Nỗ lực cuối cùng của Mỹ để cứu Chính phủ

Tổng thống Mỹ Barack Obama tối 6/4 thúc giục các nhà làm luật hãy "hành động như người lớn" và thống nhất một thỏa thuận về ngân sách để tránh làm tê liệt chính phủ nước này. Đây là một trong những nỗ lực cuối cùng giúp chính quyền Mỹ thoát khỏi ngõ cụt về ngân sách.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tối 6/4 thúc giục các nhà làm luật hãy "hành động như người lớn" và thống nhất một thỏa thuận về ngân sách để tránh làm tê liệt chính phủ nước này. Đây là một trong những nỗ lực cuối cùng giúp chính quyền Mỹ thoát khỏi ngõ cụt về ngân sách.

Nỗ lực cuối cùng của Mỹ để cứu Chính phủ ảnh 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP

Theo Nhà Trắng, tối 6/4 (theo giờ Mỹ) Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện John Boehner, đảng Cộng hòa và lãnh đạo phe dân chủ tại Thượng viện Harry Reid cùng với Phó Tổng thống Joe Biden tại phòng Bầu dục ở Washington .

Tại cuộc họp này, các bên "thương lượng" với nhau về một dự luật ngân sách cho cuối năm tài khóa sẽ kết thúc vào tháng 9 tới. Theo phát ngôn viên của Barack Obama, Jay Carney, Tổng thống đã triệu tập cuộc họp này bởi vì ông cho rằng "chưa đủ tiến bộ" trong các cuộc thương lượng trước.

Theo Tổng thống Obama, cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, "có tinh thần xây dựng" và khoảng cách giữa các bên đã được thu hẹp lại, song vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào.

Nỗ lực cuối cùng của Mỹ để cứu Chính phủ ảnh 2

Harry Reid và John Boehner hôm 6/4 tại Washington . Ảnh: AFP

Các dân biểu trong Quốc hội Mỹ cho tới tối 6/4 vẫn cố tìm kiếm một thỏa thuận về kế hoạch chi tiêu cho các cơ quan chính phủ, trong khi dự tính các bộ phận được cho là không cần thiết sẽ không được cấp ngân sách nữa.

Tổng thống Obama phản đối một "kịch bản" như vậy. Ông Obama khẳng định rằng sự tê liệt của Chính phủ có thể sẽ hủy hoại sự phục hồi kinh tế của nước này. "Chúng tôi tạo ra nhiều việc làm trong thời gian qua. Nhưng các doanh nghiệp không muốn bấp bênh", ông phát biểu tại Pennsylvania , nơi ông có chuyến công tác địa phương đầu tiên kể từ khi thông báo ra tái tranh cử tổng thống vào năm 2012.

Nếu Quốc hội không thông qua ngân sách cho chính quyền liên bang, thì khoảng 800.000 nhân viên Chính phủ Mỹ có thể sẽ phải ngừng làm việc kể từ nửa đêm ngày hôm nay, theo giờ Mỹ.

Để ngăn chặn việc này có thể xảy ra, hôm 5/4, phe đa số Cộng hòa trong Hạ viện thông báo sẽ trình thông qua một đạo luật mới về ngân sách tạm thời cho năm 2011, theo đó sẽ cắt giảm chi tiêu 12 tỷ USD trong một tuần duy nhất. Tuy nhiên, ông Boehner nói rõ rằng, kế hoạch tạm thời sẽ chỉ cho phép Chính phủ Mỹ hoạt động thêm một tuần. Phe Cộng hòa hoàn toàn có đủ phiếu để thông qua một đạo luật đó, song lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Reid cho biết ông không ủng hộ cho một đạo luật mới trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Cộng hòa cho biết, nhiều dân biểu Mỹ đòi rút bớt ngân sách để giảm thâm hụt. "Tôi đánh giá cao Tổng thống, nhưng một tổng thống phải biết chỉ đường. Ông ấy đã không làm điều đó đối với ngân sách năm ngoái và rõ ràng cũng không làm đối với ngân sách năm nay", ông Boehner nói. Về phần mình, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện tỏ ra không hài lòng về đánh giá của ông Boehner. 

Trong phần còn lại của năm tài khóa sẽ kết thúc vào ngày 30/9 tới, đảng Dân chủ muốn có một khoản cắt giảm khoảng 33 tỷ USD trong ngân sách chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa lại muốn khoản cắt giảm phải lên tới 61 tỷ USD. Sau đó, các nghị sỹ của đảng Dân chủ dường như đã đồng ý nâng khoản cắt giảm lên thành 40 tỷ USD, nhưng không nhận được sự chấp thuận từ những người thuộc phe Cộng hòa.

Chính phủ Mỹ từng phải ngừng hoạt động 10 lần dưới thời Tổng thống Jimmy Carter và Ronald Reegan vì không đạt được sự đồng thuận trong ngân sách chi tiêu. Lần bị ngừng gần đây nhất của Chính phủ Mỹ vào năm 1995 dưới quyền Tổng thống Bill Clinton. Theo một đạo luật từ năm 1870, Chính phủ Mỹ sẽ không hoạt động nếu ngân sách không được thông qua đối với các cơ quan thiết yếu gồm an ninh quốc gia, kiểm soát không lưu, một số dịch vụ y tế, nhưng không bao gồm các lĩnh vực như cấp thị thực và hộ chiếu, bảo tàng và di tích, một số công việc hành chính.

Phúc Lợi (theo AFP, BBC)