức và phương thức tổ chức chăn nuôi. Chúng ta cũng rất tự hào bởi hệ sinh thái xung quanh ngành chăn nuôi đã có bước tiến vượt bậc. Hiện nay, trang trại chăn nuôi cỡ 10.000 con lợn là bình thường, không phải quá lớn.

Có những đơn vị hiện nay sản xuất 50 triệu con gà giống, không phải là gà công nghiệp mà là gà đặc sản Việt Nam. Chăn nuôi gia cầm cũng có những điểm mạnh như: Chăn nuôi quy mô lớn gắn với an toàn sinh học đang trở thành yếu tố căn bản, chiếm tỷ trọng 50%, kể cả chăn nuôi trực tiếp hay vệ tinh thì dòng chảy chủ đạo vẫn là chăn nuôi theo an toàn sinh học.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 11/2, cả nước hiện có 10 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do chủng virus cúm A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

Tuy nhiên, theo ông Cường, nếu nhìn thẳng vào thực tế thì nền chăn nuôi Việt Nam vẫn còn nguy cơ  rủi ro rất cao. Vấn đề nổi lên hàng đầu là chăn nuôi quy mô hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Đại gia súc vẫn còn hàng triệu hộ nên nguy cơ rất cao. 

Bên cạnh đó, Việt Nam trải dài ở 15 vĩ độ, cả cận nhiệt đới, ôn đới và nhiệt đới, tương ứng với nhiều dạng địa hình và tiểu vùng khí hậu nên nguy cơ dịch bệnh rất cao, đồng thời gây bất lợi cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Bất cập nữa là mật độ đàn chăn nuôi quá lớn; quá trình lưu thông hàng hóa rất lớn, trong khi thói quen buôn bán giết mổ còn theo kiểu truyền thống; xác suất lây nhiễm cao.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch: “Chúng ta rất muốn tái đàn để phục hồi quy mô chăn nuôi lợn. Nhưng phải đảm bảo tăng trưởng chắc chắn, ổn định bền vững, không được bất chấp rủi ro để tăng đàn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.  

Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, năm 2019, đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng cao, một số địa phương có đàn gia cầm tăng đến 2 con số như Bến Tre tăng gần 40%, Trà Vinh có đàn gà tăng 52%, vịt tăng 41%,…
Tính đến tháng 12/2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đạt 467 triệu con, tăng 14,2% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt khoảng 1.278,6 nghìn tấn, tăng 16,5% so với năm 2018.

Đọc thêm