Nỗ lực bảo vệ người bạch tạng trước nạn "phù thủy"

Mắc chứng bạch tạng chẳng khác nào lĩnh án tử ở Tanzania. Từ năm 2006 đến nay, hơn 100 người đã bị tấn công, trong có 70 người chết và số còn lại bị thương nặng. Tất cả xuất phát từ niềm tin mù quáng của một bộ phận không nhỏ người dân.

[links()]Mắc chứng bạch tạng chẳng khác nào lĩnh án tử ở Tanzania. Từ năm 2006 đến nay, hơn 100 người đã bị tấn công, trong có 70 người chết và số còn lại bị thương nặng. Tất cả xuất phát từ niềm tin mù quáng của một bộ phận không nhỏ người dân.

Người bạch tạng bị sát hại do một niềm tin tồn tại rộng rãi cho rằng bùa phép làm từ các phần thi thể của họ mang tới may mắn và sự phồn thịnh. Ông Isaac Timothy - một nhà hoạt động vì người bạch tạng ở thị trấn khai thác vàng của Geita, nơi rất nhiều người tin vào những thầy phù thủy - cho biết:

“Khi những người dân tại thị trấn mang đến các phần cơ thể của người bạch tạng như một cánh tay, một ngón tay hay một ngón chân…, những thầy phù thủy sẽ nghiền ra để làm thành những lọ thuốc. Những người thợ mỏ sau đó rắc lên vùng đất mà họ định khai thác hòng mong kiếm được nhiều vàng bạc, đá quý. Còn ngư dân thì rắc lên thuyền để cầu những mẻ cá đầy lưới. Nhiều gã đàn ông đồi bại thậm chi tin rằng làm “chuyện ấy” với người bạch tạng có thể chữa bệnh AIDS”.

Những thầy phù thủy này kiếm được món hời hàng chục ngàn USD từ các liều thuốc ma thuật từ chính thân xác đồng loại của mình. Một “bộ” hoàn chỉnh bao gồm tai, lưỡi, mũi, bộ phận sinh dục và cả 4 chi của người bạch tạng có thể bán được tới 75.000 USD tại Tanzania. Do đó, rất nhiều người trong số 17.000 bệnh nhân bạch tạng của Tanzania đã và đang có nguy cơ trở thành “món hàng” kiếm lời của các thầy phù thủy.

v
Nhiều người cho rằng, bùa phép làm từ các phần thi thể của người bạch tạng mang tới may mắn và sự phồn thịnh.

Mới đây nhất, những kẻ săn lùng phần cơ thể người bạch tạng để phục vụ cho các nghi lễ phù thủy đã chặt đứt bàn tay của một bé trai 7 tuổi tên Mwigulu Magessa ở tỉnh Milepa, Tanzania. Cách đó ít ngày, một bà mẹ bạch tạng có 4 con cũng bị những gã đàn ông chặt đứt tay.

Một thành viên Trung tâm Nhân quyền và Pháp lý Tanzania nói rằng sau nhiều tháng tình hình đã tạm yên ắng, gần đây sự tăng lên của các vụ tấn công người bạch tạng là yếu tố “đáng báo động”.

Nhiều trẻ bị bệnh bạch tạng tại Tanzania hiện đang đối mặt với tương lai mù mịt: không trường học, không khu vui chơi, giải trí. Ở một số cộng đồng, các em bị coi là ngu dốt và không được khuyến khích đi học. Nếu may mắn được đến trường, các em thường học kém do thị lực yếu – một căn bệnh đi kèm hội chứng bạch tạng, khiến việc đọc chữ trở nên khó khăn. Rất nhiều đứa trẻ bạch tạng lớn lên bị mù chữ và phải làm các công việc đầy tớ.

Tuy nhiên, rất nhiều người đang trông đợi vào một sự thay đổi ở quốc gia này. Bộ Giáo dục Tanzania mới đây đã cung cấp một cuốn sách giới thiệu khái quát nhất về bạch tạng để giáo viên trường công lập và các giáo sư đại học phổ biến rộng rãi.

Và năm ngoái, Liên đoàn da liễu quốc tế và hãng dược phẩm GlaxoSmithKline đã bắt đầu cung cấp mũ rộng vành và kem chống nắng cho người bạch tạng ở Đông Phi sử dụng. Tuy nhiên, sự kỳ thị về bệnh bạch tạng tại Tanzania chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để xua tan.

Minh Nguyệt (theo NPR, Reuters)